Đó là các công trình giao thông trọng điểm kết nối liên vùng, các tuyến đường vành đai, các dự án khu vực cửa ngõ và khu vực thành phố Thủ Đức.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung đầu tư cũng như hoàn thiện các công trình trọng điểm như hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; xây dựng cầu vượt Bến xe miền Đông mới; nút giao thông Mỹ Thủy; nút giao thông An Phú; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cầu Cát Lái và các dự án kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và Long An.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, gần đây TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương đã tổ chức cuộc họp để tháo gỡ, lên kế hoạch triển khai dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Đối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hiện hai địa phương đã có cuộc họp thống nhất để xây dựng quy hoạch. Theo lộ trình, cao tốc này sẽ được khởi công vào năm 2023 và hoàn thành năm 2025. Trong khi đó, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự kiến sẽ triển khai chậm hơn, do nguồn vốn vẫn còn hạn chế, cần báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có lộ trình triển khai và giải quyết các vướng mắc.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, đơn vị và Sở Giao thông Vận tải sẽ trình HĐND TP Hồ Chí Minh thẩm định về dự án xây dựng nút giao An Phú, xây dựng hạ tầng giao thông cho thành phố Thủ Đức, bao gồm hệ thống giao thông khu vực cảng biển, khu vực cửa ngõ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài ra, hai đơn vị chuẩn bị trình Hội đồng Nhân dân Thành phố về các dự án chuẩn bị đầu tư như khép kín Vành đai 2, các tuyến cao tốc kết nối liên vùng.
Về các dự án tại thành phố Thủ Đức, Ban Giao thông đã phối hợp với địa phương triển khai các vấn đề về giải phóng mặt bằng, vốn rất quan trọng khi triển khai dự án. Hai bên phối hợp tháo gỡ khó khăn để các dự án “nóng” tại thành phố Thủ Đức sớm có mặt bằng như dự án cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, đường Lương Đình Của…
Vừa qua, đề án thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được thông qua và sẽ tiến hành thu phí trong thời gian tới. Dự kiến trong năm đầu thực hiện, thành phố sẽ có khoảng 3.000 tỷ đồng từ nguồn thu này và hạ tầng giao thông khu vực thành phố Thủ Đức sẽ có sự cải thiện.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh cho biết, với chức năng đơn vị được UBND TP Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thu phí, hiện đơn vị đang chuẩn bị hệ thống, theo chủ trương sẽ thực hiện tự động 100%, không sử dụng tiền mặt. Toàn bộ dữ liệu sẽ liên thông, chia sẻ với hải quan, thanh toán qua các cổng thông tin 24/7 của các ngân hàng. Dự kiến giữa tháng 5 sẽ vận hành hệ thống, tháng 6 sẽ tiến hành chạy thử và tháng 7/2021 sẽ chính thức hoạt động.