Đêm mùa hè, gió nồm nam thổi mát rượi. Ngồi bên Hùng, có đoàn cán bộ của Viện Sinh thái nước Nga. Họ gồm ba người, hai nam một nữ: Tanhia, Vôva và Vadim. Tất cả đều là tiến sĩ. Họ sang đây công tác ba tháng. Một tháng ở phía Bắc, hai tháng ở phía Nam. Hôm nay họ có mặt ở Mũi Né này. Anh chàng Vôva vui tính tò mò hỏi Hùng : “ Mũi Né nghĩa là gì anh Hùng”. “ Mũi Né nghĩa là mũi tránh”. Vôva dồn tiếp: “ Mũi tránh nghĩa là gì?”. “ Mũi tránh tựa như khi đi đường gặp phải ông Zin ba cầu thì phải né đi’’. Vôva ôm bụng cười, miệng nói: “ Thế thì là đèn cù, mũi tránh lại thành Mũi Né rồi”. Vôva là Tiến sĩ Sinh thái nhưng lại có năng khiếu ngoại ngữ. Cậu ta học tiếng Việt rất giỏi. Hiểu được cả một số từ địa phương, cổ ngữ mà ngay cả người Việt cũng không dễ biết.
Đoàn công tác đến Mũi Né lúc 8 giờ tối, các bạn Nga lấy rượu Vốtka mang từ nhà sang đãi khách. Hùng gọi món nem Sài Gòn đặc trưng và món sò huyết miền Trung. Món sò này rất ngon và bổ. Nó là loại hải sản: Chồng nhắm vợ khen. Nhưng để nó há miệng, hoàn toàn không hề dễ, đối với người mới ăn lần đầu. Móng tay bạn dù khoẻ, dù cứng đến đâu cũng khó bắt được sò há miệng. Phải biết công nghệ bóc tách nó. Nghe như là bóc tách vỉa than, chứ có ai ngờ công nghệ ấy chỉ là một động tác vuốt nhẹ vào miệng sò, nhẹ như vuốt má người yêu, là nó há ngay ra. Đúng là chuyện thật như đùa. Sau một hồi thực tập vuốt sò, các bạn Nga đã tỏ ra thành thạo. Họ thích thú kiểu ăn sò, chấm với nước mắm ớt Phan Thiết. Nó vừa cay, vừa ngậy, vừa mềm. Họ vừa xuýt xoa, vừa khen ngon luôn miệng. Cả một đĩa nem to, một đĩa sò bự, chỉ một loáng đã hết nhẵn. Hùng gọi tiếp hai đĩa để ăn cho đã. ăn uống xong họ đi ra biển tắm. Biển Mũi Né về đêm lặng sóng. Nước trong và mát lạnh. Bãi cát vàng mịn màng, thoai thoải, lội ra đến vài chục mét, mà nước chỉ tới lưng người. Lúc này cả bãi tắm chỉ có mỗi nhóm họ. Biết Hùng là dân miền biển, lại đến vùng đất lạ, Tanhia nhờ Hùng bơi kèm. Nàng hỏi:
- Ở biển này có cá mập không anh?
- Ở đây không có cá mập, chỉ có cá nhân ngư.
- Nhân ngư là cá gì hả anh?
- Nhân ngư là cá người.
- Cá người có dữ không anh?
- Nó không dữ mà nó rất quí những người như em.
Bị chọc, nàng lấy tay véo Hùng một cái thật đau rồi đẩy Hùng ra xa. Anh bơi cùng với nàng. Anh đang bơi cùng với một mỹ nữ mà anh hằng mơ. Thân hình ngọc ngà của nàng nhấp nhô trên mặt nước. Nàng bơi rất nghệ, chỉ có những vòng nước xoáy, mà không hề có tia nước bắn lên. Có lúc Hùng thấy ngực nàng trườn nhẹ vào người anh. Người Hùng rạo rực.
Hùng quen Tanhia trong một lần sang Nga công tác. Hùng là sĩ quan công tác ở một Viện Khoa học quân sự. Nàng là cán bộ khoa học của Viện Sinh thái Liên bang. Hai người học cùng ngành, lại cùng nghiên cứu một đề tài khoa học. Họ có nhiệm vụ: Phát hiện, phân loại, bảo tồn các loài sinh vật nhiệt đới quí hiếm. Những ngày công tác ở Nga, sau giờ làm việc, nàng thường dẫn Hùng đi thăm các viện bảo tàng, thăm Lăng Lênin, xem bức tranh tròn, và cả tháp truyền hình nữa. Cuối buổi nàng lại chiêu đãi Hùng món kem hảo hạng ở cửa hàng Bách hóa Tổng hợp quốc gia GUM. Nàng bảo, đến cửa hàng to nhất nước mà không ăn kem, thì coi như chưa biết GUM. Kem ở đây tuyệt lắm, vừa thơm, vừa ngon, vừa mát.
Tanhia kém Hùng năm tuổi. Nhà nàng chỉ có hai mẹ con. Bố nàng là sĩ quan quân đội, đã có nhiều năm là cố vấn quân sự trong chiến tranh chống Mỹ. Ông mới mất cách đây ba năm. Ông có một cuốn nhật ký ghi chép những nơi ông đã sống và công tác ở Việt Nam. Cuốn nhật ký này, ông đã tặng cô con gái yêu, nhân ngày sinh nhật của cô. Nàng luôn giữ chặt cuốn nhật ký bên mình, coi nó như một kỷ vật vô giá của người cha. Cuốn sổ tay đã qua bao ngày tháng, giấy đã nhuốm màu thời gian, nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Mở đầu cuốn nhật ký là những dòng tự cảm của ông “Tôi đã có một thời trai trẻ buồn vui gắn bó với đất nước này. Đất nước Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi…”. Vùng Mũi Né này khi đến Cam Ranh công tác, ông cũng đã nghỉ lại ở đây một tuần. Trong nhật ký, ông viết “Mũi Né là một bãi biển đẹp, nước biển trong xanh màu ngọc bích, những rặng dừa sai trĩu quả. Những đồi Cát đỏ diệu kỳ. Người dân ở đây đôn hậu, cần cù và hiếu khách. Nhất định nơi này sẽ trở thành một nơi nghỉ mát danh tiếng”. Lời nhận xét của ông, giờ đã thành sự thật. Khách quốc tế nườm nượp đổ về đây nghỉ mát và tham quan thắng cảnh nơi này. Người ta phải đặt trước phòng nghỉ hàng tuần. Phòng như ý, nhìn ra phía biển phải đặt trước cả tháng. Có những khách quốc tế đến đây nghỉ tới vài lần. Hùng và Tanhia khoác tay nhau đi dạo. Họ đi theo con đường men theo bờ biển, dưới những ánh đèn cao áp và rặng dừa nhiệt đới quả sai trĩu buồng.Tanhia hỏi Hùng:
- Ở đây có miệt vườn không hả anh?
- Ở Nam bộ mới có miệt vườn, còn ở đây chỉ có nhà vườn thôi.
- Nhà vườn có cây trái không?
- Có đủ loại.
- Thế thì chúng mình đến đó chơi đi.
Hùng dẫn Tanhia đến một khu nhà vườn rất rộng, dễ đến vài héc-ta. Đây là loại mô hình nhà hàng sinh thái, có khu ẩm thực và khu vườn. Ánh đèn trong vườn mờ tỏ, nhưng cũng đủ cho khách phân biệt được từng loại cây, loại quả. Hùng chỉ cho nàng đâu là cây sầu riêng, măng cụt. Đâu là cây mít, chuối, xoài. Đâu là cam, bòng, quýt, bưởi. Rồi hồng xiêm, chôm chôm, thanh long, dứa, nhãn… Thôi thì đủ loại. Nhiều đến mức không thể nào nhớ hết. Đến đây, họ như lạc vào vườn địa đàng của ông Ađam và bà Êva. Hùng chỉ cho nàng xem quả “bánh mì”. Một cái tên ngồ ngộ, người Nga dịch ra từ “quả mít”. Tanhia tròn mắt ngạc nhiên khi thấy nó to như cái thùng, mình phủ toàn gai, nhưng múi thì ăn ngọt lịm. Gọi là quả “bánh mỳ” là không sát. Phải gọi là quả mật mới đúng. Có lẽ vì quả mít ăn được cả múi, cả hạt, cả sơ như một thứ lương thực nên người Nga mới gọi là quả “ bánh mỳ”. Cao hứng Tanhia đọc vo cho Hùng nghe một đoạn: “ Việt Nam là đất nước nhiệt đới, là xứ sở của các loài hoa trái. Hoa quả ở đây nhiều lắm. Kể không thể hết. Loại nào cũng đẹp cũng ngon. Ăn một lần khó mà quên được…”. Hùng ngạc nhiên về trí nhớ của nàng. Em đã thuộc lòng, nhập tâm, từng đoạn nhật ký của cha.
Xem hết khu vườn, Hùng dẫn Tanhia vào nhà hàng ẩm thực. Nhà hàng tự chọn này chuyên bán cho khách các món ăn hoa quả. Sau khi mua vé, thực khách muốn ăn loại nào tùy ý, ăn bao nhiêu cũng được. Hùng hướng dẫn cho nàng lấy từng loại, mỗi thứ một ít để nàng nếm thử. Loại nào nàng thích mới lấy tiếp sau. Nàng rất thích món xoài cát thơm ngon, ngọt mát, món măng cụt ngòn ngọt, thanh thanh. Nàng còn thích cả món sầu riêng mà có người chỉ ngửi mùi đã ngán. Nàng ăn sầu riêng từng múi ngon lành. Hùng tròn mắt ngạc nhiên, lấy tay vái nàng. Thấy lạ, Tanhia hỏi Hùng.
- Sao anh lại vái em?
- Vì em ăn được sầu riêng.
- Ăn mà là kỳ tích à?
- Anh không dám ăn. Anh xin chịu thua em.
Biết khách đã ăn xong, nhân viên lễ tân mời khách ra bàn uống nước và xin họ vài lời nhận xét vào sổ lưu niệm. Tanhia lật từng trang sổ vừa xem, vừa đợi đá tan. Bỗng mắt nàng sáng lên, nàng lấy máy ảnh chụp mấy dòng lưu niệm rồi đưa cho Hùng xem. Hùng đọc từng chữ “Tôi đã đến nhà hàng này nhiều lần. Phong cảnh ở đây quyến rũ và huyền ảo. Nhân viên nhà hàng lịch sự hiếu khách. Các món ăn hoa quả ở đây đặc biệt và rất ngon. Bungacốp Anđrây ký tên".
Đọc xong, Hùng hỏi Tanhia: "Ông Bungacốp là ai?". "Là bố em chứ còn ai nữa". Ôi sao có sự tao ngộ này. Không kìm được cảm xúc, nàng ban cho anh một nụ hôn nồng nàn. Lòng Hùng lâng lâng xao xuyến
Lúc này đã 11 giờ đêm, họ dắt tay nhau rời nhà hàng. Đêm đã về khuya, trăng thượng tuần đang vằng vặc chiếu. Hùng sợ Tanhia thấm mệt, anh hỏi nàng:
- Đi chơi nhiều em có mệt không? Hay chúng mình về nghỉ thôi.
- Em không thấy mệt. Nàng nũng nịu. Anh mệt thì anh về đi.
- Sao lại thế.
- Vì có anh bên cạnh.
Hai bên đường, sừng sững những dãy nhà cao ốc, building, nhiều nhà nghỉ, khách sạn 5 sao tráng lệ. Các cô gái đẹp xinh như mộng, thướt tha trong tà áo dài, đon đả chào đón khách. Những cửa sổ lung linh ánh đèn, bên giàn hoa tigôn màu tím. Mấy cô gái chân dài, lặn hụp, nô đùa trong bể bơi nhân tạo, tựa như một bầy tiên nữ. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền ảo, diệu kỳ. Tanhia thì thầm vào tai Hùng: “Phong cảnh ở đây đẹp quá, không biết khi xưa bố em có được thưởng thức như chúng mình không?”. Trên đường đi, họ nhìn thấy khu đài liệt sĩ, Tanhia rủ Hùng vào viếng. Họ đốt nhang cắm vào bát hương đặt ở giữa đài. Hùng thấy Tanhia đứng lặng, rì rầm khấn vái như một tín đồ theo đạo Phật. Nàng rất xúc động, những giọt nước mắt lăn tràn trên má. Hình như trong nàng có sự giao cảm nào chăng. Ở Mátxcơva nàng cũng hay đến viếng mộ ông nàng. Ông đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc. Nàng giở cho Hùng xem một trang nhật ký “Mình rất khâm phục các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến không cân sức với một kẻ thù mạnh gấp nhiều lần. Họ đã sống, chiến đấu như bố mình và đã hy sinh như những người anh hùng…”.
Rời đài liệt sĩ, theo con đường ven biển, họ đã đến khu đồi Cát đỏ - Một món quà quí hiếm thiên nhiên đã ban tặng nơi này. Cát ở đây có màu nâu đỏ, lóng lánh như chuỗi hạt cườm. Cả một vùng toàn là đồi Cát đỏ. Đồi ở đây cao chừng 70 mét, lúp xúp như bát úp. Cát đỏ như đất Bazan. Hùng dắt Tanhia đi lên ngọn đồi cao nhất, để cùng nhau trượt cát. Nhìn độ dốc, choáng ngợp, nàng không dám trượt một mình. Nàng ôm chặt lấy Hùng rồi hai người cùng lao xuống dốc. Tanhia bảo Hùng:
- Ở Nga có “Tuyết nóng”, ở Việt Nam có Cát đỏ. Không đến tận nơi mục kích khó mà tin được.
- Em thấy trượt cát ở đây có giống trượt tuyết không?
- Giống! Rất giống là đằng khác.
- Giống một nửa thôi.
- Sao lại thế?
- Vì lúc đó, em chưa có anh.
Tanhia đấm thùm thụp vào người Hùng. Họ dắt nhau leo lên ngọn đồi, rồi trượt xuống không biết bao nhiên lần. Mệt quá họ ngồi nghỉ, rồi nằm lăn trên cát.
Họ cùng nhau ngắm trăng trên đồi Cát đỏ. Hùng kể cho nàng nghe về lịch sử vùng này: Về những Tháp Chàm cổ kính, về phong tục thờ tượng Linh Ga và văn hóa phồn thực Nam Á. Về những vũ điệu Ápxara của các thiếu nữ Chàm và lễ hội té nước của người Khmer. Về sự tích Cung Quảng chị Hằng. Lúc này trăng đã lên cao. Ánh trăng vằng vặc chiếu. Một vùng sáng như được dát bạc, mờ mờ ảo ảo, bốn phía mênh mông. Nàng nằm trên cát lim dim, nửa tỉnh nửa mơ. Vô tình Hùng nhỏm dậy, anh ngây người bắt gặp thân hình tuyệt mỹ của nàng. Từ khi biết nàng chưa bao giờ Hùng được tiếp xúc gần gũi như thế. Thấy xung quanh im lặng, Tanhia hỏi Hùng:
- Anh đang làm gì thế?
Bị mắc cỡ, Hùng vội đánh trống lảng.
- Anh đang ngắm trăng.
- Anh đang ngắm trăng hay là ngắm em?
- Ngắm cả hai.
- Anh đã xem phim “Năm đêm trắng“ chưa?
- Anh xem rồi.
- Anh thấy có hay không?
- Rất hay! Nó là một thiên tình ca cảm động.
- Em có thích “đêm trắng” ở Việt Nam không?
- Có! Nhưng còn tùy thuộc ở anh? À tý nữa thì em quên, em cho anh xem đoạn nhật ký này nhé.
Nàng giở trang nhật ký có đánh dấu ra, bảo Hùng đọc. Giọng Hùng trầm trầm: “Mình có cô con gái yêu, rất đẹp, ngoan và thông minh. Nó rất thích và yêu mến Việt Nam. Sau này nếu nó muốn tìm hạnh phúc ở đó mình cũng không phản đối”. Đọc đến đây Hùng thấy hai mắt Tanhia trở nên mơ màng. Bỗng nàng ôm ghì lấy anh, thổn thức: “ Hùng ơi! Anh có yêu em không? Em không thể chờ được nữa rồi”. Họ quấn quýt hôn nhau, mơn man dưới ánh trăng vàng,
Phía đông trời hửng sáng, một vùng sáng từ đó hắt lên. Đêm đã đi qua và một ngày mới nắng tràn đang đến.
Nguyễn Tiến Hóa