Từ “thúc” tiến độ dự án giao thông trọng điểm...
Đường Vành đai 3 (đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng chiều dài khoảng 89,3 km) là dự án mang tính huyết mạch, kết nối các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phân luồng các phương tiện vận tải nặng quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh không phải lưu thông vào trung tâm thành phố, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh… Giữ vai trò quan trọng là vậy nhưng đến nay dự án chỉ mới đầu tư được 16,3 km/89,3 km (đạt 18%).
Tại dự án này, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương triển khai, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án quan trọng quốc gia để Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư trong năm 2020.
Tương tự, dự án đường bộ huyết mạch khác là cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (theo hợp đồng BOT, dài 53 km, tổng vốn đầu tư dự kiến 13.613 tỷ đồng) cũng chỉ mới trong giai đoạn nghiên cứu. Do dự án đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh, đồng thời để chủ động sắp xếp nguồn vốn đầu tư, trên cơ sở đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án. Sau khi nhận bàn giao hồ sơ từ Ban quản lý Dự án 2 - Bộ Giao thông Vận tải, UBND Thành phố đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án này, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối trong giai đoạn 2021 - 2025 khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án tại thời điểm khi Chính phủ chưa thông báo dự kiến khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025. UBND Thành phố cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, có ý kiến hướng dẫn các vướng mắc liên quan đến thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm định nguồn vốn và khả năng cấn đối vốn.
Liên quan đến việc triển khai và khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương kết nối đường Long Phước, Quận 9 với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Lý do là phường Long Phước đang được bố trí nhiều khu vực quan trọng thuộc Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, đường Vành đai 3 trong khi giao thông kết nối giữa phường Long Phước với trung tâm Thành phố chỉ theo lộ trình đường Long Phước - Long Thuận - Nguyễn Duy Trinh với chiều dài 23 km, mặt đường nhỏ, hẹp, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đi lại khó khăn.
Vì thế việc kết nối giao thông phường Long Phước với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, phát triển kinh tế xã hội Quận 9, là 1 trong 3 quân (Quận 9, Quận 2 và Quận Thủ Đức) của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.
Trong khi đó, giải quyết vướng mắc dự án giao thông trọng điểm khu vực nội đô gồm tuyến Metro số 1 (tiến độ chung đạt 78%) và Metro số 2 (tiến độ đạt 3,8%), UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, điều chuyển một số vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương chưa giải ngân cho dự án năm 2020 sang năm 2021 cho tuyến metro số 1, đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có văn bản về hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian giải ngân đến ngày 20/12/2026 và điều chỉnh lịch trả nợ 2 khản vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đến ngày 30/9/2027 đối với tuyến metro số 2.
… đến gấp rút hoàn thiện quy hoạch
Phát triển các dự án đô thị không thể tách rời việc lập và quản lý quy hoạch. Tại TP Hồ Chí Minh, có nhiều dự án lớn được lập quy hoạch từ lâu nhưng đang trong tình trạng “treo” hoặc triển khai ì ạch, không những kìm hãm nguồn lực phát triển của thành phố mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, làm mất mỹ quan đô thị.
Đơn cử là quy hoạch dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với “độ treo” 26 năm. Dự án được quy hoạch từ năm 1992, bao gồm diện tích Phường 28, quận Bình Thạnh. Đến năm 2004, Thành phố thu hồi đất và mãi đến năm 2015 mới tìm được chủ đầu tư là Liên danh Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC. Tuy nhiên sau đó do bế tắc trong vấn đề chi phí bồi thường, xác định thời điểm giao đất nên Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án. Đến nay Khu Bình Quới - Thanh Đa vẫn “giậm chân tại chỗ”, trong khi quyền lợi người dân bị ảnh hưởng nặng nề, không mua bán, giao dịch đất đai cũng như khó khăn trong xây dựng, cải tạo nhà ở.
Cập nhật tiến độ và hướng giải quyết tại dự án này, ông Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay UBND Thành phố đã xin chủ trương của Thành uỷ Thành phố và đang triển khai các bước để tổ chức đấu thầu rộng rãi tìm nhà đầu tư (thay vì chỉ định như trước đây).
Tương tự, quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) cũng đang đứng trước nguy cơ “kém khả thi” khi thành phố chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1/5.000, tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc để phù hợp với thực tế. Trong khi đó, Khu đô thị mới Nam thành phố cũng đang được điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại một số khu vực có mật độ dân cư hiện hữu cao, cũng như tổ chức lập thiết kế đô thị dọc tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh để tăng hiệu quả khai thác nguồn lực.
Về thực tiễn lập và quản lý quy hoạch chung, hiện nay quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tổng thể, thành phố đang khẩn trưởng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch điều chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, thành phố đã thông qua nhiệm vụ đầu bài định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, cơ bản hoàn tất rà soát đánh giá, phối hợp với nhà thầu tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh.
Trong quá trình đó, thành phố đang triển khai một số đồ án quy hoạch lớn, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi. Cụ thể là đồ án quy hoạch Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9, Quận Thủ Đức. Hiện Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có ý kiến thống nhất hướng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu vực trọng điểm trước, trên cơ sở cân đối chỉ tiêu trong từng quận, phù hợp với thẩm quyền của Thành phố. Thành phố đang khẩn trương thực hiện các phần việc về quy hoạch để sớm hoàn thiện và hình thành “hình hài” mô hình “thành phố trong thành phố” này.
Một đồ án quy hoạch quan trọng khác là quy hoạch huyện Cần Giờ liên quan đến vấn đề bảo tồn hệ sinh quyển rừng ngập mặn và đầu tư khu đô thị mới tại đây. UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ, đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến cho phép thành phố thực hiện nghiên cứu, lập điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ song song với quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
Quan trọng không kém quy hoạch Thành phố Thủ Đức, huyện Cần Giờ, các khu đô thị mới là việc lập quy hoạch không gian ngầm. Đây là nội dung mới, nhằm khai thác tối đa nguồn lực không gian đô thị gắn với các công trình hạ tầng lớn. Thành phố đang lập quy hoạch không gian ngầm đô thị tại 2 khu vực trọng điểm gồm khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng (khu 930 ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên hiện nay, việc lập quy hoạch không gian ngầm cũng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục, quy định. Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, nếu chỉ lập riêng 1 đồ án quy hoạch phân khu không gian ngầm Khu trung tâm hiện hữu mở rộng và Khu đô thị mới Thủ Thiêm như dự kiến vừa qua là chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, nhất là khi chưa lập quy hoạch chung không gian ngầm theo quan điểm của Bộ Xây dựng.
Vì thế để tháo gỡ vướng mắc này, đồng thời để đáp ứng việc kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hình thức thi tuyển quy hoạch không gian ngầm cho khu trung tâm hiện hữu mở rộng và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau khi được UBND Thành phố chấp thuận, Sở Quy hoạch và Kiến trúc sẽ lập đề cương, kế hoạch thực hiện và nhiệm vụ đầu bài thi tuyển, Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sẽ bố trí vốn theo kế hoạch.