Phát triển giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất - Bài cuối: Dồn lực cho công trình cấp bách

Trước những vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hiện TP Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến độ dự án. Cụ thể là từ cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng đến chuyển vốn đầu tư các dự án, tập trung nguồn lực để đồng bộ hạ tầng giao thông với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Chú thích ảnh
Cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được đưa vào khai thác, giúp giảm áp lực giao thông trước các nhà ga Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tạo cơ chế về giải phóng mặt bằng

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông), hiện nay có nhiều dự án bị chậm tiến độ, nguyên nhân là do tiến độ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng chậm; chậm di dời công trình tiện ích; việc phối hợp chưa hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị; chậm trễ do chủ đầu tư. 

Tại khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, có nhiều dự án gặp vướng mắc, tiêu biểu là dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa; dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện hai dự án cải tạo đường Cộng Hòa và mở rộng Hoàng Hoa Thám đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, đang chờ bồi thường giải phóng mặt bằng xong để thi thi công. Trong khi đó, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, chủ đầu tư đang Ban Giao thông đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi, để đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Ông Lương Minh Phúc cho biết, dự án đường Hoàng Hoa Thám  dự kiến khởi công tháng 2/2020, nhưng cập nhật lại phải đến cuối năm mới có thể triển khai; trong khi dự án đường Cộng Hòa, từ hẻm 2 đến đường Thăng Long cũng gặp trường hợp tương tự). Nhìn thì dự án kéo dài, nhưng chủ đầu tư vẫn kiểm soát được thời gian xây lắp, chỉ khó về bàn giao mặt bằng.

Trong Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030, Sở Giao thông Vận tải đề xuất rà soát, ban hành cơ chế chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến bồi thường và giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các quy định có liên quan theo Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố.

Trong đó, tập trung ban hành hệ số điều chỉnh giá vào tháng một hàng năm và hoàn chỉnh quy chế phối hợp tổ chức thực hiện bồi thường để đẩy nhanh việc bồi thường nhằm sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, phát huy mục tiêu, hiệu quả đầu tư các dự án.

Theo Sở Giao thông Vận tải, những vướng mắc và khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng trở thành yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển các dự án hạ tầng giao thông. Do đó, cần quy hoạch chi tiết, xác định và công bố chỉ giới quy hoạch, nhằm bảo vệ quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Ưu tiên thực hiện trước bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án nhóm A thuộc danh mục ưu tiên đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch. 

Bắt kịp nhu cầu

Chú thích ảnh
Dự án đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa, qua Phan Thúc Duyện được quy hoạch đầu tư đồng bộ với Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư công vào tháng 12/2019. Đây là công trình trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án (sau khi điều chỉnh) có chiều dài 4,4 km với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây lắp và bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Tháng 2/2020, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị TP Hồ Chí Minh nghiên cứu phương án xây đường nối không lấn vào đất quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, Ban Giao thông thành phố (chủ đầu tư) hoàn thiện phương án ranh giới dự án đảm bảo nguyên tắc không lấn vào đất quy hoạch sân bay.

Vừa qua, UBND thành phố đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về thống nhất quy mô đối với Dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng bộ với tiến độ xây dựng Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tiến độ dự kiến khoảng 37 tháng từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nhằm đẩy nhanh dự án đường nối đồng bộ với tiến độ xây nhà ga T3, UBND Thành phố kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất quy mô, phương án ranh giới dự án. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan đơn vị trực thuộc phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cùng triển khai dự án đảm bảo tiến độ.

Cuối tháng 5/2020, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản kiến nghị Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất phương án ranh dự án; trong đó, bàn giao cho Thành phố phần diện tích đất nằm ngoài ranh dự án khoảng 1.122 m2 để tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn cũng như tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Trong Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức độ ưu tiên đầu tư đối với các dự án ngành giao thông, trên cơ sở quy hoạch, mô phỏng, dự báo tình hình giao thông.

Đây là cơ sở cho việc nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư nhằm lựa chọn những dự án trọng điểm, cấp bách phù với định hướng và mục tiêu phát triển - xã hội trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2030. Từ đó, sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư, đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn tập trung, đạt hiệu quả, tránh dàn trải trong đầu tư.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, để đầu tư hiệu quả, cần ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư các dự án mang tính cấp bách trong Đề án; trong đó, tập trung đầu tư các dự án như khép kín Vành đai 2, Vành đai 3; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (metro số 1, 2, 3B, 5); đường trên cao số 1 và số 5; các tuyến quốc lộ theo quy hoạch; các công trình hạ tầng giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước…

Ngoài ra, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ khởi công một số dự án “vệ tinh” của khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2021 như nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ) dài 903 m với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa) dài 644 m, tổng mức đầu tư 96 tỷ đồng.

Những vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang được TP Hồ Chí Minh tích cực tháo gỡ, nhằm bắt kịp sự phát triển của Cảng hàng không này. Bởi nếu không được đầu tư đồng bộ, kịp thời, khu vực này sẽ có áp lực rất lớn khi Nhà ga T3 đưa vào khai thác.

Bài và ảnh: Tiến Lực (TTXVN)
Phát triển giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất - Bài 1: Nhiều dự án chờ mặt bằng
Phát triển giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất - Bài 1: Nhiều dự án chờ mặt bằng

Nhiều dự án công trình hạ tầng giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất hiện vẫn chưa thể triển khai, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN