Phát triển công nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Cần chiến lược quy hoạch

Hiện nay, một số khu công nghiệp ở Việt Nam nói chung cũng như ở TP Hồ Chí Minh nói riêng thu hút được một số tập đoàn công nghệ đa quốc gia, nhưng khi vào Việt Nam lại thành một thực thể "đơn độc" trong khu công nghiệp hoặc nếu có được một "hệ sinh thái công nghiệp" thì hệ sinh thái đó phần lớn cũng được "nhập khẩu" theo vào. Trước thực trạng này, chính quyền TP Hồ Chí Minh khẩn trương xúc tiến chủ trương phát triển những cụm công nghiệp ngành trọng điểm ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh cả thị trường trong và ngoài nước.

Nhận diện mô hình hiện hữu

Chú thích ảnh
Công nhân lao động tại nhà xưởng Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. Ảnh (tư liệu): Thanh Vũ/TTXVN

Theo phân loại thông lệ quốc tế về khu công nghiệp thì các khu chế xuất - khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh thuộc mô hình hỗn hợp và đa ngành và rất ít có mô hình vườn ươm. Do đó, năng lực đổi mới sáng tạo từ khu chế xuất - khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh hiện nay là rất thấp và vẫn hoạt động dựa vào những yếu tố đầu vào như thâm dụng lao động ít kỹ năng. 

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn thành phố có khá nhiều doanh nghiệp nội địa nhỏ, nhưng tính liên kết trong và ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp còn rất hạn chế. Trên thực tế, doanh nghiệp nội địa nhỏ gặp khó khăn khi tiếp cận, cung cấp các linh kiện cho FDI và bản thân các FDI cũng sử dụng linh kiện từ doanh nghiệp nước họ hoặc nhập khẩu.

Trong khi đó, năng lực hoạt động của một số Hiệp hội trong khu chế xuất - khu công nghiệp còn yếu và thiếu liên kết; đồng thời, vai trò lãnh đạo của chính quyền TP Hồ Chí Minh trong chính sách phát triển công nghiệp chưa tác động nhiều đến doanh nghiệp tại khu chế xuất - khu công nghiệp vì cộng đồng doanh nghiệp này chủ yếu là nhà đầu tư thứ cấp hoạt động theo lợi nhuận độc lập thiếu liên kết.

Hiện tại T Hồ Chí Minh chỉ có khu chế xuất Tân Thuận theo mô hình Đặc khu kinh tế (SEZ), với mục tiêu ban đầu là thu hút nguồn vốn FDI nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm, tạo tính lan tỏa về quản trị và công nghệ. Tuy nhiên, kết quả khảo sát doanh nghiệp trong khu chế xuất này cho thấy, mặc dù đã thu hút được nhiều nguồn vốn FDI, nhưng quá trình đổi mới công nghệ khá chậm chạp. 

Hơn thế nữa, vai trò của khu chế xuất Tân Thuận trở nên yếu đi khi có nhiều khu công nghiệp mới hình thành. Các FDI và doanh nghiệp hoạt động tại khu chế xuất Tân Thuận đang có tính cạnh tranh rất cao bởi quá trình đô thị hóa tại những khu vực phụ cận tạo áp lực về cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng xã hội.

Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh thực chất đã bước vào giai đoạn hậu công nghiệp khi GRDP của thành phố nằm trong khoảng 5.000-6.000 USD/người, nhưng các khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn trình độ công nghệ ở mức trung bình.
 
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng xã hội và cơ sở hạ tầng giao thông trong bối cảnh siêu đô thị đã gây tắc nghẽn và dẫn đến chi phí logistics cao, tính kết nối các doanh nghiệp trong nước và FDI yếu trong cung ứng linh kiện theo chuỗi cung ứng toàn cầu...

Trong quá trình chuyển đổi hậu công nghiệp, nếu TP Hồ Chí Minh muốn tiếp tục duy trì khu công nghiệp hiện hữu thì phải bổ sung nhiều yếu tố tích cực từ đa dạng mô hình khu công nghiệp trên thế giới.
 
Cụ thể, khu chế xuất - khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cần bổ sung hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp với chính sách ưu tiên và hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi quá trình sản xuất theo hướng đổi mới sáng tạo gắn với quá trình chuyển đổi số và các yếu tố ICT (công nghệ thông tin và truyền thông).

Hình thành hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp đầu tư thứ cấp và đơn vị phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển từng bước cộng sinh công nghiệp, giảm chi phí sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời, từng bước hình thành những yếu tố cốt lõi của khu công nghiệp sinh thái bởi đây là xu hướng trên toàn cầu.

Phân loại khu công nghệ cao

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách Công và quản lý Fulbright đánh giá, tái cấu trúc các ngành kinh tế, nâng cấp các ngành công nghiệp và chuyển đổi mô hình khu công nghiệp kiểu cũ là yêu cầu cần thiết hiện nay. Đây là vấn đề cần khẩn trương triển khai để nâng cao năng suất và giá trị gia tăng không chỉ đối với các ngành công nghiệp của TP Hồ Chí Minh mà còn duy trì vị thế đầu tàu công nghiệp của thành phố đối với cả nước.

Hiện nay, nhiều mô hình khu công nghiệp cũ không thể phát huy thêm giá trị bởi chủ yếu thu hút đầu tư mang tính đại trà đa ngành; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp hầu như không có những mắt xích liên kết với nhau về kinh tế. Một số khu công nghiệp ở Việt Nam nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng thu hút được một số tập đoàn công nghệ đa quốc gia, nhưng khi vào Việt Nam lại thành một thực thể "đơn độc" trong khu công nghiệp.

Còn nếu có được một "hệ sinh thái công nghiệp" thì hệ sinh thái đó phần lớn cũng được "nhập khẩu" theo vào. Đơn cử, Tập đoàn SamSung khi đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo một hệ sinh thái với hàng loạt nhà cung ứng đi theo. 

Về mặt tích cực, điều này cũng tốt cho Việt Nam bởi qua những "con sếu" đầu đàn như vậy đã giúp Việt Nam thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, vấn đề Việt Nam mong muốn là có được những nhà cung cấp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của Tập đoàn SamSung. 

Mặc dù ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn nước ngoài, song nhìn chung vẫn còn hiếm và phần lớn mới chỉ ở mức độ thứ cấp với các cấu phần đơn giản có giá trị gia tăng thấp. Cùng với đó, chính vì phát triển tự phát nên quá trình hình thành cụm ngành diễn ra chậm, lợi ích liên kết không được phát huy hiệu quả, chi phí giao dịch lớn, tăng trưởng giá trị không cao, sức cạnh tranh quốc tế của cụm ngành là rất thấp...

Sau quá trình tiến hành công nghiệp hóa, đến nay Việt Nam đã và đang manh nha nhiều mô hình liên kết theo cụm (clusters); trong đó, công nghiệp tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc với nhiều cụm ngành như điện tử, lắp ráp ô tô, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày, đồ gỗ,... Những liên kết cụm ngành này diễn ra một cách tự nhiên trên nền tảng lợi thế sẵn có và quy luật thị trường thay vì do cơ chế chính sách thúc đẩy. 

Vì vậy, đối với TP Hồ Chí Minh, do đất đai cho sản xuất công nghiệp quy mô lớn không còn nên mô hình khu công nghiệp kiểu cũ chắc chắn không phù hợp. Việc TP Hồ Chí Minh mong muốn phát triển một khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao là phù hợp xu thế, song tiếp cận mô hình khu công nghiệp kiểu mới này thế nào mới là vấn đề quan trọng trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy, bên cạnh 17 khu chế xuất - khu công nghiệp hiện hữu thì có hai nhóm khu công nghiệp nên được nghiên cứu thu hút công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cho TP Hồ Chí Minh. Trong đó, nhóm khu công nghiệp mới hình thành và đang thu hút đầu tư gồm: khu công nghiệp Tân Phú Trung, An Hạ, Cơ khí ô tô, Lê Minh Xuân 3. Đây là các khu công nghiệp mới thành lập đang hoàn thiện hạ tầng và thu hút nhà đầu tư.
 
Các khu công nghiệp này còn thời gian hoạt động khoảng 42 năm, riêng khu công nghiệp Tân Phú Trung khoảng 36 năm. Trong thời gian tới, các khu công nghiệp tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và thực hiện thu hút các nhà đầu tư theo chủ trương công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tiếp cận sinh thái.

Còn nhóm các khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa triển khai như Lê Minh Xuân 2, Phong Phú, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, Lê Minh Xuân mở rộng và khu công nghiệp đã có trong danh mục Quy hoạch khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhưng chưa được thành lập gồm Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước 3, Phước Hiệp, Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng.
 
Đặc biệt, khu công nghiệp Phạm Văn Hai có diện tích 6 ha đang trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch các khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Nhóm các khu công nghiệp này hoàn toàn phù hợp với chủ trương thu hút doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tiếp cận sinh thái.

Bài cuối: Xây dựng chuỗi cung ứng

Mỹ Phương (TTXVN)
Phát triển công nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh - Bài 2: Nền tảng cho sản xuất
Phát triển công nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh - Bài 2: Nền tảng cho sản xuất

Để TP Hồ Chí Minh tiếp tục đi đầu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và dẫn đầu trong đóng góp vào GDP và ngân sách của cả nước thì phát triển công nghiệp theo hướng tiếp cận hiệu quả và đổi mới sáng tạo gắn với bền vững sinh thái là yêu cầu cấp bách hiện nay. Đặc biệt, trong tiến trình phát triển công nghiệp, nhất là đối với một quốc gia đang dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam hiện nay, công nghiệp hỗ trợ có vai trò nền tảng đối với các ngành công nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN