1 triệu gói an sinh
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với quan điểm không bỏ lại ai ở phía sau, TP Hồ Chí Minh đang tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo an sinh xã hội và đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa dịch. TP Hồ Chí Minh đang triển khai các gói an sinh xã hội khoảng 900 tỉ đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, tính toán theo các gói 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày, trong đó đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cơ bản.
Theo Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, một triệu gói an sinh đã và đang được gửi đến người dân dưới hai hình thức là phần quà nhu yếu phẩm và suất ăn đã chế biến. Trong đó, ba đối tượng nhận các phần quà, suất ăn trong gói an sinh gồm: Các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trong hơn 4.000 khu phong tỏa tại TP Hồ Chí Minh hiện nay; công nhân mất việc, người lao động mất thu nhập do tình hình giãn cách cần hỗ trợ để tiếp tục tuân thủ các quy định cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh; các nhân viên y tế tuyến đầu nếu các bệnh viện và tổ chức y tế có nhu cầu.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng vừa quyết định thành lập Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do COVID-19 (gọi tắt là Trung tâm an sinh), thí điểm đặt tại quận 5, quận 7, quận 12 để hỗ trợ cho người lao động và người dân gặp khó khăn.
Trung tâm an sinh có 19 thành viên, thực hiện nhiệm vụ chính là tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, lực lượng tham gia phòng chống dịch; phối hợp rà soát nhu cầu, tổ chức phân phối nguồn hàng tài trợ đến những người dân nghèo, cận nghèo, những người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 phải tạm thời nghỉ việc, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày cùng các bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 và bệnh viện hồi sức; kiểm tra, giám sát việc điều phối, phân phối nguồn hàng tài trợ đến các đối tượng theo nguyên tắc “đúng đối tượng, đúng nhu cầu”.
Bổ sung đối tượng được hỗ trợ khẩn cấp
Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4.
Theo hướng dẫn, tiêu chí "hoàn cảnh khó khăn" là đoàn viên, người lao động có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng; lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi; bản thân người lao động hoặc có vợ/chồng/con mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật; người lao động bị tai nạn lao động trong thời gian làm việc theo tại các doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội; người lao động là thu nhập chính trong gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng cha/mẹ/vợ/chồng/con không có thu nhập.
Đối với người lao động thuộc "các trường hợp đặc biệt khác" nêu trong quyết định được hỗ trợ gồm: người lao động ngừng việc do thu hẹp sản xuất, do nơi làm việc chấp hành yêu cầu phong tỏa, cách ly do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hoặc doanh nghiệp không đáp ứng an toàn phòng dịch khi sản xuất buộc phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; người lao động nghỉ việc, mất việc làm và không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động thời gian tối thiểu từ 1 tháng trở lên; người lao động có cha/mẹ/vợ/chồng/con cùng có quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc một người là F0/F1; người lao động là thành viên Tổ an toàn COVID-19 và đoàn viên Công đoàn được huy động tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch của cơ quan chức năng.
ATM việc làm và phòng trọ cộng đồng
Bên cạnh các hoạt động an sinh xã hội của TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Công tác Xã hội thanh thiếu niên thuộc Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam cũng vừa triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ người lao động nhập cư đang gặp khó khăn tại thành phố thông qua hình thức "ATM việc làm cộng đồng" và "ATM nhà trọ cộng đồng".
Theo đó, những cá nhân có nhu cầu kết nối với “ATM việc làm cộng đồng” có thể liên hệ qua địa chỉ mạng xã hội chính thức: www.facebook.com/YSW.ATMvieclamcongdong và các đường dây nóng: 0907.186.069 (nhận thông tin người tìm việc làm), 0912.116.6 (nhận thông tin nhà tuyển dụng).
Tương tự, thông tin chi tiết về “ATM phòng trọ cộng đồng” được đăng tải tại địa chỉ mạng xã hội chính thức www.facebook.com/YSW.ATMnhatrocongdong hoặc các đường dây nóng: 0866.111.616 (nhận thông tin người cần trọ), 0828.116.6 (nhận thông tin chủ nhà trọ).
Ông Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên cho biết, gần đây, nhiều người dân nhập cư đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh lâm vào cảnh "đi không được, ở không xong". Vì vậy, đơn vị đã huy động nguồn lực ủng hộ, chăm lo cho những người đang khó khăn trong dịch.
"ATM nhà trọ cộng đồng và ATM việc làm cộng đồng hoàn toàn miễn phí, mục đích góp phần chung tay cùng TP Hồ Chí Minh san sẻ khó khăn, hỗ trợ cho bà con yếu thế để từ đó ổn định đời sống của người dân, duy trì sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp để cùng nhau vượt 1 tháng thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16", ông Nguyễn Thanh Hân nói.
Song song đó, Thành phố cũng sẽ có gói hỗ trợ an sinh từ tiền nhà trọ, ăn uống, lương thực, thực phẩm và tiêm vaccine cho người dân để người dân yên tâm hơn khi ở lại thành phố. Hiện TP Hồ Chí Minh đang yêu cầu các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thống kê đầy đủ danh sách người dân đang gặp khó khăn, không bỏ sót trường hợp nào để Thành phố đưa ra phương án hỗ trợ.
Hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19
Đối với doanh nghiệp, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản số 2724/KH-UBND về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Mục đích của kế hoạch nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo điều kiện an toàn theo tiêu chí của UBND Thành phố. Qua đó, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch được kiểm soát, đảm bảo thu ngân sách nhà nước và chi thường xuyên.
UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người lao động. Các sở, ban, ngành phụ trách các lĩnh vực phải chủ động cập nhật các chính sách hỗ trợ mới và đề xuất triển khai ngay với các hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người lao động tiếp cận chính sách.
Đối với các nhóm giải pháp hỗ trợ, TP Hồ Chí Minh đưa ra 4 nhóm giải pháp gồm: giải pháp hỗ trợ về tín dụng; giải pháp hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường; giải pháp hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực. UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức, quận - huyện triển khai ngay các giải pháp trên trong tháng 8. Đặc biệt, tập trung vào các giải pháp để hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.