Bệnh viện xuống cấp, nằm cạnh “một quả bom nổ chậm”
Ngày 2/11, đoàn công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đã khảo sát tình hình triển khai đề án “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe toàn dân” tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại buổi khảo sát, bác sĩ Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện liền kề với ký túc xá (KTX) Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, đây là công trình xây dựng cũ trên 60 năm và đang xuống cấp nghiêm trọng.
“Bệnh viện ở liền kề với KTX này không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, có nguy cơ mất an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế đang công tác tại đây”, bác sĩ Hoàng Mạnh Cường chia sẻ.
Bác sĩ Cường dẫn chứng, năm 2007, một tấm đan bê tông từ lầu 5 KTX đã rơi xuống làm chết một lái xe ôm đỗ trước cổng số 2 của bệnh viện. Năm 2015, đoạn ống nước bằng sắt rơi từ lầu 8 KTX xuyên qua mái tôn xuống thẳng vào phòng mổ của bệnh viện. Năm 2017, nước thải từ bô rác KTX chảy sang bệnh viện cũng làm khu vực cấp cứu và hành lang chuyển bệnh vào phòng mổ bị nhiễm khuẩn.
Riêng trong năm 2019, KTX đã hai lần xảy ra hoả hoạn. Mặc dù đám cháy được kịp thời kiểm soát, không gây tổn hại cho người, nhưng đã gây nên nỗi lo cho không chỉ những người đang sinh sống tại KTX, mà còn cho người xung quanh, đặc biệt là bệnh nhân và đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện.
“Cần sớm di dời KTX Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng sang địa điểm mới và bàn giao mặt bằng cho bệnh viện, để bệnh viện triển khai đầu tư xây dựng và mở rộng bệnh viện”, bác sĩ Hoàng Mạnh Cường kiến nghị.
Còn về cơ sở vật chất hiện tại của bệnh viện, bác sĩ Hoàng Mạnh Cường cho biết, bệnh viện đã hoạt động được 50 năm, cơ sở hạ tầng, kết cấu công trình ngày càng xuống cấp; diện tích đất chật hẹp nên không thể xây dựng bổ sung phòng khám, trong khi phải khám và điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân mỗi ngày.
“Điều này dẫn đến tình trạng bệnh viện thường xuyên quá tải, bệnh nhân nội trú phải nằm băng ca, giường đôi; bệnh nhân phải chờ lâu để được phẫu thuật, còn nhân viên y tế luôn phải làm việc trong môi trường công việc áp lực cao”, bác sĩ Hoàng Mạnh Cường nói.
Cùng với đó, trang thiết bị của bệnh viện đến nay đã có thời gian sử dụng trên 20 năm và luôn được sử dụng ở tần suất cao, dễ hư hỏng. Trang thiết bị y tế gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, thiếu các loại máy móc chưa đáp ứng được điều kiện trong việc điều trị kỹ thuật cao đối với một bệnh viện chuyên sâu đầu ngành. Đơn cử như thiếu máy triển khai kỹ thuật cao như phẫu thuật cột sống ít xâm lấn, thiếu máy chụp MRI; thiếu trang thiết bị, dụng cụ lắp đặt cho bệnh nhân…
Cần tháo gỡ khó khăn trong xây dựng bệnh viện mới
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố là một trong những bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố và khu vực phía Nam về lĩnh vực chấn thương chỉnh hình. Nhu cầu khám, chữa bệnh chuyên ngành ở bệnh viện này rất lớn. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình mỗi năm thực hiện 35.000 ca mổ; trong đó 1/5 bệnh nhân là người dân Thành phố và 4/5 là bệnh nhân ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Bác sĩ Hoàng Mạnh Cường cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện tăng gấp 690 lần, tổng số bệnh nhân điều trị ngoại trú gấp 660 lần so với những năm đầu thành lập. Để giải quyết tình trạng quá tải, UBND TP Hồ Chí Minh điều chuyển Bệnh viện Truyền máu - huyết học tại số 201 Phạm Viết Chánh (phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1) sang cho bệnh viện quản lý, sử dụng từ ngày 25/10. Hiện bệnh viện đang khẩn trương tiến hành khảo sát, sửa chữa, cải tạo cơ sở này để nhanh chóng triển khai đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng hiện nay của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố là một vấn đề bức thiết và khẩn cấp, cần phải có giải pháp sớm để cải tạo bệnh viện.
Theo đó, hiện nay, muốn xây dựng mới bệnh viện thì cần phải chấm dứt được hợp đồng của dự án cũ tại khu 6A - Khu Nam Sài Gòn, huyện Bình Chánh. Nếu xây dựng bệnh viện mới ở vị trí hiện tại của bệnh viện thì cũng phải giải quyết được KTX của Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng. “Nếu chúng ta xây dựng bệnh viện mới mà kế bên “quả bom nổ chậm” như vậy thì không đảm bảo an toàn”, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo bệnh viện, dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức hợp đồng xây dựng, chuyển giao (BT) tại khu 6A - Khu Nam Sài Gòn tính đến nay đã gần 14 năm nhưng vẫn chưa triển khai được. Nguyên nhân là do vướng mắc liên quan đến quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho hợp đồng BT.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều quan trọng nhất là làm sao giải quyết được những khó khăn trên để Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình nhanh chóng xây dựng được bệnh viện mới; tuy nhiên, vấn đề này chỉ ngành y tế và bệnh viện không thể làm được. Theo đó, Phó Giám đốc Sở Y tế kêu gọi các sở, ban ngành liên quan cùng nhau phối hợp tìm giải pháp giải quyết tình trạng này cho bệnh viện.
Tại buổi khảo sát, các đại biểu cũng cho rằng, việc đầu tư xây mới bệnh viện chưa kịp thời, chậm và chưa tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, do đó cần có phương án phù hợp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới bệnh viện này tại chỗ hoặc nơi khác.