Thành phố Hồ Chí Minh thiếu kinh phí hỗ trợ các trường hợp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19

Ngày 14/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh có báo cáo kết quả việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 09/2001/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 (Nghị quyết 09) và Nghị quyết 97/NQ-HĐND ngày 22/9/2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (Nghị quyết 97).

Chú thích ảnh
Người dân chờ nhận tiền hỗ trợ đợt 3 tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố cho biết đã giải quyết hỗ trợ cho hơn 1,184 triệu trường hợp theo Nghị quyết 09 với tổng kinh phí hơn 2.160 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ hơn 129.000 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc) với số tiền hơn 269, tỷ đồng; hỗ trợ 197 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 402,600 triệu đồng; hỗ trợ hơn 9.300 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động 18,644 tỷ đồng... Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, Sở đã hỗ trợ giải quyết cho trên 1 triệu trường hợp với số tiền hơn 1.840 tỷ đồng.

Riêng 3 quận, huyện Củ Chi, Bình Tân và Bình Chánh còn chậm tiến độ chi hỗ trợ cho người dân do thiếu kinh phí để thực hiện...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thành phố phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế việc đi lại, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa; các quận, huyện phải tăng cường nhân lực để đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch và công việc chuyên môn nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chi hỗ trợ theo Nghị quyết 09. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch nên việc lập danh sách người lao động còn chậm hoặc nhiều chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa quan tâm thực hiện; trong khi đó số lượng người khó khăn cần được hỗ trợ tăng cao so với dự kiến.

Đối với Nghị quyết 97, việc liên tiếp thực hiện các gói hỗ trợ khiến địa phương gặp nhiều khó khăn để xử lý các tình huống phát sinh, trong khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, lực lượng ở cơ sở mỏng nên xảy ra tình trạng thiếu sót, ghi nhận thông tin chưa đầy đủ, quá trình rà soát, xét duyệt chưa trọn vẹn.

Ngoài ra, việc ứng dụng App SafeID Delivery trong chi hỗ trợ bị quá tải, phải thực hiện phương pháp thủ công nên vẫn còn danh sách bị trùng lặp, thiếu thông tin, không đủ điều kiện hỗ trợ... Ngân sách Thành phố chuyển về địa phương chậm; nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức chưa hoàn tất việc cập nhật thông tin nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chi hỗ trợ…

Để khắc phục tình trạng này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đã đề xuất Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung nguồn kinh phí để tiếp tục hoàn tất việc chi hỗ trợ và hoàn trả lại cho các quận, huyện, thành phố Thủ Đức (do các địa phương đã tạm ứng từ các nguồn khác để thực hiện). Đồng thời, Sở đề nghị các địa phương nhanh chóng cập nhật thông tin chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 lên phần mềm quản lý thực hiện chi trả (App An sinh) để sớm bàn giao cho Công an Thành phố quản lý theo quy định…

Thanh Vũ (TTXVN)
Giám sát chặt việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19
Giám sát chặt việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19

Chiều 13/4, Đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương do Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN