Hồi hộp và phấn khởi
Vừa nhận được tấm thẻ cử tri để chuẩn bị ngày 23/5 đi bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chị Lê Thị Vân, ngụ ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức cho biết, chị rất hồi hộp được trải nghiệm không khí bầu cử tại TP Hồ Chí Minh bởi đây là lần đầu tiên chị nhận được tấm thẻ cử tri sau khi rời Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc.
Theo chị Lê Thị Vân, cầm lá phiếu trên tay nghĩa là chị đã có quyền lựa chọn những người đại biểu đủ đức, đủ tài, có tinh thần trách nhiệm đứng ra gánh vác trọng trách đưa đất nước ngày càng phát triển. “Hiện tôi và gia đình đang nghiên cứu tiểu sử của các ứng cử viên một cách kỹ lưỡng tại khu vực nơi mình bầu cử để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Tôi hy vọng rằng, những đại biểu đắc cử lần này sẽ đem hết khả năng của mình ra giúp dân, giúp nước, thực hiện ý chí và nguyện vọng của đa số cử tri”, chị Lê Thị Vân nói.
Ghi nhận tại các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh, đa số các các cử tri đều bày tỏ tâm tư, mong muốn các đại biểu trúng cử trong cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ quan tâm nhiều hơn đến các chính sách an sinh xã hội cho lao động nhập cư; chính sách tiền lương đối với người thu nhập thấp; chính sách đối với các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Cử tri Nguyễn Văn On, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức cho biết: "Tôi đã nhận được thẻ cử tri, được tham dự buổi tiếp xúc cử tri, được nghe mạn đàm tiểu sử của các ĐBQH và HĐND TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn các ĐBQH và HĐND TP Hồ Chí Minh khi trúng cử cần quan tâm đến việc xây dựng thành phố Thủ Đức phát triển hơn để đời sống người dân ở các vùng ngoại thành có đời sống tốt hơn, cần công khai quy hoạch chi tiết và công khai minh bạch các quy hoạch đất đai để người dân không bị ảnh hưởng khi bồi thường đền bù do thu hồi đất. Ngoài ra, những vấn đề tồn tại của thành phố như vấn đề Thủ Thiêm, các dự án treo cần được các ứng cử viên trúng cử có giải pháp giải quyết dứt điểm để mở ra sự phát triển mới cho TP Hồ Chí Minh".
Tương tự, cử tri Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Công đoàn công ty Lữ hành Fiditour – Vietluxtour cho biết, là đơn vị hoạt động về lữ hành nên đa số các cử tri trong đơn vị bày tỏ mong muốn các ĐBQH quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ gấp các công ty du lịch lữ hành vượt qua giai đoạn khó khăn trong mùa dịch. Các ứng cử viên trúng cử cần có nhiều kiến nghị các giải pháp về mặt tài chính như: hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, trợ cấp cho người lao động, chính sách hỗ trợ về công nghệ... giúp cho các doanh nghiệp phát triển và giúp người lao động có thêm thu nhập.
"Ngoài ra, các ứng cử viên ĐBQH cũng nên chia sẻ kế hoạch kết nối lĩnh vực hoạt động của mình với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành để người lao động yên tâm làm việc trong mùa dịch. Các ưng cử viên trúng cử cũng cần xem xét việc đưa vào chương trình tour Biệt động Sài Gòn, Đặc công Rừng Sác, Trung ương Cục miền Nam vào tiết học ngoại khóa cho các em học sinh để giáo dục các em thêm yêu môn lịch sử Việt Nam…", cử tri Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ thêm.
Người trẻ hào hứng tham gia công tác đoàn
Là một cử tri khá trẻ tuổi, em Nguyễn Đăng Khoa, sinh viên năm 2 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: "Lần đầu tiên được nhận lá phiếu cử tri để chuẩn bị bỏ phiếu bầu cử tại TP Hồ Chí Minh, em cảm thấy rất vui và sẽ gửi gắm những trăn trở về việc phát triển công tác Đoàn trong sinh viên".
Theo Nguyễn Đăng Khoa, cán bộ Đoàn chuyên trách ở các địa phương chưa thực đồng đều, dẫn đến chất lượng hoạt động đoàn chưa cao nên có nhiều bạn trẻ không tha thiết gia nhập Đoàn thanh niên. Thực tế, một bộ phận lớn lao động trẻ trong các khu công nghiệp chưa tham gia tổ chức đoàn. "Vì vậy, em hy vọng các ứng cử viên ĐBQH nên có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để tập hợp thanh niên trong khối công nhân lao độnghăng hái tham gia vào tổ chức đoàn", Khoa chia sẻ.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, sau những buổi tiếp xúc cử tri với các bạn trẻ tại làng đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, mặc dù các bạn thanh niên còn khá trẻ nhưng đều có những ý kiến rất xác đáng, đặt ra nhiều vấn đề lớn và mang tầm cả nước mà cử tri thành phố nêu ra. Vì vậy, các cứng cử viên sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến, những gửi gắm của người dân để chuyển đến lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, từ đó sớm giải quyết các kiến nghị để cho các bạn trẻ yên tâm.
Đối với các chính sách dành cho lao động nhập cư, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết thêm, TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm bởi đây là những lao động đã có rất nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố. Mặt khác, vấn đề chăm lo an sinh xã hội là vấn đề chung và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Vì vậy, mọi người dân sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh đều được đối xử công bằng và theo hướng có lợi nhất cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026 cho biết, những ý kiến đóng góp của cử tri đều là động lực để mỗi ứng viên phấn đấu thực hiện các cam kết, dù có trúng cử hay không thì vẫn phải nói đi đôi với làm, nỗ lực giữ lời hứa với dân, tiếp tục hoàn thành chức trách nhiệm vụ nhà nước và nhân dân giao phó. Hiện nay, công tác bầu cử được TP Hồ Chí Minh triển khai rất sớm và đã đi đến những bước cuối cùng trong việc hoàn thiện phần mềm hỗ trợ công tác bầu cử.
"Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị tổ chức bầu cử trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, công tác bầu cử cần luôn nâng cao cảnh giác phòng, chống dịch; đồng thời thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế cũng như các Chỉ thị của Thủ tướng, Ban Thường vụ Thành uỷ", bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
TP Hồ Chí Minh là địa bàn trọng điểm nhiều mặt của cả nước, có hàng triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc, giao thương... Do đó, việc vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra thành công là một thử thách rất lớn mà Thành phố phải vượt qua trong quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử. Vì vậy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra các tình huống và kế hoạch chuẩn bị trong thời gian bầu cử có khu vực phải giãn cách xã hội.
“Cụ thể, trong Kế hoạch 95 có 4 tình huống được đặt ra. Một là trong tổ chức bầu cử có thực hiện giãn cách xã hội; hai là tổ chức bầu cử cho cử tri đang cách ly tại nhà; ba là tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung, khu vực bị phong toả; cuối cùng là tổ chức bầu cử cho bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho người nghi nhiễm hoặc xác định nhiễm COVID-19”, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết thêm.