Đây là thông tin được ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành Dân số Việt Nam, chủ đề “60 năm ngành Dân số, vì một Việt Nam phát triển bền vững” ngày 24/12.
Về kết quả thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Chánh Trung cho biết, tổng tỷ suất sinh tại TP Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng trở về mức hợp lý mặc dù còn thấp. Năm 2020, tổng tỷ suất sinh là 1,53 con/phụ nữ, tỷ suất giới tính sinh hàng năm duy trì ở mức 106 đến 108 trẻ nam/100 trẻ nữ…
Mức sinh thấp kéo dài để lại nhiều hệ lụy như, già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội... Dân số đông, biến động dân cư rất lớn, người dân nhập cư đông, các vấn đề về nhà ở, việc làm, môi trường ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh... là những áp lực, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về dân số.
Theo ông Phạm Chánh Trung, việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đạt hiệu quả nhưng nếu không duy trì các giải pháp can thiệp chủ động, tình trạng này có thể tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, các cấp, ngành chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần... cho người dân.
Nhằm giải quyết các tồn tại, khắc phục khó khăn, thành phố đề ra chiến lược dân số Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025 với những mục tiêu như: “Nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp”; “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”; “Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số”; “Phân bố dân số hợp lý” nhằm nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó ưu tiên giải quyết tình trạng mức sinh thấp. Theo số liệu năm 2000, mức sinh tại thành phố đã đi ngang và xu hướng đi xuống. Do đó, ngành chức năng cần xử lý nghiêm trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi. Không chỉ TP Hồ Chí Minh mà 21 tỉnh có mức sinh thấp đa số là ở khu vực phía Nam xung quanh thành phố, vì vậy về lâu dài, nguồn lao động sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, số cặp vợ chồng đi khám trước hôn nhân còn ít so với mong muốn. Kinh phí đi khám sức khỏe tiền hôn nhân đều do người đi khám tự nguyện chi trả, do đó cần có sự hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn để nâng cao tỷ lệ này. TP Hồ Chí Minh đã có kho dữ liệu điện tử nhưng các địa phương không kịp thời cập nhật số liệu, không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, từng quận, huyện phải cập nhật liên tục dân số thực tế tại địa phương mình, ông Nguyễn Hữu Hưng đề nghị.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, tuổi thọ của người dân thành phố cao hơn so với trung bình cả nước 76,6 tuổi. Đợt dịch vừa qua cho thấy, số ca tử vong do COVID-19 là người có bệnh nền, trên 50 tuổi, chiếm 90%. Hầu hết những người trên 60 tuổi sinh sống trên địa bàn đều mang 1-2 bệnh mãn tính không lây.