Cành đào Tết

Tôi có giờ dạy cuối ngày nên khi về đến nhà trời đã nhá nhem tối. Vừa ngồi xuống mâm còn chưa kịp ăn đã thấy tiếng Tâm réo ngoài cổng.


-Anh Hiền ơi, có nhà không?

 

Minh họa: Trần Thắng


Tâm là con Dì út họ ngoại tôi. Chắc lại có điều gì hệ trọng lắm mới tìm tôi giờ này. Thường thì bên ấy có việc gì lớn hay tâm sự riêng cũng vẫn hay hỏi ý kiến tôi. Có lẽ vì tôi hơn tuổi lại dạy học gần nhà. Tôi gọi với ra:


- Cứ đẩy cổng mà vào, anh vừa về đây.


Tâm ào vào nhà nói trống không, giọng bực bội cộc cằn:


- Thằng Thứ được đặc xá rồi. Tôi giật mình như chưa tin lắm. Hỏi lại:


- Thật hả? sao nhanh thế? Câu hỏi thừa của tôi đã làm Tâm bực giận.


- Thật chứ lại không? Đấy anh xem mới hai năm nó đã được ra. Cuối cùng chỉ có mình là thiệt. Cái chân đóng đinh giờ vẫn còn đau. Mấy triệu bạc nó bồi thường không bõ, chẳng làm được việc nặng.


Đúng là từ ngày bị gẫy chân Tâm yếu hẳn. Tôi an ủi.


- Có thể nó cải tạo tốt nên được ra sớm!Tâm đốp lại:


- Tốt cái con khỉ. Em còn lạ gì thằng ấy. Có khi nó dúi tiền cho cán bộ cũng nên. Tôi thấy ngờ ngợ trong câu nói ấy.


Thời buổi còn nhiều tiêu cực chưa thể chống hết được. Ngành nào cũng có chuyện. Công an giao thông thì ăn chặn của lái xe. Công an điều tra thì chạy theo thành tích để bao nhiêu người bị oan sai khổ lụy. Ngành y tế bác sĩ vứt xác phi tang bệnh nhân. Thủy điện thì xả lũ bừa bãi làm hại biết bao dân tình. Rồi ngành văn học tưởng cao sang mà cũng bè phái khen nịnh, tung hô. Nghĩ mà đau lòng. Ngay cái ngành giáo dục của tôi cũng đầy bê bối.


Ngay nhà tôi, đứa cháu con bà chị tôi thi vào cấp ba thiếu một điểm. Chị tôi bảo tôi xin cho cháu, nhưng tôi là giáo viên cấp hai, đành chịu. Thế rồi không hiểu sao chị tôi chạy cửa nào mà cháu tôi ung dung ngồi hệ A. Chị tôi bảo: " Vứt ra vài chục triệu là xong béng. Ngành giáo dục của các cậu cũng chỉ là dạy đếm tiền” Nghe giọng cười của anh chị mà tôi lạnh buốt lòng. Anh rể tôi là cán bộ thanh tra tỉnh thì nói: "Xin cho con cháu đi học thì việc gì phải xấu hổ. Được lo cho con cháu là niềm hạnh phúc và tự hào. Mà đây là xin cho nó đi học chứ không phải xin nó vào trường để phá hại hay để ăn chặn của ai đâu?. Tôi thấy anh mình nói cũng có lý. Dù sao cháu tôi cũng được đi học chứ không đến nỗi ở nhà đi xách vữa rồi lại lao vào nghiện ngập. Nếu Thứ đút tiền để được ra tù sớm rồi làm người tốt có ích cho xã hội thì cuộc sống này tươi đẹp biết bao.


Tôi nói với Tâm:


- Chú đừng nghĩ nhiều thế. Việc gì cũng phải có bằng chứng.


Xét cho một người tù được đặc xá nghe nói cũng phải qua mấy cấp. Anh không phải chuyên ngành ấy, không biết hết. Nhưng anh nghĩ nó phải như thế. Không đơn giản đâu.


Tâm vẫn hậm hực. Cậu ta không thèm chào tôi mà về ngay.


Sự việc Thứ được đặc xá gây xôn xao cả làng. Người ta tụm năm túm ba xì xào bàn tán thêu dệt đủ chuyện. Mới sáng sớm cái chợ dưới gốc xanh của làng đã ầm ào không thiếu chuyện gì là không được lôi ra. Mới tờ mờ sáng mà tiếng người huyên náo. Sự việc Thứ được đặc xá còn gây nên sự căng thẳng giữa hai họ.


Họ nhà Tâm thì thực sự bất bình cay cú. Nhiều người trong làng vốn không ưa họ nhà Thứ hay chỉ là thầy rùi. Họ tập trung bên nhà Tâm bàn tán rồi xui Tâm làm đơn kiện lên trên. Có lần vợ Tâm kể với tôi:


- Hôm nay em gặp thằng Thứ, nó chào em. Em không trả lời. Em rủa nó một câu "Quân vũ phu" vậy mà nó chẳng nói gì. Kể cũng lạ.


Tiếng nói của vợ Tâm đầy vẻ hoài nghi.


Trong lúc họ hàng nhà Tâm cay tức thì họ mạc nhà Thứ lại vui mừng ra mặt. Em trai Thứ công khai nói với mọi người: "Chẳng làm gì được anh tao... thí cho chúng nó mấy chục triệu. Coi như đi nghỉ mát mấy năm…


Tâm nghe kể thế thì phát khùng lên. Nói: "Chắc cả nhà chúng muốn đi tù chăng, mà cần chơi thì chơi...".


Chẳng biết Tâm cần chơi kiểu gì mà tôi lo quá!


Hai họ căng thẳng mất một dạo. Thời gian êm ả trôi đi. Cuộc sống nhiều bấp bênh bởi kinh tế và bệnh tật cứ ám ảnh người dân...


Từ ngày được ra tù người ta không thấy Thứ ra đường mấy khi. Nhà cậu ta ở cuối làng, đất chuyển đổi rộng nên không mấy người lai vãng đến. Tâm thì hoang mang, lo lắng ra mặt. Cậu ta sợ Thứ bất ngờ hại mình. Nhiều kẻ mới ra tù đã phạm tội giết người không thiếu gì. Mà cũng đúng thôi. Xung quanh cuộc sống trong tù là những kẻ phạm tội. Những người ấy chắc nhiễm phải thói xấu tù nhân ."Đúng là gần mực thì đen". Từ xưa đến nay nhiều phạm nhân được đặc xá hôm trước thì hôm sau lại phạm tội giết người. Những trường hợp ấy thì trăm phần trăm là đút tiền để ra tù chăng? Nghĩ vậy tôi cũng có chung tâm trạng sợ ấy với Tâm. Nhưng rồi tôi vẫn gạt đi mà bảo Tâm:


- Có thể nó mặc cảm nên không muốn gặp ai. Thôi, chú cứ tránh đi là tốt nhất.


*
* *


Thực ra chuyện xô xát giữa Tâm và Thứ bước đầu cũng rất đơn giản.


Năm ấy Thứ mới 20 tuổi. Cậu ta mới theo học lớp võ thuật karate ở phố huyện về. Tính nóng nảy lại thích ăn chơi. Người làng vẫn gọi là Thứ Nhầy.

Tính khí ngang ngược thích là được của con nhà giầu...


Tâm thì mới đi học nghề sửa chữa xe máy về làng mở cửa hiệu làm ngay ngã ba làng. Cậu ta thích chơi đào thế ngày Tết. Có những năm khi con cái còn chưa có bộ quần áo Tết nhưng Tâm sẵn sàng bỏ ra cả vài triệu bạc để mua đào. Tâm thường bảo "Ngày Tết mà ban thờ không có hoa đào thì cỗ to đến mấy cũng vứt. Cảm giác ánh sáng trong nhà cũng mờ nhạt, không ra Tết”.


Hôm ấy chiều ba mươi Tết Tâm sang nhà ông Xùng cùng xóm để lấy cây đào đã đặt cọc từ trước. Tâm bảo với tôi: "Mua đào nên mua tại vườn để chiều ba mươi lấy sẽ tươi hơn và đỡ bị rụng nụ hoa”.


Chiều hôm ấy hoa đào cháy chợ. Mọi người đổ dồn về các vườn đào hiếm hoi quanh khu vực vơ vét những cành còn lại. Trong đám người ấy có Thứ. Thứ ngang nhiên bê cây đào mà Tâm đã đặt cọc vì nghĩ mình trả nhiều tiền hơn.


Ông Xùng lại là người nhà Thứ thành ra không nói được gì. Hai bên giằng co nhau mãi. Cuối cùng Tâm nhảy qua mương nước vào vườn bê thốc cây đào về. Không may khi ra cổng vườn hẹp, cành đào xòe ra. Tâm lựa xoay cành đào chọc đúng vào mặt Thứ. Bất giác Thứ lùi lại, đụng chiếc xe máy dựng nghiêng bên vệ cỏ đổ kềnh. Chỉ đợi có thế Thứ gầm lên, lao vào Tâm đấm đá túi bụi. Mấy ngón đòn hiểm mới được học có chỗ thể hiện. Cú song cước cuối cùng làm Tâm đập mặt xuống mặt đường. Cây bích đào gẫy nát. Thứ vội lên xe định phóng đi. Vừa lúc ông Xùng lao ra chặn lại, Thứ gạt tay.

Chiếc xe Min khờ rồ máy lao đi chẹn qua hai chân Tâm làm gẫy hai xương ống chân.


Thứ bị buộc tội cố ý đánh người thành thương và phá hoại tài sản công dân với mức án 6 năm tù giam.


Câu chuyện buồn ấy trôi qua được hơn hai năm nay. Thứ đã phải trả giá. Họ nhà Tâm đang nguôi ngoai phần nào thì bỗng dưng Thứ được ra tù sớm làm mọi người hoang mang.


*
* *


Nạn dạy thêm và lo hồ sơ kiểm tra toàn diện đã cuốn của tôi bao nhiêu thời gian. Mới đấy mà đã gần hết năm. Mọi việc dù cay đắng hay đau đớn đều phải qua đi. Mùa xuân vẫn đến, muôn hoa vẫn nở.


Cho đến một hôm vào ngày áp Tết. Tâm tới tôi chơi với vẻ mặt buồn rười rượi. Sợ có chuyện gì tôi vội hỏi:


- Làm sao mà chú ỉu xìu thế?


Năm nay nhà em xịt rồi. Tưởng trồng đào dễ ai ngờ cũng khó lắm anh ạ. Cây bích đào giờ này đã nở hết hoa. Thời tiết ấm quá, em không biết cách hãm, lại tưới đầy nước vào. Tưởng chăm chút thế là được ... ai ngờ?


Giọng ngao ngán chán nản Tâm nói tiếp:


- Có lẽ năm nay bàn thờ nhà em không có hoa đào. Các cháu ăn học tốn kém quá. Muốn mua cũng chẳng có tiền".


Nghe Tâm nói vậy và nghĩ đến sở trường của cậu ta tôi động viên:


- Thì chú hãy nghỉ một năm. Chơi hoa cúc hay hoa hải đường thay vào cũng được chứ sao?


- Nói như anh thế thì còn gì là ngày Tết. Mỗi năm hoa đào chỉ nở có một lần. Trong nhà có cành hoa đào nó sáng ngôi nhà lên...


*
* *


Tết đã đến thật, hương xuân vừa lạ lẫm vừa thân quen. Ngõ xóm xôn xao từ gần một tháng nay. Mùi vị của mùa xuân tỏa đi khắp ngõ quê.


Chiều 30 Tết tôi đang sửa soạn để cúng tất niên. Chợt thấy vợ Tâm hớt hải chạy vào, nói không rõ tiếng:


- Anh, có thấy nhà em đâu không?... Anh em thằng Thứ đến...


Không để vợ Tâm nói hết câu tôi vớ vội chiếc xe, đạp ngay đến nhà Tâm. Lòng lo nghĩ vẩn vơ: Nếu Thứ có âm mưu gì với Tâm thì sao? Vừa đến cổng tôi đã gọi thật to để lấy uy.


- Tâm ơi.... có chuyện gì đấy? Vừa cất tiếng gọi tôi sững người vì nhìn thấy anh em Thứ đang đứng giữa sân.


Bên chiếc xe máy là cây đào thế rất đẹp. Phải nói rằng, cây đào được uốn tỉa công phu và rất có nghề. Thân đào nằm ngang bật lên hai nhánh. Nhánh to đã sắp bung hoa. Nhánh nhỏ nụ chi chít, đỏ rực. Tôi đã xem nhiều kiểu tạo thế đào. Tôi biết đây là thế "Huynh đệ". Nhìn những nụ đào tròn căng chi chít đợi giao thừa là nhất loạt bung hoa. Cảm giác đã thấy hương mùa xuân ấm áp ùa ra ngập tràn không gian.


Tôi còn chưa nói gì thì Tâm cũng vừa về đến nơi. Thấy chúng tôi, Thứ chào và nói luôn:


- Từ ngày em học được nghề trong trại giam nên khi ra tù lao vào làm ăn nên chẳng đi đến đâu. Năm nay thắng đậm vườn đào em mang biếu anh chị Tâm một cây chơi Tết. Đây là cây đào tự tay em uốn tạo....


Thứ không nói hết câu nhưng ai cũng hiểu điều anh ta định nói. Tôi và Tâm lặng người không nói được gì. Giây phút xúc động khiến tất cả nước mắt long lanh. Tôi kéo tay Tâm và Thứ đặt lên nhau. Hai bàn tay từ từ nắm chặt lại. Màu hoa đào ửng hồng lên khuôn mặt mọi người. Gió xuân sớm mơn man, mơn man Những cánh hoa đào nở sớm lay lay động. Ôi ...tình người đẹp như hoa xuân.

Nguyễn Khắc Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN