TP Hồ Chí Minh đồng hành cùng doanh nghiệp FDI trong mùa dịch

TP Hồ Chí Minh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để giúp doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại. Đáng chú ý, thành phố cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động để đảm bảo môi trường an toàn cho doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào sáng 20/8. Ảnh: TTBC

Sáng 20/8, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa Lãnh đạo Thành phố và đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn với chủ đề “TP Hồ Chí Minh đồng hành cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”.

Tại hội nghị, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ kiến nghị TP Hồ Chí Minh nên cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm vaccine; cho phép doanh nghiệp tự test nhanh COVID-19 cho nhân viên và tăng giờ làm để phục hồi sản xuất; hỗ trợ thủ tục cho các chuyên gia thuận tiện đi lại và cắt giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày cho những chuyên gia đã tiêm đủ liều vaccine…

Hiệp hội Thương mại Châu Âu cũng đề xuất sửa đổi mô hình “3 tại chỗ”; đơn giản hoá các thủ tục hải quan để hỗ trợ thông quan nhanh các thủ tục về thuốc và các thành phần phục vụ ngành y tế... Ngoài ra, hiệp hội cũng đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo tinh thần công văn 4482 của Bộ Công thương trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.

Tương tự, Hiệp hội các doanh nghiệp Đức cũng kiến nghị, Thành phố chỉ nên áp dụng hình thức "3 tại chỗ" tối đa 4 tuần, bởi nếu kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đối với hoạt động vận chuyển, Thành phố cần ngừng phân biệt các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt đối với nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất và công nghiệp. Bởi vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội gặp khó vì quy định hàng thiết yếu mới được ra đường.

Chú thích ảnh
Đại diện Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc nêu ra kiến nghị, khó khăn khi hoạt động. Ảnh: TTBC

Ngoài ra, các hiệp hội, doanh nghiệp khác cũng đưa ra các kiến nghị về việc tiếp tục đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp, thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệp COVID-19 và thời gian xét nghiệm giữa TP Hồ Chí Minh và tất cả các tỉnh, thành; có quy trình công nhận rõ ràng đối với chứng chỉ tiêm chủng của các quốc gia khác nhau.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất của doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Là một đô thị đặc biệt, quy mô kinh tế lớn, dân số đông nên dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, hàng chục ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm…“Nếu chúng ta không có những giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa là rất lớn”, ông Võ Văn Hoan nói.

Theo ông Võ Văn Hoan, số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng vẫn còn ở mức rất cao (trên 3.000 ca mỗi ngày). Cả hệ thống chính quyền cùng với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI và người dân đang nỗ lực, tận dụng từng ngày, từng giờ để thực hiện các biện pháp vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; quyết tâm kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9/2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Tôi tin rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp của thành phố nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng sẽ chung sức, đồng lòng với chính quyền TP Hồ Chí Minh, nỗ lực hết mình, chuẩn bị các phương án sản xuất phù hợp trong mùa dịch để đảm bảo sản xuất an toàn, người lao động an toàn. Có như vậy mới có thể cùng với chính quyền đẩy lùi dịch bệnh và cuộc sống sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường mới”, ông Hoan nói.

Chú thích ảnh
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh mong muốn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chung sức cùng thành phố chống lại dịch bệnh. Ảnh: TTBC

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: "Đợt dịch bệnh lần thứ tư kéo dài từ ngày 27/4 đến nay với tốc độ lây lan nhanh và đã ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, môi trường đầu tư… Tuy nhiên, vì sức khỏe người dân là trên hết nên TP Hồ Chí Minh mới đi đến quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Tôi hy vọng, cộng đồng doanh nghiệp hết sức chia sẻ, đồng hành cùng thành phố".

Thực tế, để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp tại thành phố, từ khi dịch bệnh bùng phát, Thành phố cũng đã thành lập các tổ công tác đặc biệt. Thông qua đó, các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang được tháo gỡ nhanh nhất theo thẩm quyền của Thành phố.

Đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền, TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ. Theo đó, Thành phố đã đưa ra 4 phướng án để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp khi mở cửa trở lại. Cụ thể, phương án 1: các doanh nghiệp vẫn tiếp tục áp dụng "3 tại chỗ" nhưng tùy theo tình hình để có điều chỉnh phù hợp; phương án 2: doanh nghiệp có thể áp dụng 1 cung đường 2 điểm đến, hoặc phương án 1 cung đường 3 đến 4 điểm đến (mở rộng); phương án 3: 4 xanh (người lao động xanh, cung đường xanh, nơi ở xanh, nhà máy xanh); cuối cùng là kết hợp các phương án nêu trên và có thể nhiều hơn nữa.

“Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp nước ngoài nói riêng và doanh nghiệp thành phố nói chung được sáng tạo các phương án khác, ứng dụng linh hoạt các biện pháp miễn sao phù hợp với doanh nghiệp và bảo vệ được sức khỏe người lao động, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất an toàn”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Phong, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng, TP Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho các công nhân, người lao động. Hiện nay, có 85% người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được tiêm vaccine mũi 1. Sắp tới, thành phố cũng đã có kế hoạch chuẩn bị tiêm mũi 2 cho số 85% cho lao động tiêm lần 1 và tiêm 15% cho công nhân chưa tiêm mũi 1.

 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh bắt giữ đối tượng nghi vận chuyển ma tuý qua chốt kiểm dịch
TP Hồ Chí Minh bắt giữ đối tượng nghi vận chuyển ma tuý qua chốt kiểm dịch

Ngày 20/8, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết, Trạm CSGT Tây Bắc vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt giữ một đối tượng nghi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN