Áp dụng hợp tác công tư cho phát triển đô thị xanh thông minh tại Việt Nam

Phát triển đô thị xanh - thông minh là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị tại Việt Nam, nhưng mô hình này còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư triển khai rất lớn.

Theo kinh nghiệm EU, tiêu chí đánh giá đối với thành phố thông minh bao gồm 6 phương diện: Kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản lý thông minh, giao thông thông minh, cuộc sống thông minh và con người thông minh.

Đô thị xanh – thông minh cần có thêm các tiêu chí là không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã quan tâm xây dựng đô thị xanh. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Trên thế giới, đô thị thông minh đã đem lại hiệu quả hết sức rõ rệt trong việc hướng tới phát triển đô thị bền vững. Ví dụ, các giải pháp tòa nhà thông minh ở Mỹ có thể tiết kiệm 30% lượng nước tiêu thụ, 40% năng lượng, 10 - 30% chi phí vận hành. Giải pháp thùng rác thông minh ở Sharjah (UAE) giảm 20% chi phí thu gom rác…

Nhiều lợi thế sẵn có

Theo thống kê, Việt Nam có trên 817 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 đến 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung cả nước.

Phát triển đô thị thông minh ngày càng trở thành mối quan tâm đặc biệt của phát triển đô thị ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay bởi những lợi ích thiết thực đối với việc cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản trị và nâng cao chất lượng đô thị.

Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để thực hiệu mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Dân số trên 90 triệu người mang lại lực lượng lao động dồi dào; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; chủ trương đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử được triển khai rộng khắp toàn quốc; nền kinh tế tri thức, làn sóng công nghệ 4.0 đang lan tỏa…

Tuy nhiên, lựa chọn một chiến lược phát triển hợp lý để phát triển đô thị thông minh trên khắp cả nước cần chuẩn bị một nguồn lực đô thị rất lớn và là yêu cầu khó khăn đối với các đô thị tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

“Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển, hiện đại hóa về công nghệ hướng đến mô hình đô thị thông minh thì không thể chỉ trông chờ nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước mà cần huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân”, bà Linh nói.

Cũng theo bà Linh, kinh nghiệm quốc tế từ các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Hoa Kỳ... cho thấy các nhà đầu tư tư nhân có rất nhiều lợi thế trong việc hỗ trợ Nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý phát triển đô thị hiệu quả và thành công hơn.

Hình thức đối tác công tư (PPP) chính là lời giải cho việc xây dựng đô thị xanh tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN


Phát triển đô thị bằng phương thức hợp tác công tư

Nói về giải pháp cho vấn đề này, theo ông Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, cần vận dụng phương thức hợp tác công tư (PPP).

Theo ông Hà, PPP là hình thức đầu tư hiệu quả và phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Hình thức này được đánh giá là cách giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn ODA, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

"Do đó, để có được nguồn tài chính đủ đáp ứng phát triển đô thị thông minh, chỉ có thể huy động theo phương thức hợp tác công tư”, ông Hà nói.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, thời gian qua, đối với Nhà nước, hình thức đầu tư PPP bước đầu đã mang lại kết quả là diện mạo kết cấu hạ tầng đô thị Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt, tạo nhiều điểm nhấn đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế trong tình hình mới. Áp dụng phương thức này đồng thời mở ra thị trường và cơ hội đầu tư tương đối hấp dẫn cho nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, tiêu thụ một lượng lớn các nguyên liệu sản xuất trong nước, hàng trăm tỷ đồng vốn tín dụng ngân hàng được đưa vào nền kinh tế, tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động.

Dựa trên chủ trương xây dựng các đô thị thông minh của Chính phủ, một số đô thị ở Việt Nam đã quan tâm xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh, điển hình như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng… Một số địa phương đã phê duyệt đề án tổng thể như Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh… Một vài tỉnh đã lập ban chỉ đạo, điều hành dự án.

"Với những lợi thế sẵn có, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những thành công trong việc vận dụng phương thức PPP trong phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam" - bà Linh khẳng định.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Hoàn thiện chính sách đầu tư theo hình thức PPP
Hoàn thiện chính sách đầu tư theo hình thức PPP

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 11/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN