Ngày 17/9, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh và ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có buổi lắng nghe ý kiến, góp ý của các chuyên gia kinh tế và y tế xung quanh kế hoạch mở cửa lại TP Hồ Chí Minh sau thời gian gian cách xã hội đến hết tháng 9.
Cần thay đổi phương pháp chống dịch
Theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, công tác chống dịch của TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, ngành y tế đã đảm bảo tiêm vaccine cho nhóm người có nguy cơ cao, nhóm người có bệnh nền; phát triển mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà hiệu quả và đảm bảo cơ sở y tế đủ oxy cho người bệnh. Minh chứng rõ ràng nhất là số bệnh nhân tử vong đã giảm rõ rệt. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần chuyển chiến lược với COVID-19 từ “đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng” sang “đánh chắc, thắng chắc”.
"Mặt khác, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý “sống chung” với COVID-19, bởi nếu quét sạch COVID-19 lần này cũng không đảm bảo COVID-19 sẽ không đến một lần nữa, đây là một cuộc chiến lâu dài. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh không nên tốn quá nhiều sức lực để dẫn đến kiệt quệ về sau", PGS.TS. Đỗ Văn Dũng góp ý.
Dưới góc độ chuyện gia kinh tế, TS Trần Du lịch cho biết, dịch bệnh COVID-19 đang tiến diễn phức tạp và TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục trận chiến chống dịch COVID-19 bằng cách tiếp cận mới. Cụ thể, Thành phố không thể truy vết hết F0 mà cần phải thay đổi để làm sao sử dụng nguồn lực hữu hạn còn lại một cách hiệu quả nhất, đảm bảo đi đến kết quả cuối cùng là chống dịch an toàn.
"Cùng với việc mở cửa lại kinh tế TP Hồ Chí Minh, cần tập trung cho các cơ sở y tế để làm sao giúp người dân tự điều trị, giảm áp lực cho các bệnh viện. Điều quan trọng nhất là lộ trình dứt khoát mở cửa với tiêu chí an toàn, phù hợp để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh", TS Trần Du Lịch kiến nghị.
Cùng quan điểm, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng TP Hồ Chí Minh "không thể không mở cửa" nếu nhìn vào bài toán kinh tế, bài toán chi phí và phân bổ nguồn lực. "Vì nếu cứ tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa, chúng ta sẽ chịu tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của thành phố, không chỉ trong năm nay mà còn những năm tiếp theo. Trong khi đó, hiện đang rất nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, nếu không cứu kịp thì rất khó để phục hồi", TS Vũ Thành Tự Anh bày tỏ.
Về chiến lược mở cửa, theo TS Vũ Thành Tự Anh, cần học cách thích nghi an toàn. Bài toán hiện nay chính là ở góc độ quản lý rủi ro và bảo vệ những đối tượng có rủi ro nhiều nhất. Vì thế, Thành phố có thể đo lường diễn biến dịch bệnh, có các phương án và kịch bản ứng phó từng điều kiện thực tế.
An toàn tới đâu mở cửa kinh tế tới đó
Ghi nhận những ý kiến, đóng góp của các chuyên gia kinh tế, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ góp ý, hiến kế của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế. TP Hồ Chí Minh cũng thống nhất quan điểm không thể loại bỏ hoàn toàn COVID-19 ra khỏi cộng đồng, tuy nhiên hiện Thành phố đã có những điều kiện chống dịch như thuốc và vaccine nên đang tính đến việc mở cửa nền kinh tế trong điều kiện có dịch bệnh.
"Sức chịu đựng và tổn thương của nền kinh tế đến lúc này đòi hỏi chúng ta phải mở cửa trở lại. Tuy nhiên, quan điểm của Thành phố là an toàn đến đâu mở cửa đến đó và thực hiện giãn cách, bảo đảm độ an toàn trong thời gian tới; từ đó từng bước mở dần, quản lý rủi ro, tuyệt đối không chủ quan nhưng không thể không mở. Do đó, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới là sống bình thường mới, sống trong môi trường có COVID-19", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói.
Để làm được điều này, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho rằng, cả chính quyền và người dân cần chuẩn bị tâm thế, thói quen, tinh thần và những điều kiện ứng phó phù hợp. Hiện Thành phố đã chuẩn bị nhiều chiến lược ứng phó, trong đó trụ cột nhất là chiến lược về y tế.
"Chuẩn bị chiến lược về y tế trong tình hình mới là phải chuẩn bị cơ sở y tế từ cấp nhỏ nhất phải làm và nhận lấy trách nhiệm, củng cố ngay hệ thống y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc tây… Trong chiến lược về mặt y tế, phải có quy định rõ ràng, ứng phó phù hợp trong môi trường mở", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói.
Chia sẻ thêm thông tin về mở cửa dần nền kinh tế, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tinh thần của Thành phố là an toàn đến đâu mở cửa kinh tế đến đó; việc nới lỏng phải được mở từ từ chứ không "mở toang" cùng một lúc.
Theo đó, Thành phố vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm tập trung theo chỉ đạo của Bộ Y tế và kế hoạch của TP Hồ Chí Minh; tập trung xét nghiệm nhanh, cuốn chiếu để làm sạch địa bàn và biến nơi đó thành "vùng xanh" an toàn. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục củng cố quản lý F0 tại nhà, tại cộng đồng; giúp F0 tiếp cận sớm nhất với thuốc, hỗ trợ y tế, ngăn chặn chuyển nặng, thực hiện mục tiêu không để tử vong tại nhà.
Theo ông Phan Văn Mãi, đối với công tác tiêm phủ vaccine cho người dân khi mở cửa nền kinh tế, TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm vét và xác định mục tiêu đạt trên 90% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ mũi 2; trong đó chú trọng tiêm cho các đối tượng cần bảo vệ, đối tượng nguy cơ, đối tượng tham gia hoạt động kinh tế thiết yếu sau này.