Chủ trương này nhận được sự đồng tình từ phía các ban, ngành làm công tác quản lý đô thị và các chuyên gia về quy hoạch đô thị trước tình trạng thành phố đang thiếu trầm trọng diện tích cây xanh, tuy nhiên cũng đặt ra một số vấn đề kinh phí, quy hoạch và phương hướng triển khai.
Nhiều quận, huyện thiếu công viên, mảng xanh
Tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch đô thị cho biết, Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) năm 2020 đã chỉ ra rằng tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh toàn Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 10.300 ha, nhưng đến nay mới thực hiện được 445 ha. Tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người khoảng 2 m², trong đó diện tích công viên cây xanh chỉ đạt 0,55 m²/người. Mật độ cây xanh này không đạt quy chuẩn của đô thị vì theo ước tính, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10 m² cây xanh để bảo đảm không khí trong lành cho cuộc sống.
Lý giải cho tình trạng trên, Tiến sỹ Phạm Sanh cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở nguồn ngân sách dành cho hạ tầng của thành phố đang ngày càng hạn hẹp, phải ưu tiên đầu tư các dự án cấp bách hơn như đường giao thông, công trình chống ngập, trường học, bệnh viện... Do đó, nhiều dự án xây dựng công viên dù đã được quy hoạch nhưng phải gác lại, điển hình như các dự án công viên 123 ha tại Quận 12, dự án công viên 120 ha tại Quận 7, dự án công viên Sài Gòn Safari 456 ha tại huyện Củ Chi… đều chưa được xây dựng dù đã quyết định từ nhiều năm nay. Một số quận trung tâm như Quận 3 thì lại không có một công viên cây xanh nào.
Mặt khác, một số công viên đang bị chiếm dụng để tổ chức hội chợ, triển lãm khiến không gian sinh hoạt của người dân bị thu hẹp. Sau mỗi lần triển lãm, hội chợ, thảm xanh của công viên bị giẫm đạp gây mất mỹ quan. Một số công viên bị các bãi giữ xe, quán cà-phê chiếm dụng diện tích... Trong khi đó, ở một số dự án khu dân cư trước đây, khi thành phố chưa ra quy định bắt buộc xây dựng thảm xanh song song với công trình nhà ở, nhiều chủ đầu tư thường chỉ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà chưa chú trọng đầu tư xây dựng công viên cây xanh khiến người dân gặp khó khăn trong việc hình thành khu dân cư có chất lượng sống tốt.
Bên cạnh đó, theo Tiến sỹ Phạm Sanh, còn có một nghịch lý trong việc phân bổ diện tích công viên cây xanh trên địa bàn là các huyện ngoại thành có quỹ đất lớn nhưng việc đầu tư công viên cây xanh lại ít hơn nội thành. Theo thống kê của Sở Giao thông và Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực nội thành (gồm 16 quận và thành phố Thủ Đức) có diện tích 495,82 ha công viên cây xanh, chiếm gần 99% tổng diện tích công viên cây xanh, trong khi khu vực ngoại thành (gồm 5 huyện) chỉ có 47,13 ha, chiếm khoảng 1%.
Trước những khó khăn này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với Đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn giai đoạn 2021-2030 hướng tới mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên công cộng, tăng thêm 10 ha mảng xanh công cộng trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1m²/người, tổng diện tích cây xanh nâng lên 3-4 m²/người, qua đó, bước đầu cải thiện cơ bản tình trạng thiếu mảng xanh của Thành phố, rút kinh nghiệm thực hiện để bắt đầu “tăng tốc” trong những giai đoạn tiếp theo.
Trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đầu tư xây dựng mới 2 ha mảng xanh và 10 ha công viên công cộng; trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư 26 công viên tại thành phố Thủ Đức. Dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành 7 công viên, bao gồm Phú Hữu (thành phố Thủ Đức), Cây Sộp (Quận 12), Rạch Tra (huyện Hóc Môn), công viên tại đường Bùi Thị Điệt (huyện Củ Chi), công viên ở dự án hạ tầng giao thông cụm Đại học Quốc gia (quận Tân Bình), công viên Cả Cấm, công viên đường Trần Xuân Soạn (Quận 7).
Nên xã hội hoá đầu tư
Theo kiến trúc sư Nguyễn Đình Hoà, chuyên gia quy hoạch và đô thị, chủ trương tăng mảng xanh, tăng diện tích công viên cây xanh là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội. Nhưng với tình hình kinh phí dành cho hạ tầng còn hạn chế, việc triển khai xây hàng loạt công viên cây xanh trên toàn địa bàn rất có thể sẽ tạo thêm “gánh nặng” cho thành phố.
Do đó, theo kiến trúc sư Nguyễn Đình Hoà: Thành phố nên xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với những công viên công cộng có quy mô lớn trên 10 ha, quy hoạch xây dựng xen cài các loại hình khai thác phù hợp như: khu vui chơi có thu phí; khu vực triển lãm, trưng bày hoa cảnh, cảnh quan chuyên đề; khu dịch vụ thể dục thể thao trong nhà hoặc ngoài trời... Đối với những công viên có quy mô lớn trên 100 ha có thể kêu gọi đầu tư thành một khu vui chơi giải trí có thu phí nhưng có một phần diện tích (khoảng 10 – 15%) là công viên công cộng. Ngoài ra, tùy theo vị trí, hiện trạng sử dụng đất mà điều chỉnh, tăng giảm diện tích cây xanh quy hoạch phù hợp với nhu cầu địa phương, từ đó tạo điều kiện để thu hút được các nguồn lực xã hội tích cực tham gia các dự án xây dựng công viên cây xanh mà không phụ thuộc nguồn ngân sách vốn hạn hẹp.
Để tạo thêm quỹ đất cho phát triển cây xanh, đặc biệt ở khu trung tâm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thành phố cần chủ động điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 để lập các dự án quy hoạch khu nhà ở phức hợp cao tầng kết hợp khu công viên cây xanh thành các dự án trọng điểm nhằm mời gọi đầu tư. Diện tích, quy mô của các dự án phức hợp này bảo đảm tính khả thi và hiệu quả kinh tế để các chủ đầu tư có thể triển khai một cách thuận lợi. Đối với các trường hợp dự án nhà ở chưa có công viên, nhất là các dự án đã có người dân vào sinh sống, thành phố cần yêu cầu chủ đầu tư phải có kế hoạch để hoàn chỉnh toàn bộ công viên cây xanh theo đúng tiêu chuẩn quy hoạch.
Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Thi, giảng viên Khoa sinh học và công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khuôn viên cây xanh không đơn thuần là để cải thiện cảnh quan mà còn là giải pháp giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu. Do vậy, quá trình phát triển mảng xanh, công viên cần trồng các loại cây phù hợp với môi trường đô thị, đặc biệt cần tính đến vấn đề an toàn gãy đổ trong mùa mưa bão, tránh những tai nạn đáng tiếc.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Thi, trong công viên hiện nay nếu muốn trồng cây cần chọn những loại có cành nhánh cứng ít gãy đổ, không nên trồng cây bứng, thân giòn, rễ chùm mà nên trồng cây có thân dẻo, ươm từ vườn để rễ cọc cắm sâu, có thể chịu được gió lớn. Một số giống cây không quá to thì có thể trồng thành cụm, cây này sẽ chống cây kia nên ít gây ngã đổ. Ngoài ra, khi trồng cây ở công viên nên đào hố rộng để cây phát triển tốt, chống ngã đổ, đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, để đạt mục tiêu phát triển mảng xanh theo kế hoạch đặt ra trong đề án, Sở sẽ tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp. Đối với các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án quy hoạch, Sở sẽ lập danh mục, cập nhật về nguồn gốc toàn bộ các khu đất được quy hoạch công viên. Tùy theo tính chất của từng khu đất mà đề xuất với UBND thành phố việc lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư. Đối với các nhà máy, nhà xưởng trong khu dân cư hiện hữu sẽ di dời ra khu vực phù hợp, sau đó điều chỉnh chức năng các khu đất này thành công viên, vườn hoa.
Đồng thời, thành phố cũng sẽ xây dựng một nguồn vốn dành riêng cho việc phát triển công viên công cộng, ước tính ban đầu khoảng 100 – 200 tỷ mỗi năm. Song song đó, xây dựng những chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với các công viên có quy mô lớn, quy hoạch xây dựng xen cài các loại hình dịch vụ phù hợp như khu vui chơi có thu phí, khu vực triển lãm, cảnh quan chuyên đề...
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, để giải bài toán nơi thừa, nơi thiếu công viên trên địa bàn, Sở đã bổ sung vào quy hoạch 214 dự án công viên cây xanh nhỏ và vừa trên toàn địa bàn với tổng diện tích khoảng 200 ha, trong đó ưu tiên những khu vực xa trung tâm, điển hình như dự án công viên tại giao lộ Trần Văn Giàu - Võ Trần Chí diện tích 3 ha (quận Bình Tân); dự án Công viên Văn hoá – Thể dục thể thao 19,3 hecta phường Hiệp Thành (Quận 12)…