Đây là nội dung được các chuyên gia đề cập tại Hội thảo quốc tế định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/4.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, cơ cấu nền kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có nhiều thay đổi, căn bản phù hợp với xu hướng phát triển chung. Đến nay, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng rất cao 65%, công nghiệp -xây dựng chỉ chiếm 31% và nông nghiệp khoảng 1%. Tuy nhiên, một ngành kinh tế bền vững phải dựa trên nền tảng sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp tạo ra hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng. Nền kinh tế tập trung quá nhiều vào dịch vụ mà không có nền tảng sản xuất sẽ dễ phụ thuộc vào các diễn biến tình thế bên ngoài. Do đó, mặc dù cơ cấu kinh tế TP Hồ Chí Minh đang chuyển đổi theo hướng hiện đại nhưng thành phố cũng cần phải quan tâm thúc đẩy phát triển sản xuất để tạo sự cân bằng và đảm bảo sự bền vững lâu dài.
Theo ông Võ Văn Hoan, TP Hồ Chí Minh phát triển công nghiệp từ khá sớm, khi là nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động từ những năm 1990, điều đó đồng nghĩa với nhiều công nghệ đã lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, kể cả tại các doanh nghiệp sản xuất lớn của thành phố. Trong khi đó, các ngành công nghiệp mới, nhiều tiềm năng chưa được đầu tư và phát triển, như công nghiệp thời trang, điện ảnh, công nghiệp văn hóa và những ngành công nghiệp hỗ trợ cho các nhà sản xuất. Do đó cần phải có sự thay đổi rất mạnh mẽ trong tư duy, trong hành động của tất cả cán bộ lãnh đạo ở tất cả các cấp, các ngành, trong cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân thành phố nhằm tạo ra một cuộc cách mạng mang tính đột phá cho thành phố trong sản xuất công nghiệp những năm sắp tới.
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề, TP Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước. Mặc dù vậy, tỷ trọng công nghiệp của TP Hồ Chí Minh trong cơ cấu công nghiệp cả nước có xu hướng giảm dần. Năm 2010 công nghiệp TP Hồ Chí Minh chiếm 15,% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước, đến năm 2021 chỉ còn chiếm 8,7%, giảm 6, điểm phần trăm so với năm 2010.
Những con số trên phản ánh thực tiễn TP Hồ Chí Minh không còn nhiều nguồn lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là nguồn lực đất đai. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng chủ trương hạn chế thu hút những dự án đầu tư thuộc những ngành thâm dụng lao động phổ thông và xu hướng dịch chuyển sản xuất công nghiệp từ TP Hồ Chí Minh ra các tỉnh thành khác cũng khiến tốc độ tăng trưởng công nghiệp của thành phố chậm lại.
Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp.
Về giải pháp, TP Hồ Chí Minh cần hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, phát triển quỹ đất công nghiệp, hỗ trợ vốn và thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Song song đó, thành phố cũng cần chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, liên kết vùng và phối hợp đề xuất cơ chế chính sách phát triển công nghiệp.
Ông Trần Quốc Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, nêu góc nhìn, nhữngnăm gần đây, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước phần lớn còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng vẫn còn rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp còn thấp. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp Việt Nam thường có tư duy muốn làm tất cả: doanh nghiệp làm chi tiết A thì muốn làm luôn chi tiết B… gây lãng phí nguồn lực và chậm.
“Phát triển công nghiệp hỗ trợ để từng bước tự chủ nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung trong dài hạn. Vì vậy, rất cần vai trò của thành phố để kiến tạo, xây dựng chính sách để kết nối các nguồn lực rời rạc lại với nhau. Kết nối không chưa đủ mà cần xây dựng và giao các bài toán cụ thể cho các doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp cho từng ngành, lĩnh vực, qua đó tạo môi trường thực tế cho các doanh nghiệp liên kết, cùng tạo các sản phẩm và giải pháp có giá trị phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội”, ông Trần Quốc Toản đề xuất giải pháp.