Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo quy định đối với việc mua bán thuốc kháng virus và kháng sinh phải có kê toa của bác sĩ. Hiện tại TP Hồ Chí Minh, người mắc COVID-19 có hai hướng tiếp cận thuốc kháng virus Molnupiravir là được cấp phát miễn phí khi đã khai báo y tế qua phần mềm khai báo F0 và đúng chỉ định được sử dụng thuốc điều trị COVID-19 và sử dụng toa thuốc của Trạm y tế, bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập hoặc tư lập để mua thuốc tại các nhà thuốc. Bác sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc chỉ định sử dụng thuốc cho người dân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định: Bất kỳ hoạt động rao bán thuốc qua mạng hay những hình thức không thực hiện tại các cơ sở kinh doanh thuốc hợp pháp đều là không hợp pháp; đồng thời việc quảng cáo về thuốc cũng được quản lý và xử lý theo quy định.
“Các đơn vị sản xuất thuốc có thể quảng cáo đối với sản phẩm của mình nhưng những nội dung quảng cáo phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và duyệt nội dung trước khi thực hiện”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mua và sử dụng những loại thuốc được quảng cáo điều trị hậu COVID-19, điều trị COVID-19 trên các trang mạng; việc chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị đi song hành nhau. Hiện nay, tại các cơ sở y tế đã triển khai các khoa khám lâm sàng hậu COVID-19, do đó người dân nên đến những nơi này để được khám và điều trị.
Thông tin về chiến dịch bảo vệ người trong nhóm nguy cơ (người 65 tuổi và có bệnh nền), bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, tính đến 15 giờ ngày 16/3, tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã báo cáo lập được danh sách quản lý 213.773 người; đã triển khai xét nghiệm tầm soát 102.153 người và qua đó đã phát hiện 1.253 trường hợp mắc COVID-19. Những người mắc COVID-19 đã được xử lý theo hướng dẫn.