Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hàng năm lượng khách du lịch đến Việt Nam khám chữa bệnh tăng dần đều qua các năm, doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm. Gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó 40% lượng khách tập trung tại TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, để thu hút du khách, Sở đã kết nối với hơn 50 đơn vị là các bệnh viện, cơ sở y tế, spa, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch… cùng xây dựng 30 sản phẩm du lịch y tế giới thiệu đến người dân và du khách.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, TP Hồ Chí Minh đã đưa du lịch y tế vào dự thảo chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, Sở đã có nhiều hoạt động, giải pháp để khai thác tiềm năng của loại hình du lịch này nhằm đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị y tế để xây dựng hơn 30 sản phẩm du lịch y tế trong năm 2023. Điểm chung của các sản phẩm du lịch y tế được công bố dịp này là sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện uy tín, chất lượng, trải nghiệm dịch vụ cao cấp; ăn uống, mua sắm, nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các di tích, điểm đến nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, gần đây có 3 dịch vụ y tế khác hiện được du khách rất quan tâm là khám sức khỏe tổng quát; tầm soát bệnh lý và thực hiện kỹ thuật chuyên sâu, y học cổ truyền. Đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao với chi phí cho hoạt động khám chữa bệnh hợp lý so với các địa phương khác và các quốc gia trên khu vực. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh đang có 131 bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân và bệnh viện thuộc Bộ, ngành có khả năng tiếp nhận bệnh nhân, là khách du lịch có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe như: bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Răng Hàm Mặt, bệnh viện Y học cổ truyền, viện Tim, bệnh viện Pháp Việt, bệnh viện Vinmec, bệnh viện Gia An 115, bệnh viện Quốc tế City, bệnh viện Mắt Sài Gòn.
Trước mắt, để quảng bá sản phẩm du lịch y tế, ngành du lịch sẽ hiệu chỉnh Cẩm nang Du lịch Y tế năm 2018, với nội dung ngắn gọn, rõ ràng, hiệu quả, thêm nhiều ngôn ngữ (Anh, Thái, Campuchia, Lào, Hoa) để du khách trong nước và quốc tế có thể nghiên cứu, tham gia các chương trình tour, trải nghiệm thực tế tại địa phương. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan; tổ chức gian hàng giới thiệu, quảng bá du lịch y tế trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 17 năm 2023.
“Về lâu dài, Sở Du lịch cũng đang đặt hàng các bệnh viện, cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ đạt chuẩn… tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài để xây dựng, làm mới và giới thiệu những gói sản phẩm hấp dẫn, chất lượng nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong phát triển ngành y tế, Sở cũng xác định phát triển du lịch y tế là một trong những giải pháp để cải thiện dịch vụ, hiện đại hóa quy trình khám, chữa bệnh.