Bùa yêu

Mùa xuân năm trước tôi cùng 2 chiến sĩ được ban chỉ huy đồn cử về bản Nậm Giàng “3 cùng”. Trước khi lên đường, chúng tôi được tranh thủ về nhà mấy ngày.

Biết tôi sắp lên công tác ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), lại vào sống cùng đồng bào người Mông, mẹ tôi lo lắm. Mẹ hết đi ra lại đi vào, rồi kéo tôi ngồi xuống chõng tre, dặn dò:

- Con lên với đồng bào trên đó, nhớ cẩn thận con ạ. Đồng bào Mông thật thà, chất phác, nhưng con gái Mông là hay bỏ bùa yêu lắm đấy. Mẹ cũng chẳng biết bùa ngải nó ra làm sao, nhưng nghe nói ai đã bị người nào bỏ bùa yêu thì phải gắn bó cả đời với người đó, chẳng còn nhớ đường về nhà nữa đâu!

- Nhưng con trai mẹ chưa có người yêu cơ mà! - Tôi tủm tỉm cười - Biết đâu lên trên đó, người ta bỏ bùa yêu cho con, con lại kiếm được nàng dâu vừa đẹp, vừa giòn về cho mẹ!

- Cha bố anh! - Mẹ cốc vào đầu tôi, mắng yêu - Được cái lí sự với mẹ thì chẳng ai bằng. Mà lớn tướng rồi cũng phải nhanh nhanh kiếm vợ để mẹ sớm có cháu bồng chứ. Dưng mà, còn cái chuyện bùa yêu, cẩn thận vẫn hơn con ạ!

Là sĩ quan Biên phòng, tôi chẳng tin gì chuyện bùa ngải. Nhưng khi cùng đồng đội lên đường lên Nậm Giàng, cái chuyện mẹ nói cứ lảng vảng trong đầu tôi. Đến bản, công việc của tổ công tác bận bịu cả ngày. Nào vận động dân bản làm vệ sinh, hướng dẫn bà con ngủ màn, làm lúa nước, nắn dòng suối làm ao nuôi cá, trồng vải thiều, trồng cây Pơ-mu... Rồi thành lập mỗi bản một trung đội dân quân… Tôi quên khuấy cái chuyện bùa yêu.

Hết tuần thứ nhất, khi mọi việc trong bản đã hòm hòm, chúng tôi bắt đầu mở lớp dạy chữ cho dân bản. Bởi qua mấy ngày sống với bà con, chúng tôi thấy dân bản hầu hết đã tái mù. Cộng tác viên đắc lực trong việc mở lớp có cô Y Mai con gái trưởng bản. Y Mai xinh tươi như một đóa hoa rừng vừa chúm chím nở, nụ cười sơn cước bao giờ cũng bẽn lẽn trên môi. Mới 18 tuổi, vậy mà ngay ngày bản thành lập trung đội dân quân, người già, thanh niên trong bản đều nhất trí bầu Y Mai làm trung đội trưởng. Khi các Chư Xểnh (trưởng họ) và trưởng bản đồng ý mở lớp học, Y Mai lại được bầu làm trưởng lớp. Y Mai ham học lắm. Mỗi khi đứng trên bục giảng bài, nhìn xuống, tôi cứ thấy đôi mắt Y Mai tròn xoe như mắt nai, vừa ngơ ngác, vừa trong trẻo như nuốt từng lời thầy. Một lần, khi tôi viết câu “con đường nghiêng nghiêng bò bên nương rẫy” lên bảng, Y Mai bỏ bút nhìn tôi:

- Úi! Thầy giáo viết “con đường bò bên nương rẫy” thì Y Mai biết rồi. Đúng là nhìn con đường nó bò giống con rắn bò đó lớ! Nhưng có cái từ “nghiêng” này thì dài quá lớ. Đến những 7 cái chữ ghép lại. Khó viết đúng quá lớ!

Rồi em nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi trông thật trẻ con. Tôi bật cười đi đến phía sau Y Mai, cúi xuống đưa tay qua vai em để viết chữ “nghiêng” làm mẫu lên trang vở của em. Khi tôi cúi xuống sát đầu Y Mai, một mùi hương dìu dịu, tỏa ra làm tôi ngây ngất. Mùi hương hình như tôi đã gặp đâu đó trên đường tuần tra tỏa ra từ những đóa hoa rừng trong những sớm mai tinh khiết…

Từ hôm đó, mỗi khi lên lớp, không hiểu sao tôi giảng bài rất say sưa, lưu loát. Những ngày tổ công tác cùng ra rẫy hay đi tuần tra với dân quân bản, bao giờ Y Mai cũng xung phong đi trước dẫn đường. Mùi hương nhè nhẹ tỏa ra từ mái tóc em. Chiếc quai súng CKC hằn sâu vào bờ vai tròn lẳn ướt đẫm mồ hôi của em ngay trước mặt, cứ mỗi ngày qua trở thành nỗi nhớ trong tôi. Hình như có điều gì lạ lắm trong ánh mắt của tôi và Y Mai khi bất chợt nhìn nhau. Một hôm tổ dân quân bản cùng chúng tôi phục kích một bọn buôn lậu thuốc phiện lẻn qua biên giới. Hôm đó Y Mai được phân công chỉ huy bộ phận ở nhà. Đến giờ lên lớp, nhưng tôi đang bận chỉ huy không về được, Y Mai liền chủ động ra “đứng” lớp. Em giải thích với mọi người là bữa nay lớp trưởng được thầy nhờ phụ trách lớp cho học viên ôn bài cũ. Cuối buổi, Y Mai còn ra đề bài tập viết, tập làm toán cho lớp ôn luyện nữa. Về đến bản, biết chuyện, tôi vừa bất ngờ vừa xúc động chạy đi tìm em. Y Mai đang giặt áo bên bờ suối. Tôi lập cập nói với em:

- Cảm ơn Y Mai quá! Không có Y Mai bữa nay tôi đã bị “cháy lớp” rồi! Y Mai giỏi lắm, làm được cô giáo rồi đấy! Em học để làm cô giáo đi thôi!

Nghe tôi nói, Y Mai đỏ bừng mặt, lấy tay khoát nước tung tóe lên người tôi, chạy ù đi…

Ba tháng công tác qua nhanh như sương mù buổi sáng ngày có nắng trên bản Nậm Giàng. Ngày tổ công tác về đơn vị đã đến. Đêm ấy chúng tôi chia nhau đến từng nhà chào dân bản. Ai cũng bất ngờ khi thấy người già thì sụt sịt, trẻ con thì lặng lẽ như người già. Còn đám thanh niên, người nào, người nấy mắt đỏ hoe. Khi tôi cầm tay Y Mai nói lời tạm biệt, đôi mắt nai tròn của em thăm thẳm như bầu trời đêm biên cương, nhìn tôi đăm đắm:

- Bộ đội Biên phòng ơi! Y Mai sẽ nghe lời bộ đội đi học làm cô giáo. Người Mông cũng cần cái chữ để cho sáng cái bụng làm được nhiều việc như bộ đội, như người Kinh, người Thái, người Thổ mà!

Sáng hôm sau chúng tôi lên đường về đơn vị. Chốc chốc 3 chúng tôi đứng lại nhìn về phía bản Nậm Giàng, nhìn xa như những hộp diêm đang chìm dần trong mây mù. Lòng tôi trào lên một tình cảm thật khó tả. Hình như có một nỗi nhớ đang bùng cháy giữa trái tim. Nỗi nhớ đến da diết cái bản nơi đỉnh núi mây mờ giăng mắc. Ở đó có đôi mắt nai tròn thăm thẳm của em trên lớp học; có mùi hương tinh khiết đến ngây ngất như sương buổi sớm giữa rừng; có bờ vai ướt đẫm mồ hôi hằn dây khẩu súng trường lấp lóa trước mặt tôi những buổi tuần tra, những lúc cùng nhau ra rẫy… Ở đó… có… Có phải tôi đã yêu cái rừng, cái núi, cái bản làng ở đó, đã yêu… em rồi không?!

*
*              *
Cuối hè năm ấy tôi đến trường Sư phạm miền núi Nghệ An đón Y Mai về “trình diện” mẹ. Mẹ xét nét nhìn Y Mai từ khuôn mặt, dáng đi. Vừa nhìn, mẹ vừa gật gật đầu:

- Ôi chao! Con bé xinh xinh tệ! Hèn chi tôi thấy anh cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ như ai bắt mất hồn. Bao giờ thì anh cho mẹ mời bà con làng xóm ăn trầu, uống rượu đấy, hử?

- Mẹ ơi! Chúng con đã hẹn với nhau rồi. Đợi Y Mai thành cô giáo đã chúng con mới dám thưa chuyện với mẹ. Khi cưới xong, con sẽ trở về đồn, nhưng chúng con xin phép mẹ cho Y Mai về dạy chữ cho dân bản trên ấy. Đồng bào Mông đang cần cái chữ lắm mẹ ạ. Hàng năm đến dịp nghỉ hè, con sẽ xin nghỉ phép, chúng con cùng về với mẹ. Được không hở mẹ?

Rồi tôi ôm vai mẹ, bồi hồi:

- Con trai mẹ bị con gái người Mông bỏ bùa yêu mất rồi, mẹ ơi! Nhưng chẳng phải bùa yêu ngày nào mẹ kể cho con nghe đâu. Thứ bùa yêu này tự nó đến từ cuộc đời, tự nó đến từ trong cuộc sống đầy gian khổ và cũng đầy yêu thương của người lính chúng con đó, mẹ ạ!

Mẹ cười rạng rỡ, mắng yêu tôi:

- Cha bố anh! Anh dạy khôn tôi đấy hử? Bùa với chả ngải! Con bé xinh xắn lại đoan trang thục nữ thế, đến mẹ cũng còn yêu nữa là… anh…!
Truyện ngắn Đặng Hoàng Thám
Quà muộn
Quà muộn

Bà Ngọc yêu hoa, đặc biệt là hoa hồng. Biết mẹ mình si mê hoa, Tuấn, cậu con trai duy nhất của bà đã cho người “gọt” một phần của ngôi nhà để làm khu vườn hoa cho mẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN