Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, cho ý kiến về việc đổi tên Xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức trên địa bàn thành phố Thủ Đức thành đường Võ Nguyên Giáp.
Đoạn Xa lộ Hà Nội dự kiến đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp dài khoảng 7,8 km. Trong đó, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bình Thái dài 5,9 km, lộ giới 153,5m; đoạn từ ngã tư Bình Thái đến ngã tư Thủ Đức dài khoảng 1,9 km, lộ giới 113,5m.
Việc đổi tên một phần Xa lộ Hà Nội thành đường Võ Nguyên Giáp đã được Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý. Cùng với đó, qua lấy ý kiến của nhân dân sinh sống khu vực dự kiến đổi tên đường, phần lớn người dân ủng hộ và đồng ý đổi tên.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, việc đổi tên đường Võ Nguyên Giáp đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức nhằm tôn vinh công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời, thể hiện sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đối với vị tướng huyền thoại.
Đoạn đường từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ hình thành một trục đường xuyên suốt gồm: Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ, tạo sự gắn kết giữa sự kiện lịch sử với nhân vật lịch sử (chiến dịch Điện Biên Phủ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp); từ đó, thuận lợi trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ và giúp người dân tra cứu về tên đường, địa danh một cách thuận tiện.
Trải qua hơn 80 năm hoạt động cách mạng phong phú, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, Đại tướng đã đảm nhiệm các cương vị: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.