Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ ngày 11/3, Sở đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai quy trình chuyển đổi số công tác quản lý F0 tại nhà, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và giảm khối lượng công việc hành chánh của nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn; vốn đang bị quá tải do số trường hợp mắc COVID-19 tăng cao.
Qua ghi nhận những ngày đầu sau triển khai chuyển đổi số, nhiều người mắc COVID-19 đã khai báo tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn và được xác nhận là F0, thay vì phải đến trạm y tế phường, xã để làm các thủ tục khai báo. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người dân không vào được do mạng bị nghẽn tắc.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn 1 tuần triển khai thử nghiệm chuyển đổi số công tác quản lý F0 cách ly tại nhà tại tất cả trạm y tế trên địa bàn Thành phố, hiện ứng dụng “Nền tảng số quản lý COVID-19” của Sở Y tế, bao gồm cả ứng dụng chuyển đổi số trong khai báo F0 đã chính thức được chuyển vào Trung tâm dữ liệu dùng chung của Thành phố. Với 8 máy chủ được đảm bảo an toàn và an ninh dữ liệu, cùng với tốc độ đường truyền được cải thiện rõ rệt, việc chuyển đổi số toàn bộ công tác quản lý F0 đang từng bước được cải thiện rõ nét.
Ngoài ra, Sở Y tế đã kịp thời bổ sung thêm tiện ích phát hiện người khai báo có triệu chứng nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ để gửi tin nhắn cảnh báo đến bác sĩ và nhân viên của Trạm y tế kịp thời tư vấn và can thiệp. Đây là một trong những tiện ích khá “thông minh” của ứng dụng, góp phần quan trọng làm giảm nguy cơ tử vong cho các đối tượng này khi mắc COVID-19.
Theo đánh giá của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, công tác chuyển đổi số ngoài hiệu quả làm giảm phiền hà cho người dân mắc F0 còn có tính năng rất quan trọng là tăng cường phát hiện và bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và người có dấu hiệu nặng, điều mà trước đây ngành y tế vẫn còn lo khi thực tế vẫn còn bỏ sót.
Theo đó, trong số 48.000 lượt khai báo của người dân mắc COVID-19 được ghi nhận trên hệ thống các trạm y tế, có 731 trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi và có bệnh nền) được hệ thống cảnh báo cần được tư vấn và chăm sóc tại nhà; 4.342 trường hợp có dấu hiệu nặng (mệt/khó thở/đau tức ngực) được hệ thống cảnh báo đến các Trạm Y tế phường, xã để chủ động tư vấn và cung cấp thuốc điều trị kịp thời, cũng như hướng dẫn nhập viện ngay khi có chỉ định.
Bên cạnh đó, hệ thống còn có chức năng phân quyền giám sát theo tình hình khai báo của người dân và tiếp nhận xử lý của từng Trạm y tế theo thời gian thực nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn và Ban chỉ đạo quận, huyện và thành phố Thủ đức, từ đó giúp nắm bắt được tình hình ca mắc mới của người dân trên địa bàn để kịp thời đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả.