Mong bổ sung biên chế
Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND Phường 2, Quận 4, sau khi sáp nhập phường, ngoài việc dân số đông hơn thì địa phương còn gặp khó khăn do nhân sự cũ nghỉ việc, dẫn đến khối lượng công việc rất lớn. Do đó, bà kiến nghị cần bổ sung nhân sự cho địa phương; có cơ chế điều chỉnh mức phụ cấp thêm giờ phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thu nhập để thu hút người làm việc tại phường.
Tương tự, ông Đỗ Chí Chinh, Bí thư Đảng ủy Phường 1, Quận 4 cho biết, việc thực hiện chuyển đổi vị trí làm việc để phòng, chống tham nhũng là chủ trương đúng nhưng cũng gây xáo trộn nhân sự của đơn vị và ảnh hưởng đến công tác bố trí, sử dụng cán bộ. Trong khi đó, cán bộ thuộc diện luân chuyển luôn có tâm lý không gắn bó; thời gian luân chuyển ngắn, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và thực thi công việc. Vì vậy, cần kéo dài thời hạn định kỳ luân chuyển để cán bộ an tâm công tác và thuận lợi cho cấp ủy trong công tác quy hoạch cán bộ.
Đồng quan điểm cho rằng khối lượng công việc tại phường, xã ở thành phố hiện nay rất nhiều trong khi số lượng cán bộ, công chức không đủ để thực hiện nhiệm vụ, ông Nguyễn Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) mong muốn được bổ sung biến chế. "Xã Bà Điểm gần 100.000 dân, có Khu công nghiệp Vĩnh Lộc nhưng chỉ có 36 biên chế, làm việc rất căng thẳng, vất vả. Trước đây, theo Nghị định 34 tinh giản biên chế thì 1 người gánh 6 đầu việc. Nên chăng, từ nay đến khi nghị định mới ra đời cho xã làm hợp đồng nhân sự để giảm bớt khối lượng công việc cho biên chế", ông Nguyễn Minh Thảo nói.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, thực tiễn ghi nhận những bất cập do số lượng cán bộ, công chức chưa đủ để đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ tại phường, xã, thị trấn. Hiện tại, thành phố có 117/312 phường, xã, thị trấn dân số từ 30.000 người trở lên. Cao hơn gấp 2 lần so với quy mô dân số theo tiêu chuẩn của phường thuộc quận là 15.000 dân trở lên quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH. Đặc biệt, có 6 phường, xã có số dân trên 100.000 người, như phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức (101.452 người); phường Hiệp Thành, Quận 12 (103.832 người), phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (124.000 người); riêng huyện Bình Chánh có xã Bình Hưng (106.156 người), xã Vĩnh Lộc A (164.267 người), xã Vĩnh Lộc B (122.142 người). Hiện số lượng cán bộ, công chức tại 6 phường, xã nói trên cũng được giao bằng với số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn có dân số từ 30.000 người trở lên.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, chuyện ở phường là một đề tài rất lớn, bởi phường là nơi gần dân nhất, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân. Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, phường là pháo đài chống dịch, nhiều vấn đề ở phường đặt ra được cấp trên quan tâm và từng bước tháo gỡ. Song, những khó khăn ở phường còn rất nhiều, phải gỡ nhanh hơn nữa. "Cán bộ làm việc ở phường rất áp lực, trong khi chế độ chính sách rất ít. Công tác ở phường cũng phải thi công chức, trong khi có người làm ở phường hết tuổi thanh xuân, không có chỗ để lên, rất khó trong phát triển”, bà Phạm Phương Thảo nói.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch UBND Phường 13, Quận 3 cho biết, hiện nay tại các phường đã triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý các công việc hành chính, tuy nhiên một trong những khó khăn, vướng mắc là hạ tầng công nghệ của phường chưa đáp ứng yêu cầu của ứng dụng công nghệ số khiến người dân chưa tin tưởng vào các dịch vụ trực tuyến. Do đó, dù ứng dụng công nghệ số trong xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính nhưng đa phần người dân vẫn đến trụ sở phường để liên hệ làm thủ tục hành chính (TTHC) trực tiếp.
Ông Vũ Huy Hoàng cũng đề xuất, UBND Thành phố nên có quy định theo độ tuổi khi đến liên hệ làm các TTHC. Chẳng hạn, người có độ tuổi từ 18 - 60 tuổi sẽ phải thực hiện TTHC bằng hình thức trực tuyến, còn các độ tuổi khác có thể đến liên hệ làm TTHC trực tiếp. Ngoài ra, ông Vũ Huy Hoàng cũng kiến nghị xây dựng, phát triển nền tảng số, dữ liệu số; đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc xây dựng kho dữ liệu tập trung, dùng chung, qua đó có thể liên kết, khai thác cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý nhà nước.
Đồng quan điểm, ông Hồ Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh (thành phố Thủ Đức) cũng kiến nghị quy trình xử lý dịch vụ công trực tuyến cần thông tin minh bạch để biết được công chức trì hoãn, kéo dài ở khâu nào. Cần đơn giản hóa các bước chuyển đổi số vì nhiều khâu trong cải cách hành chính vẫn rườm rà, kéo dài khiến người dân mệt mỏi. Mặt khác, chính quyền phải có giải pháp đăng ký văn bản điện tử thay thế chữ ký giấy truyền thống và nên có đội ngũ phụ trách; cần đầu tư trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin để người dân ứng dụng dễ dàng...
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hạ tầng để sử dụng chuyển đổi số chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ theo mục tiêu chương trình “Chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh” và Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” năm 2022. Theo đó, hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của bộ phận một cửa và các bộ phận chuyên môn của UBND phường, xã, thị trấn chưa ổn định; đặc biệt thường xuyên xảy ra tình trạng lỗi hệ thống không thể đăng nhập, thất lạc hồ sơ trên hệ thống phần mềm khi người dân đã hoàn thành khai báo các mẫu theo yêu cầu.
Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa liên thông với phần mềm chuyên ngành để xử lý nên phải thực hiện nhập liệu 2 lần và khó theo dõi được tiến độ giải quyết các yêu cầu của người dân. Việc trang bị máy móc phục vụ chuyển đổi số rất khó khăn, UBND phường, quận không chủ động trong việc trang bị, mua sắm cơ sở vật chất vì thực hiện chính quyền đô thị và quy định tại Luật Ngân sách thì UBND quận, phường không còn là cấp ngân sách.
Để giải quyết tình trạng này, ông Phan Văn Mãi cho biết, sắp tới, TP Hồ Chí Minh cần tập trung ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất theo kiến trúc chính quyền điện tử thành phố; đẩy mạnh triển khai thực hiện các kế hoạch xây dựng đô thị thông minh trong chương trình chuyển đổi số của Thành phố và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị tiếp tục rà soát quy chế hoạt động, phân công từng vị trí và giám sát đôn đốc đảm bảo việc đúng người, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương hành chính.
“Vai trò chính quyền cơ sở là tuyến đầu trong tiếp xúc triển khai các chủ trương, TP Hồ Chí Minh sẵn sàng lắng nghe giải quyết các vấn đề của người dân. Phường, xã, thị trấn là người đầu tiên tiếp cận các thông tin; cũng là người tạo ra duy trì ổn định làm tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, vai trò của chủ tịch ở cơ sở rất quan trọng”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị, phường, xã tiếp tục rà soát làm sao triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội, đặc biệt chủ đề năm đạt kết quả cao nhất. “Kết quả quý 1 thấp bởi nhiều nguyên nhân, nhưng không vì thế hoang mang, giảm ý chí.. Bây giờ phải tập trung hành động quyết liệt, có trọng tâm tạo ra kết quả”. Ngoài ra, phải đề cao, khơi dậy tinh thần năng động sáng tạo và thúc đẩy các đề án, sáng kiến ở cơ sở. “Đừng để nghe thêm câu hỏi tinh thần đổi mới sáng tạo, đổi mới của TP Hồ Chí Minh đâu rồi?”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.