Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Y tế thành phố đang căng mình với khối lượng công việc khổng lồ từ công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Tất cả đang hướng đến một mục tiêu chung sớm ngăn chặn được sự lây lan của dịch COVID-19, trả lại cuộc sống bình yên cho TP Hồ Chí Minh.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết về tình hình dịch COVID-19 hiện nay cũng như ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của chính quyền TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là lực lượng y tế thành phố trong thời gian qua đã nỗ lực không ngơi nghỉ trong công tác sàng lọc, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Chùm bài viết này phát trong hai ngày 16-17/7.
Bài 1: Tình thế cấp bách
Khởi đầu từ ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng vào giữa tháng 5/2021, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã trở thành "tâm dịch" lớn nhất cả nước khi số ca mắc lần lượt từ 1 con số nhảy lên 2 con số, 3 con số và từ đầu tháng 7 đến nay đã luôn ở 4 con số. Với hơn 2.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, trong đó có nhiều bệnh nhân không rõ nguồn lây, có thể nói, chưa bao giờ TP Hồ Chí Minh phải đối mặt với tình thế khó khăn, nhiều thách thức trong công tác xử lý dịch bệnh như hiện nay.
Đợt dịch thứ 4 với nỗi ám ảnh "4 con số"
Ngày 18/5/2021, khi bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh được ghi nhận cũng là thời điểm khởi đầu cho làm sóng dịch lần thứ 4 tại Thành phố. Sau đó, đến ngày 26/5, bệnh nhân đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm Nhóm truyền giáo Phục Hưng được phát hiện. Cũng từ đây, mở ra chuỗi lây nhiễm với hơn 500 ca mắc COVID-19 được xác định trong cộng đồng.
Cùng với ổ dịch Nhóm truyền giáo Phục Hưng, từ đầu tháng 6/2021, trên địa bàn xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm khác trong cộng đồng, lây lan cho nhiều người, điển hình như: chuỗi lây nhiễm tại chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân), chuỗi lây nhiễm xưởng cơ khí huyện Hóc Môn, chuỗi lây nhiễm vựa ve chai trên đường Đề Thám (Quận 1), chuỗi lây nhiễm chợ Bình Điền (Quận 8), chuỗi lây nhiễm Công ty Lạc Tỷ (quận Bình Tân). Cùng với đó là các chuỗi lây nhiễm lớn tại các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố... Các chuỗi lây nhiễm này lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ca liên quan. Đáng chú ý, từ đây, các ca lây nhiễm đã di chuyển qua nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Nam.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, các chuỗi lây nhiễm này đã xuất hiện từ lâu và âm thầm lây lan trong cộng đồng nhưng không được phát hiện ra. Trong khi chưa khống chế được ổ dịch này, ổ dịch khác lại xuất hiện khiến cho việc điều tra, truy vết ngày càng khó khăn. Đặc biệt, dịch bệnh đã xuất hiện tại các "điểm trọng yếu" như bệnh viện (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đại học Y dược...), các khu công nghiệp, khu chế xuất (Khu Chế xuất Tân Thuận, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghiệp Tân Bình...). Đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao với tốc độ lây lan nhanh. Tính đến nay, Thành phố có 70 ổ dịch, trong đó 26 ổ dịch đang diễn tiến (gồm 6 ổ dịch chợ, 12 ổ dịch khu dân cư, 8 ổ dịch công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất), 44 ổ dịch đã được khống chế.
Việc các ổ dịch COVID-19 lây lan nhanh vào trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã khiến làm cho tình hình dịch ở TP Hồ Chí Minh những ngày qua càng phức tạp, khó lường. Tình thế trên đã buộc TP Hồ Chí Minh phải có quyết định yêu cầu các doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch COVID-19 phải dừng hoạt động từ ngày 15/7. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Qua công tác sàng lọc, tầm soát, truy vết cho thấy, số lượng ca nhiễm là công nhân ở các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có mối liên hệ với nơi ở của công nhân đang phân tán rộng khắp địa bàn các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, từ đó dẫn đến nguy cơ rất cao lây nhiễm từ nơi ở của công nhân vào nơi sản xuất và ngược lại.
Cùng với xuất hiện nhiều ổ dịch, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn bắt đầu gia tăng. Từ chỉ 1-2 ca trong cộng đồng bắt đầu tăng dần lên 2 con số, 3 con số và đỉnh điểm từ đầu tháng 7 đến nay bắt đầu tăng lên 4 con số mỗi ngày. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 22.500 trường hợp mắc COVID-19, trở thành địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước tính đến thời điểm hiện nay. Các chuyên gia ước tính, với tốc độ gia tăng số ca mắc COVID-19, trung bình một ngày Thành phố phải xây dựng thêm một bệnh viện dã chiến với quy mô 2.000 giường bệnh mới đáp ứng đủ nhu cầu điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Và như một lẽ tất yếu, khi số ca mắc tăng, ổ dịch ngày càng nhiều, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có số điểm phong tỏa lớn nhất cả nước. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến ngày 16/7, địa bàn đã có gần 2.000 khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế với các phạm vi khác nhau, trong đó đáng chú ý có thành phố Thủ Đức thực hiện phong tỏa cách ly y tế 6 phường; Quận 7 phong tỏa 2 phường. Điều này gây ra không ít khó khăn cho người dân tại các khu vực bị phong tỏa.
Khó khăn chồng chất
Một trong những nguyên nhân khiến cho dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp và vô cùng khó lường đó là chủng biến thể Delta lây lan quá nhanh, khó kiểm soát. Đặc biệt theo ghi nhận của ngành Y tế, số ca nhiễm chủng virus này có tới 80% có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, đồng thời có nhiều ca mắc chuyển từ thể nhẹ sang nặng, rất nặng, tử vong trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phân tích, trong khi một người mắc bệnh do virus chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người, chủng biến thể Alpha (B.1.1.7), được phát hiện đầu tiên ở Anh và hiện đã được ghi nhận ở 170 quốc gia) có thể lây cho đến 7 người, còn chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%. Chính vì thế, tốc độ lây nhiễm của đợt dịch thứ 4 cũng lây theo cấp số nhân. Điển hình như phát hiện ra ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Nhóm truyền giáo Phục Hưng đã quá khoảng 13-14 ngày, chậm mất 4-5 chu kỳ khiến con số lây ra cấp số nhân rất nhanh, cực kỳ nguy hiểm.
Đáng chú ý, các ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp tục được phát hiện từ các trường hợp có triệu chứng đến khám ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm ca bệnh phát hiện qua khám sàng lọc thông qua hệ thống khám bệnh của các bệnh viện. Đây là những ca chỉ điểm của ổ dịch ở các khu nhà trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối… Các ca khám bệnh lúc đầu chỉ vài ca, từ các ca chỉ điểm rồi phát hiện thêm các ổ dịch trong cụm dân cư, khu nhà trọ tại vùng ven, cụm dân cư huyện ngoại thành. Từ đây xâm lấn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Sau đó, dịch bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh... môi trường thông khí kém, máy lạnh trung tâm.
Cùng chung nhận định, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhìn nhận, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vô cùng phức tạp bởi địa phương này đang có quá nhiều nguồn lây nhiễm, nhiều chuỗi lây nhiễm và nhiều ổ dịch, nhiều khu vực có dịch... mà không phải tập trung ở một vài khu vực đặc thù như các địa phương khác. Thành phố lại là nơi giao lưu rộng rãi, dân cư đông đúc trên địa bàn chật hẹp... khiến công tác phòng, chống dịch rất khó khăn.
TP Hồ Chí Minh có rất nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng trăm nghìn công nhân nên có sự lây nhiễm đan xen giữa khu công nghiệp với cộng đồng và ngược lại. Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm kinh tế của khu vực, có mối liên quan với các tỉnh, thành khác, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Sự phức tạp đó gây nên sự khó kiểm soát so với các địa phương khác.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh đánh giá, sở dĩ sau nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội nhưng số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng là do giãn cách không có tác dụng. Bên cạnh đó, công tác truy vết còn chậm, xét nghiệm lâu, không thể đuổi kịp tốc độ lây lan của chủng virus Delta. “Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng, các ổ dịch lớn chủ yếu tại khu nhà trọ, cụm dân cư ở quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa”, bác sỹ Trương Hữu Khanh nhận định.
Theo các chuyên gia y tế, vì các ổ dịch trong cộng đồng lây lan trong thời gian quá lâu mới phát hiện nên không thể xác định được nguồn lây. Tốc độ lây lan rộng khiến các ca bệnh chạy ra nhiều nhánh, rồi từ các nhánh lại tạo thành nhiều chuỗi lây nhiễm khác, từ đó có nhiều ca lẩn khuất trong cộng đồng không thể kiểm soát.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, các cấp chính quyền vẫn còn lúng túng trong công tác phòng, chống dịch. Diễn biến dịch thay đổi nhanh khiến các hướng dẫn cũng phải điều chỉnh liên tục, gây khó khăn cho cơ sở. Việc thực thi tại các địa phương có lúc hạn chế, hiểu chưa đúng chủ trương của Thành phố.
Đơn cử như việc lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả mẫu đơn PCR chậm, dẫn tới việc chậm phát hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Bên cạnh đó, khâu giải quyết F0 còn rất lúng túng và bất cập, thời gian điều chuyển ca mắc COVID-19 từ địa phương đến bệnh viện còn chậm, gây mất thời gian cấp cứu. Phân tích dữ liệu thời gian qua cho thấy, số ca nhiễm mới phát sinh hầu hết trong khu cách ly, phong tỏa. "Cần thẳng thắn nhìn nhận, không loại trừ khả năng có sự lây nhiễm chéo trong khu cách ly và phong tỏa", ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận.
Song song đó, trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố, người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh thừa nhận, việc đi chậm một bước so với tốc độ lây lan của dịch bệnh khiến cho tình hình dịch trên địa bàn Thành phố trở nên khó kiểm soát.
Bài 2: Toàn lực chặn đà lây lan