Để hiện thực hóa vấn đề này, TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều cơ chế chính sách và tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp nhằm hoạch định chiến lược triển khai khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Phóng viên TTXVN thực hiện chuyên đề "Phát triển công nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh" để truyền tải thông tin về định hướng và chủ trương của TP Hồ Chí Minh, với những cơ chế chính sách kêu gọi và quy tụ tất cả doanh nghiệp công nghệ cao, tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.
Bài 1: Vị thế vùng kinh tế trọng điểm
Ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh đã tạo được những bước tiến đáng khích lệ, khẳng định vị thế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó, sự phát triển, đóng góp tích cực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và vai trò bổ trợ của công nghiệp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao đã tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và toàn cầu.
Sản phẩm ra thị trường quốc tế
Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước như một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mặt khác, phát triển thương hiệu sản phẩm không chỉ là nhiệm vụ của mỗi doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và hơn nữa cũng là mong mỏi của nhiều quốc gia, thành phố và địa phương trên toàn cầu, chứ không riêng gì Việt Nam.
Khi nhìn ra thế giới, dễ dàng nhận thấy mỗi quốc gia hay thành phố đều gắn liền với những thương hiệu lớn của các doanh nghiệp nội địa. Đồng thời, chính những thương hiệu này đã định vị nên giá trị sản phẩm trên thị trường, góp phần đưa doanh nghiệp vươn tầm khu vực và quốc tế.
Tại TP Hồ chí Minh, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, điều chỉnh quy mô và phương thức sản xuất phù hợp để duy trì sản xuất, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa... Thông qua đó, góp phần cùng lực lượng liên ngành TP Hồ Chí Minh không chỉ đảm bảo nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà còn vươn tầm quốc tế.
Trong quá trình này đã xuất hiện những doanh nghiệp với thương hiệu sản phẩm lớn mạnh, ấn tượng và truyền cảm hứng về nỗ lực không ngừng trong giai đoạn dịch COVID-19 và kịp thời thích ứng với diễn biến của đại dịch. Trong đó, có thể kể đến ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ của thành phố đã phát huy được vai trò bổ trợ cho những hoạt động sản xuất và nhiều sản phẩm trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàng loạt sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lập Phúc cung cấp cho Colgate; Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất Hiệp Phước Thành và Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung; công ty Cao su Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thống Nhất và Công ty Trách nhiệm hữu hạn CNS Amura Precision sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô tô và những công ty khác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp hỗ trợ... Đây được xem là những minh chứng cụ thể cho thấy ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định vai trò, vị thế của thương hiệu ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, từ trăn trở và mong muốn có nhiều thương hiệu TP Hồ Chí Minh lớn mạnh, trở thành những thương hiệu quốc gia, thương hiệu được biết trên thị trường quốc tế, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể tạo "bệ đỡ" cho doanh nghiệp. Điển hình như giải thưởng “Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh” được chính quyền thành phố phát động lần đầu tiên từ năm 2020 đến nay, tập trung các mục tiêu cốt lõi để trở thành một giải thưởng mang tính “bảo chứng” cho uy tín của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, tiền đề đầu tư lớn mạnh trong tương lai; xây dựng niềm tự hào cho người dân thành phố về sản phẩm, dịch vụ của địa phương; nâng cao vị thế đầu tàu kinh tế cả nước của TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Phan Văn Mãi, trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh cùng cả nước đang khẩn trương bắt tay vào khôi phục kinh tế thì vai trò của thương hiệu sản phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thương hiệu không chỉ tạo động lực cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp mà còn tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế TP Hồ Chí Minh, đặc biệt cùng thành phố đẩy nhanh quá trình tái thiết kinh tế trước tác động của dịch COVID-19.
Hướng đến công nghiệp chuyên ngành
Trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh xác định ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Vai trò quan trọng đó được thể hiện qua giá trị sản xuất công nghiệp thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước.
Để trợ lực cho doanh nghiệp công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ phát triển, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả trong thời gian qua. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố và các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về mặt bằng, vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.
Ngoài ra, thông qua nhiều chương trình kích cầu đầu tư, TP Hồ Chí Minh đã huy động được đa dạng nguồn lực xã hội như: vốn, nhân lực, đất đai, kỹ thuật - công nghệ,... cho đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, qua đánh giá tình hình phát triển ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ thành phố vẫn chưa phát huy, khai thác hết tiềm năng của ngành.
Các khu chế xuất - khu công nghiệp hiện hữu của TP Hồ Chí Minh (hiện Thành phố có 17 khu công nghiệp - khu chế xuất) chưa phát huy được tính đổi mới sáng tạo và chậm chuyển đổi mô hình hoạt động. Điều này dẫn đến nhiều ngành còn thâm dụng lao động, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là nhập khẩu; đồng thời, chưa tạo ra hệ sinh thái đồng bộ, kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nhận thức được điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển công nghiệp hỗ trợ, tác động đến sự phát triển công nghiệp TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới ngoài thực hiện các chủ trương giảm ngành nghề thâm dụng lao động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp, xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành..., TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành về y tế, khu công nghiệp dược, khu công nghiệp lương thực thực phẩm, khu công nghiệp cơ khí. Trong đó, thành phố dành quỹ đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đã ấp ủ từ lâu việc hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, quy tụ tất cả doanh nghiệp công nghệ cao. Qua đó, tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở thúc đẩy phát triển ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xứng tầm với vai trò trung tâm kinh tế của TP Hồ Chí Minh.
Mô hình khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tuy là mô hình phổ biến và đã phát huy hiệu quả tại các nước trên thế giới như: Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan…, nhưng vẫn là vấn đề mới đối với Việt Nam cũng như TP Hồ Chí Minh. Trong đó, có thể kể đến những vấn đề về cơ chế hoạt động, thu hút đầu tư, mô hình vận hành, quản lý chưa được quy định cụ thể.
Tuy vậy, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị hơn 300 ha đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ trợ ứng dụng công nghệ cao. Tại đây sẽ định hướng xây dựng hệ sinh thái và tập trung những doanh nghiệp thiết kế, sản xuất cùng liên kết để cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp hỗ trợ.
Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp cũng cho rằng, việc hình thành và đi vào hoạt động khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao là yêu cầu bức thiết, nhất là trong giai đoạn hậu công nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động của các khu công nghiệp hiện hữu là đáp ứng nhu cầu tất yếu khách quan, góp phần tạo ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế thành phố.
Bài 2: Nền tảng cho sản xuất