Nhằm khắc phục tình trạng trên, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Công an trang bị thêm máy cấp căn cước công dân để giảm tình trạng quá tải. Cùng đó, công an các địa phương cũng bố trí thêm nhân lực, tăng thời gian làm việc từ 6 giờ đến 22 giờ để giải quyết việc cấp căn cước công dân cho người dân.
Giải thích tình trạng khi làm xong căn cước công dân, người dân vẫn còn gặp nhiều bất cập đến lúc nhận, như: việc công an địa phương báo là không có căn cước công dân trong khi người dân đã đóng phí, lăn tay chụp hình đầy đủ, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tình trạng này có phần nguyên nhân trước đây cơ quan chức năng vừa tập trung làm căn cước công dân, vừa tập trung làm sạch dữ liệu. Do đó, một số trường hợp khi khai báo thông tin cấp căn cước công dân chưa chính xác sẽ không in được thẻ căn cước công dân.
Thượng tá Lê Mạnh Hà lý giải, do trước đây thời gian làm gấp và tập trung, không phải làm trực tuyến nên các sai lệch này không phát hiện được. Sau này, khi đổ dữ liệu mới phát hiện ra và số lượng này chiếm một tỷ lệ nhất định. Điều này làm người dân phàn nàn làm rất lâu mà không có căn cước công dân, hoặc phải đi lại, khai lại, cấp lại căn cước công dân.
"Chúng tôi đã nhận nhiều phản ánh, kiến nghị về nội dung này và đã có thông tin trả lời, thư xin lỗi đến người dân phản ánh. Những trường hợp người dân chưa được cấp căn cước công dân có thể liên hệ với cơ quan công an để kiểm tra trên hệ thống. Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong người dân chia sẻ với công an và các địa phương về những bất cập còn tồn tại trong khâu làm căn cước công dân", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Liên quan về nạn lừa buôn bán người sang Campuchia, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin, tội phạm buôn bán người là vấn đề nhức nhối được cả thế giới và Việt Nam quan tâm từ lâu. Quốc hội đã có Luật nghiêm cấm mua bán người, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định về loại tội phạm này tại các Điều 150, Điều 151 và Điều 152.
Theo đó, đối tượng mà những kẻ mua bán người thường nhắm tới là người nhẹ dạ cả tin, người già, trẻ em, nhà nợ nần. Nhiều người dân còn bị kẻ xấu gạ gẫm với chiêu thức đổi đời khi ra nước ngoài làm việc. Ngoài ra, tội phạm này còn sử dụng mạng xã hội, tuyển người ra nước ngoài làm việc để làm quen, tiếp cận từ xa với người đang có nhu cầu, từ đó lừa gạt sang nước ngoài lao động, chủ yếu đưa sang Campuchia.
Đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều người dân thành phố và địa phương lân cận bị lừa sang Campuchia làm việc khi qua khỏi biên giới, nạn nhân bị yêu cầu trả các khoản phí hoặc gọi về cho người thân đưa tiền chuộc hoặc bị bóc lột lao động. Để ngăn chặn vấn nạn trên, nạn nhân hoặc người nhà cần liên hệ cơ quan công an gần nhất khi phát hiện kẻ xấu, khả nghi, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác.