Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị góp ý đối với 5 dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hiện đại hóa công trình đường bộ hữu hiệu áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 20/12.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố đã báo cáo về cơ sở pháp lý, quy trình và tiến độ xây dựng báo cáo tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông BOT gồm: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến Vành đai 3; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1: Đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 22: Đoạn từ nút giao An Sương đến Vành đai 3; nâng cấp đường trục Bắc - Nam: Từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng Cầu đường Bình Tiên từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.
Theo đó, dự kiến sơ bộ tổng kinh phí đầu tư cho cả 5 dự án khoảng 61.000 tỷ, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 35.000 tỷ, phần xây dựng 26.000 tỷ. Vốn ngân sách chiếm 50 - 70% khoảng .000 tỷ đồng, còn hơn 23.000 tỷ từ nhà đầu tư. Dự kiến các dự án sẽ được khởi công vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028; kế hoạch hoàn vốn từ 20 - 25 năm.
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất về tầm quan trọng, sự cần thiết áp dụng hình thức BOT trong xây dựng, triển khai 5 dự án giao thông nói trên, là các tuyến giao thông kết nối trục chính đô thị tới các đường quốc lộ, cao tốc liên vùng mang ý nghĩa chiến lược, góp phần giải phóng nhanh lưu lượng giao thông, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Các đại biểu đã có nhiều ý kiến phản biện, đóng góp vào Báo cáo tiền khả thi dự án, nhất là khi thể hiện căn cứ pháp luật của dự án và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án.
Luật sư Trương Thị Hòa, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Thành phố cho rằng, 5 dự án BOT liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội, vì vậy, cần làm rõ quy định của pháp luật điều chỉnh vào từng vấn đề của mỗi dự án; làm rõ nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; vấn đề bồi thường cho người dân bị giải tỏa đất phục vụ dự án; làm rõ đánh giá tác động dự án về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế, quốc phòng, an ninh, môi trường…
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, khi xem xét xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, cần phải căn cứ vào nội dung của bảng giá đất dự kiến áp dụng vào thời điểm tiến hành giải phóng mặt bằng, không lấy các cơ sở cũ hoặc quy định hiện thời để nghiên cứu, xây dựng phương án bồi thường cho giai đoạn sắp tới, hạn chế được tình trạng sửa đổi, bổ sung nhiều lần, làm kéo dài thời gian thực hiện và thiếu vốn đầu tư. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của người sử dụng đất bị thu hồi, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, đại diện người dân phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, là địa phương có dự án BOT đi qua, đề nghị được cung cấp thông tin phân tích ảnh hưởng của dự án đối với đời sống người dân tại khu vực, vấn đề giá đền bù, tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng hoặc giải tỏa phần lớn diện tích và đảm bảo quyền lợi của người dân; chủ trương và chính sách của Thành phố về phương án hỗ trợ thuê nhà hoặc việc làm đối với trường hợp bị ảnh hưởng bởi việc giải tỏa trắng…
Bà Phan Thị Dòn, Trưởng Ban Tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh và cũng là người dân sinh sống tại nơi có Dự án án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đi qua cho rằng, việc bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng dự án phải kịp thời và đảm bảo các quy định đồng thời hài hòa tình hình thực tế của người dân, để tránh việc khiếu nại kéo dài ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông phù hợp để sau khi Dự án hoàn thành không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và hoạt động đi lại của người dân tại khu vực.
Ghi nhận ý kiến các đại biểu, Tiến sỹ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các dự án BOT phải được triển khai trên tinh thần hạn chế thấp nhất vấn đề giải tỏa (đất), chỉ giải tỏa vừa đủ quy mô dự án để giảm chi phí và thời gian thực hiện dự án. Đồng thời, đề xuất tại các cửa ngõ sẽ cơ bản làm đường trên cao, song hành với đường bên dưới; mở rộng làm đường và người đi trên cao thì phải trả tiền, người đi đường song hành bên dưới không phải trả tiền; thay đổi tư duy, cách làm để đảm bảo tiến độ, tận dụng mọi cơ chế, chính sách được phép để triển khai ngay, áp dụng thi công mới, vật liệu mới…
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết cơ quan soạn thảo Báo cáo tiền khả thi các dự án rất cầu thị, mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp, phản biện để đảm bảo hoàn thiện quá trình tiền dự án và đưa dự án vào triển khai nhanh nhất; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của sự đồng thuận của người dân đối với dự án, đảm bảo cho quá trình triển khai các dự án được thuận lợi, đúng tiến độ.