Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch ứng phó với biến thể Omicron, đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu và hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ.
Ông Nguyễn Hồng Tâm cũng cho biết, hiện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đang triển khai test nhanh cho tất cả người nhập cảnh ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 cách ly. Sau đó, các chuyên gia y tế sẽ tiến hành giải trình gene để xác định biến chủng và điều trị. Riêng trong cộng đồng, Thành phố sẽ tầm soát những khu vực có nhiều người nhập cảnh hoặc có số ca mắc COVID-19 tăng cao nổi trội.
“Nhờ vào những phương án quản lý, cách ly chặt chẽ, tầm soát người nhập cảnh nên đến nay chưa có ca Omicron nào lây lan trong cộng đồng trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc COVID-19 nhập viện giảm nên từ ngày 19/1 Thành phố sẽ tạm ngưng hoạt động của 4 bệnh viện dã chiến để giúp nhân viên y tế có điều kiện phục hồi sức khỏe. Bệnh nhân mắc COVID-19 ở những bệnh viện này sẽ được chuyển sang các cơ sở khác.
“Tuy nhiên, hệ thống y tế thành phố luôn sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với biến thể Omicron. Nếu Sở Y tế kích hoạt, trong vòng 24 giờ các bệnh viện này phải hoạt động trở lại”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 do biến thể Omicron; trong đó TP Hồ Chí Minh 30 ca; Đà Nẵng 3 ca; Quảng Nam 27 ca; Khánh Hòa và Thanh Hóa ghi nhận 2 ca; Hà Nội, Hải Phòng và Long An mỗi địa phương ghi nhận 1 ca. Tất cả những trường hợp này đều là những ca nhập cảnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại các cửa khẩu.