Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương này đang hình thành và mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ với đối tác trong và ngoài nước theo hướng ổn định, bền vững. Ngoài ra, các sở ngành của Tiền Giang cũng không ngừng nỗ lực giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm du lịch; xúc tiến kêu gọi đầu tư vào những dự án tiềm năng của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, với sự hợp tác giữa các sở ngành và thúc đẩy của chính quyền địa phương, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi và kênh phân phối khác ở các tỉnh, thành phố, nhất là Tp. Hồ Chí Minh sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu, tiếp cận sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang. Ngược lại, doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị sản xuất kinh doanh của Tiền Giang cũng có cơ hội tiếp cận đa dạng hệ thống phân phối trong và ngoài nước, người tiêu dùng tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tiền Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung được thiên nhiên ưu đãi, đã trở thành vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, trái cây, rau màu và thủy sản của cả nước. Tiền Giang cũng là một trong các địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước; trong đó có một số loại trái cây đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, bưởi, sầu riêng Cai Lậy, vú sữa Vĩnh Kim, khóm (dứa) Tân Phước, thanh long Chợ Gạo…
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đòi hỏi khắt khe của thị trường và người tiêu dùng, hoạt động sản xuất, nuôi trồng tại Tiền Giang đã chuyển sang mô hình sản xuất hiện đại, sạch và xanh... Trên địa bàn đã có nhiều vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Báo cáo của Sở Công Thương Tiền Giang cho thấy, hiện tại địa phương có 32 doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu trực tiếp. Riêng năng lực chế biến gạo có quy mô khá lớn với 195 cơ sở, tổng công suất 2,58 triệu tấn/năm.
Những năm gần đây, sản phẩm nông, thủy sản của Tiền Giang đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước. Giá trị cũng như sản lượng tăng nhanh qua từng năm, đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cụ thể, trong 2 quý đầu năm 2023, GRDP trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng 3,03% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường dồi dào; tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 14,1% so cùng kỳ; xuất khẩu 2,27 tỷ USD, tăng 10,9% so cùng kỳ. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng 94,9% so cùng kỳ.
Đánh giá cao những tiềm năng phát triển kinh tế của Tiền Giang, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 tại Tp. Hồ Chí Minh là hoạt động thiết thực, hiện thực hóa những mục tiêu của thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 và giai đoạn 2024-2025.
Trên cơ sở chuỗi sự kiện trong khuôn khổ hội nghị, không chỉ xây dựng và hình thành mạng lưới phân phối, bán lẻ, tiêu thụ hàng hóa theo phương thức truyền thống, mà còn thúc đẩy kênh phân phối trực tuyến (online) hỗ trợ đơn vị sản xuất kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương.
Theo ông Võ Văn Hoan, cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Tiền Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần nắm bắt cơ hội giao thương trực tiếp, cập nhật thông tin sản phẩm thế mạnh của Tiền Giang để tăng cường mối quan hệ hợp tác sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Về phía chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, cam kết sẽ luôn đẩy mạnh hoạt động kinh tế - xã hội có hiệu quả và trọng tâm trong liên kết với Tiền Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là mở ra nhiều không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, kết nối du lịch...
Trong khuôn khổ hội nghị, một số cơ quan Thương vụ nước ngoài tại Tp. Hồ Chí Minh, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; đại diện siêu thị, nhà phân phối, doanh nghiệp, hợp tác xã... cũng chia sẻ kinh nghiệm tham gia chuỗi cung ứng sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước. Nhiều đơn vị này chỉ ra rằng, phát triển và tiêu thụ các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của các địa phương, mà còn là cơ hội để nâng cao thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Về phía bộ, ngành, ông Lê Hoàng Tài - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, thời gian tới, Tiền Giang nên tập trung triển khai đa dạng hình thức xúc tiến thương mại như tham gia đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, hội chợ triển lãm chuyên ngành có uy tín trên thế giới; tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng ở Việt Nam, đón nhà nhập khẩu vào Việt Nam mua hàng, cung cấp thông tin thị trường, tư vấn chính sách, quảng bá thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm có thế mạnh...