Ánh trăng xanh

Háo hức đợi chờ có đôi chút lo âu, đó là tâm trạng của Cẩm khi biết mình có tên trong danh sách những đoàn viên ưu tú được ra thăm Trường Sa, do tỉnh Đoàn tổ chức. Cẩm khấp khởi báo tin cho cả nhà biết. Ba Cẩm, bảo: “Có vậy chứ! Thanh niên tụi bay có đi đây đi đó thì cái đầu mới sáng ra, mới thấy biển đảo quê hương mình bao la giàu đẹp”.

Má Cẩm đăm chiêu: “Con gái chân yếu tay mềm, ra biển sóng to gió lớn, chẳng biết có chịu nổi không? Lỡ xảy ra chuyện gì ba má sống sao nổi!”. Cẩm ôm má, nựng nịu: “Má yên tâm, con gái má lớn rồi. Không sao đâu má”. Út, tám tuổi, em gái Cẩm, cười nhe cái răng duyên, ủng hộ: “Má khỏi lo! Chị Cẩm đi biển được mà. Đồng ý cho chị Cẩm đi nghe má!”. Cả nhà cười. Ánh mắt ai cũng lấp lánh niềm vui.


* * *

Theo lịch trình, đoàn của Cẩm lên tàu Hải quân ra Trường Sa. Trên tàu, Cẩm như trôi trong mênh mông của biển. Bồng bềnh, lâng lâng là cảm nhận đầu tiên của Cẩm về biển. Những con sóng bạc đầu nối đuôi nhau chạy về phía chân trời. Những chú cá chim, cá nụ, cá chuồn… bay lên khỏi mặt sóng như chào đón mọi người. Xa xa, cờ Tổ quốc tung bay trên những chiếc tàu đánh cá của bà con ngư dân… Biển đảo quê hương cho Cẩm cảm giác bình yên và tin yêu đến xao lòng.

Minh họa: Trần Thắng



Rời tàu, xuống xuồng máy, đoàn lên đảo. Các anh bộ đội ào ra đón, tay bắt mặt mừng. Ánh mắt ai cũng sáng ngời rạng rỡ.

Cẩm đang lúng túng với đồ đạc lỉnh kỉnh của mình. Chợt có anh đến bên Cẩm, tươi cười:

- Em gái! Để anh mang giúp nghen - Cẩm gật đầu.

Về tới nơi đón tiếp, anh lấy nước cho Cẩm uống, lấy khăn cho Cẩm thấm mồ hôi. Rồi anh thân mật hỏi:

- Em có mệt lắm không? Em tên gì, quê ở đâu?

Cẩm ngước nhìn, thấy anh đẹp trai, trẻ trung, vạm vỡ. Ánh mắt anh sao mà gần gụi, sáng trong và tin yêu đến vậy:

- Em tên Cẩm. Quê Cần Thơ. Còn anh?

- Anh tên Tú. Quê Bình Thủy nè! Gặp đồng hương rồi nha! Em tên Cẩm, anh tên Tú. Hợp lại thành Cẩm Tú. Cẩm tú là một loại hoa đó em. Cẩm tú còn có tên: cẩm tú cầu. Cẩm tú cầu có nhiều màu sắc, nhưng anh thích nhất màu tím, nó tượng trưng cho tình yêu, tuổi trẻ… - Giọng anh nói như reo trong sóng biển xanh.

Sáng hôm sau, đoàn được anh Tú và mấy anh hướng dẫn đi thăm quan trên đảo. Đảo giờ đã khác. Ngoài màu xanh của những cây bàng vuông, cây phong ba… giờ đây còn có màu xanh của xoài, của dừa, của rau xanh các loại… Tất cả cho Cẩm cảm giác gần gụi, ấm áp như ở quê nhà. Cẩm hỏi Tú về cây bàng vuông. Anh chỉ cho Cẩm cây bàng vuông cội, cành lá xum xuê. Không thể tin vào mắt mình. Cây có thân cành vững chãi, thớ cây gồ lên vặn xoắn vào nhau như bắp thịt săn chắc nổi lên trên vồng ngực, trên cánh tay của những người lính đảo. Lá mọc từng chùm, nhưng nhỏ và dày dặn hơn lá bàng ở đất liền. Thấp thoáng trong nách lá, những chùm nụ và bông tựa như bông bưởi. Nhiều bông đã nở, năm cánh trắng ngự trên đài hoa màu xanh. Tú chỉ cho Cẩm thấy mấy trái bàng vuông. Chợt nhớ lời Út dặn, Cẩm bảo bữa nào em về, nhờ anh Tú hái cho mấy trái bàng vuông mang về làm quà cho Út.


* * *

Tối giao lưu diễn ra sôi nổi và hấp dẫn. Các anh kể về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn mà hàng ngày những người lính đảo phải vượt qua. Các anh nói, các anh luôn nêu cao cảnh giác, bình tĩnh và khôn khéo ngăn chặn và đối phó kịp thời với những tàu thuyền nước ngoài ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta, nhưng phải giữ được hòa khí và tình hữu nghị bốn phương...

Đến phần kể chuyện quê hương, với chất giọng dịu dàng và lôi cuốn, Cẩm kể:

Thưa thủ trưởng, thưa các đồng chí!

Em tự giới thiệu: Em tên Cẩm, hai ba tuổi, giáo viên tiểu học. Em xin kể dăm ba câu chuyện bình thường và giản dị của bà con cô bác ở đất liền, ngày đêm luôn hướng ra biển đảo thân yêu.

Khi hay tin em được ra Trường Sa thăm các anh, bà con xóm ấp đến động viên, thăm hỏi, gởi quà… Mấy ngày nhà em đầy ắp tiếng nói, cười.

Bà Năm, tổ trưởng phụ nữ, run run trao cho em bọc quà, dặn: “Má gửi con Cẩm mười cái khăn rằn ra ngoài đó cho tụi nó tắm. Nghe ngoài đó nước ngọt khan hiếm, phải tiết kiệm từng xô, từng chén. Tắm rửa qua loa. Nghĩ mà thương tụi nó quá trời”.

Dì Tám dúi vô tay em giỏ xách. Dì dặn đi dặn lại: “Trong túi có năm bọc hạt rau giống, mỗi bọc một kylô, dì đã ghi tên từng loại rau ở ngoài vỏ bọc. Khổ thân tụi nó, nghe nói ngoài đó trồng rau trong khay, trong chậu, trong hộp. Mấy đảo lớn còn còn đỡ, chứ mấy đảo chìm, mấy Nhà giàn DK gì đó, quanh năm tụi nó ăn rau khô, rau muối, rau ướp… xót ruột lắm. Bụng dạ nào chịu cho thấu!”.

Bà Mai ước ao: “Giá mà con Cẩm mang được, các dì các má sẽ nấu bánh tét, bánh chưng, bánh ú… mang ra cho tụi nó, để tụi nó đỡ nhớ quê hương”.

Ông Tư là thương binh, nãy giờ ngồi uống trà với ba em, giờ mới thủng thẳng lên tiếng, kêu em lại gần. Ông loay hoay móc mãi trong cái bót ra được tám trăm ngàn đồng. Ông bảo: “Cẩm mua giúp bác tám cái thẻ nạp điện thoại mang ra đảo tặng mấy cậu tân binh nghen. Các cậu lính mới ra đảo là nhớ nhà lắm đấy! Để họ gọi về cho cha mẹ, bạn bè. Mà nhớ mua của Vietten nghe. Hình như ở ngoài đó mới chỉ dùng được loại thẻ này nha!”. Em định từ chối, nhưng không nỡ. Tám cái thẻ đem ra, rồi anh có, anh không, thấy cũng bất tiện. Với lại ông cũng có dư dả gì, thương binh, tuổi cao, sức yếu! Nhưng thôi, của ít lòng nhiều! Quý là ở tấm lòng”.

Ba em nãy giờ ngồi trầm tư, bỗng ông mở lời: “Mấy ông mấy bà giành hết phần tôi sao! Để tôi có cái gì gởi ra cho tụi nó chớ”. Ba em nhẹ nhàng mở cánh tủ thờ, lấy ra cái hộp, nói: “Mọi người đoán coi, tôi gởi cho tụi nó cái gì nào?”. Những cặp mắt ngơ ngác nhìn nhau. Ba em tủm tỉm: “Tôi gửi cho tụi nó cái tông đơ mới cáo, nó tự động chạy bằng điện hoặc pin nha. Và một bọc lưỡi lam nè. Để tụi nó hớt tóc, cạo râu cho nhau được dễ dàng, tiện lợi. Chớ ngoài đó làm gì có tiệm mà hớt tóc. Con Cẩm có mang được, ba gởi cho tụi nó một can rượu nếp và mồi nữa nghe”. Tất cả cười ồ: “Ông thiệt tâm lý và sâu sắc”. Má em, bảo: “Ông nhà tôi chỉ nghĩ đến rượu, đến râu tóc, chứ có nghĩ được cái gì hay ho đâu mà tâm lý, mà sâu sắc”.

Thưa các anh! Em xin kể tiếp:

Mọi người ra về, trăng đầu tuần đã lấp ló ngọn cây. Em thấy bồn chồn, khấp khởi… Bởi có lẽ đây là lần đầu em đi biển, và cũng là lần đầu tiên em được ra thăm các anh bộ đội Trường Sa: Nơi những cánh hải âu bồng bềnh trong ánh bình mình. Nơi những cánh rừng san hô muôn màu đang khoe sắc trong lòng đại dương. Nơi khát vọng và ước mơ ngàn đời của cha ông và con cháu. Nơi những ánh mắt sáng ngời, những gương mặt trẻ trung, kiên nghị, những bộ ngực săn chắc đang ngày đêm bảo vệ phên giậu quốc gia. Nơi lá cờ Tổ quốc ung dung, tự tại và kiêu hãnh tung bay trong ánh bình minh. Nơi những ngọn hải đăng đêm đêm lung linh tỏa sáng, dẫn đường cho những con tàu bốn phương qua lại… Em hình dung. Em tưởng tượng… Và em thiếp đi trong nhịp đêm thao thức và mơ mộng lúc nào không hay.

Trước ngày lên đường, chẳng hiểu sao, đôi tay em cứ lúng túng, vụng về xếp từng phần quà vô chiếc ba lô con cóc phồng căng và cái cặp da đầy ắp. Bỗng em nghe tiếng í ới của mấy cô bạn ngoài ngõ. Rồi mấy cô ùa vô như làn gió mùa xuân: “Cẩm, mai đi hử. Cho tụi tao gửi quà tặng mấy anh ngoài đó nghe”. Em bảo: “Gửi gì gọn nhẹ thôi, chúng mày coi, ba lô, túi xách đầy căng cả rồi”. “Cẩm khỏi lo! Quà tình cảm… nên nhẹ như cánh én, nhẹ như hương xuân thôi mà”. Em ngạc nhiên: “Bữa nay tụi bay ăn nói văn vẻ quá ta”. Chúng cười, rồi dúi vào tay em một tệp bao thư ngỏ (bao thư không dán). “Trong đó là những bức thư, những tấm hình của tụi tao gởi tặng các chiến sĩ Trường Sa đấy”. Em phân vân bảo: “Ra ngoài đó, tao biết tặng anh nào. Người có, người không sao đặng!”. “Thôi, Cẩm cứ tặng đại đi mà. Giống như bao li xì, may anh nào anh đó được. Ra đó thấy anh nào đẹp trai, Cẩm rủ về đây làm rể nghe”. Chúng đấm lưng nhau, cười khúc khích. Chúng ra về, những tà áo dịu dàng bay, trông giống như những cánh én mùa xuân.

Rồi em bỗng giật mình khi nhận ra: em chưa có quà gì tặng các anh. Em là đứa vô tâm vậy sao! Không hẳn vậy đâu! Em gái sẽ có quà tặng các anh ngay đây. Các anh có biết quà của em là quà gì không?”.

Mấy anh tranh nhau nói:

- Một lá thư? Một nụ hôn? Một bài ca?...

- Trúng rồi, quà của em là một bài ca về biển đảo. Bài: “Gần lắm Trường Sa”. Giọng em chưa thiệt hay, mong các anh thông cảm.

Bất ngờ Cẩm bắt gặp ánh mắt động viên và khích lệ của Tú. Cẩm bình tĩnh lấy hơi. Giai điệu cất lên vừa tha thiết trong sáng, vừa da diết trữ tình. Đến điệp khúc: “…Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Cẩm dồn cảm xúc cho điệp khúc nầy. Cả hội trường lặng đi trong xúc động. Sóng biển dường như cũng lặng đi... Lặng đi tới mức Cẩm có thể nghe rõ nhịp tim mình đang đập… Bài ca vừa dứt. Các anh ào lên chúc mừng. Anh bắt tay. Anh tặng hoa. Có anh hồn nhiên tặng Cẩm cái hôn trên má… Cẩm cũng lặng đi vì xúc động và hạnh phúc. Cẩm không ngờ bài hát lại có sức rung cảm, lan tỏa và lay động đến vậy.

Cuối buổi giao lưu, anh Hùng nói. Giọng anh đầy xúc động: “Thay mặt cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tôi chân thành cám ơn đoàn, cám ơn bà con cô bác ở quê hương đã gửi quà tặng. Những người lính đảo chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe bạn Cẩm kể về nhỏ Út gửi tặng các chú bộ đội hộp màu để vẽ. Các cô gái gửi tặng các chiến sĩ những lá thư, những tấm hình đầy tình cảm sáng trong và lãng mạn. Các ba, các má gởi cho chúng tôi những tấm khăn rằn ấm áp; những chiếc thẻ nạp điện thoại nghĩa tình; những hộp lưỡi lam, chiếc tông đơ thiết thực; những bọc hạt rau giống ngọt ngào… Với sự quan tâm sâu sắc, sự chăm lo chu đáo và tình thương yêu vô bờ của quê hương đã và đang dành cho Trường Sa, hướng ra Trường Sa. Đó mới là điều mà người lính nơi đầu sóng ngọn gió quý hơn cả, cần hơn cả…”.


* * *

Đêm chia tay, Cẩm và Tú đi bên nhau trên bãi cát vàng sóng sánh ánh trăng. Tú trao cho Cẩm bọc nhỏ, trong đó có mấy trái bàng vuông. Tú bảo mang về làm quà cho Út, kẻo em nó mong…

Tú chợt dừng bước, cầm tay Cẩm, nói trong ánh trắng lấp loáng:

- Mai Cẩm về đất liền, Cẩm có nhớ những người lính đảo không?

Cẩm chưa biết nói sao, thì bắt gặp ánh trăng xanh đầy ắp trong mắt Tú. Cẩm thấy lòng ấm áp, dịu dàng và xao xuyến… Cẩm nhỏ nhẹ:

- Không riêng em, mà cả quê hương nhớ các anh, nhớ biển đảo. Khi nào về phép, anh nhớ tới thăm nhà em nghe!

- Nhớ! Nhớ! Anh sẽ về thăm em, thăm hai bác. Cẩm này… đêm qua anh mơ, có một cô gái tặng anh bông cẩm tú cầu. Bông có sắc tím thùy mị, đoan trang. Có hương thơm thoang thoảng. Bông tượng trưng cho tuổi trẻ, cho hạnh phúc lứa đôi… Làm anh thao thức, bồn chồn tới sáng…

- Anh Tú thiệt lãng mạn và khéo tưởng tượng quá trời”.

Bất ngờ, Cẩm và Tú cùng khúc khích cười. Tiếng cười đẫm ánh trăng xanh…

Phạm Văn Thúy
Mẹ cài hoa trắng
Mẹ cài hoa trắng

Hắn là tử tù do giây phút bốc đồng đã đoạt mấy mạng người một lúc. Trả thù. Đó là cách nghĩ của hắn. Hắn thù vì người cha không thể trao cuộc đời con gái mình cho một đứa cù bất cù bơ, không nghề nghiệp, không cửa nhà như hắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN