Bà Nguyễn Thị Hoài Phượng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, trong cuộc vận động sáng tác lần này, các tác giả tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện tâm huyết của người cầm bút và sự lao động miệt mài bằng tri thức nghệ thuật. Các tác phẩm gửi về không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của thơ ca - lý - hò - vè, mà còn lan tỏa, quảng bá và tuyên truyền các loại hình diễn xướng dân gian qua những sáng tác lời mới, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự thi, Nhà giáo ưu tú, đạo diễn Nguyễn Hữu Diệu Đức, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho hay, mặc dù số lượng tác phẩm dự thi chưa nhiều như kỳ vọng, nhưng chất lượng bài thi năm nay được đánh giá cao, có sự đầu tư nghiêm túc cả về nội dung lẫn hình thức.
“Nhiều bài dự thi bám sát chủ đề nông thôn mới, khai thác sâu sắc các khía cạnh như gia đình, quê hương, tình yêu đất nước và về Bác Hồ. Các tác giả đã sử dụng ngôn ngữ dân gian giàu hình ảnh và âm điệu, giữ được tinh thần của nghệ thuật thơ ca - lý - hò - vè, đồng thời sáng tạo những yếu tố mới, phù hợp với đời sống đương đại”, đạo diễn Nguyễn Hữu Diệu Đức nói
Sau hơn 3 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được 118 tác phẩm tham gia cuộc vận động. Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhì và 3 giải Khuyến khích ở thể loại ca khúc thơ phổ nhạc. Với thể loại thơ ca, có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Đặc biệt, ở thể loại dân ca lý - hò - vè, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.
Ngoài ra, các giải phụ cũng được trao để tôn vinh những tác phẩm nổi bật theo chủ đề, gồm: Tác phẩm viết về TP Hồ Chí Minh ấn tượng: "Sài Gòn mến yêu" của Trần Thanh Quang. Tác phẩm viết về Bác Hồ ấn tượng: "Từ miền Nam gửi câu ví dặm kính dâng Người" của Hà Thị Thu Lài và Lê Văn Đại. Tác phẩm viết về nông thôn mới ấn tượng: "Củ Chi ngày mới" của Hồ Phúc Lâm, "Niềm vui cùng Nông thôn mới" của Nguyễn Thị Thanh Hương và "Cần Giờ ngày mới" của Trần Thị Kim Loan.