Đầu gấu

LTS: Đây là những câu chuyện có thật được ghi lại của nhà văn Di Li về một thời “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Cô nói rằng, ngày còn đi học, cô cũng nghịch ngợm chẳng khác gì con trai, và cũng kinh qua tất cả những trò ma quỷ của lũ học sinh. Ban đầu, ý tưởng cho việc làm hồi ký học đường chỉ là việc viết chúng lên blog, nhưng sau đó, cô đã tập hợp lại thành cuốn “Nhật ký mùa hạ” như thế này.

Đó là học kỳ một của năm lớp tám. Mới chỉ khai giảng có vài ngày và bao giờ cũng vậy, đầu năm học mới là thời điểm mà các học sinh lạ bắt đầu xuất hiện trong lớp. Năm ấy, lớp tôi lác đác có thêm học sinh mới vào, họ chuyển trường, chuyển lớp hoặc bị lưu ban từ lớp trên xuống. Tôi được xếp ngồi cạnh một học sinh lưu ban tên là Minh, biệt danh Minh mèo. Cậu ta hơn tôi một tuổi, học kém (tất nhiên) và có cái đầu cua lởm chởm. Từ thuở bắt đầu cắp sách đến trường cho đến khi chấm dứt tuổi học đường, chưa bao giờ tôi được ngồi cạnh một cô bạn gái. Lý do rất đơn giản, tôi phát triển chiều cao sớm, lúc nào cũng cao nhất lớp, mới chỉ lớp tám đã cao tới 1m6 nên thường được xếp ngồi cuối lớp, xếp hàng đầu tuần thì phải đứng cuối hàng. Những cậu con trai thường có chiều cao trội hơn nữ, cũng bị đẩy xuống cuối cùng, nghĩa là những kẻ có cùng chiều cao sẽ phải ngồi cùng bàn với nhau và sau lưng luôn luôn là tường. Tôi đã quá quen với tính nết và hành tung của bọn con trai cũng là vì lý do này, vì chỉ trừ lúc giải lao tôi mới có thể chạy ra chỗ của những cô bạn gái thân thiết, còn thì quanh năm ngoảnh đi ngoảnh lại, quay trái quay phải chỉ thấy toàn những gã chân tay khuỳnh khoàng.

Minh họa của họa sĩ Ngô Ngọc Hà


Tuy nhiên, thằng bạn học mới vào khiến tôi chịu hết nổi. Nó tỏ rõ là một thằng học trò cá biệt, học dốt, không biết ngượng, cũng chẳng biết sợ là gì. Nó cứ quay lên quay xuống liên tục và thỉnh thoảng trêu đứa nọ, chọc đứa kia bằng những trò vô duyên, nhí nhố kiểu chọc bút vào tay, giằng vở, giật tóc. Thầy giáo có nhắc thì nó cũng chỉ ngồi yên được một lúc rồi lại tiếp tục. Đặc biệt là phá đám chán chê, nó lại quay sang thụi cho tôi một cái. Những cú thụi có lúc đau lúc không nhưng thường thì rất đau, và nhiều khi khiến tôi chảy nước mắt. Có lần tôi bị một cậu tên Tuấn B thụi cho một phát lúc hết giờ học toán. Lần này đau ghê gớm vì có vẻ như sau khi được điểm cao một bài kiểm tra toán thì cậu ta đang phởn chí. Tôi liền lấy hết sức bình sinh thụi lại cho cậu ta một phát vào đúng chỗ mà cậu ta vừa thụi tôi. Cú thụi mạnh đến nỗi chính tôi cũng thấy ê cả nắm tay. Cú thúc mạnh như trời giáng ấy là do tôi tích lũy toàn bộ chất chứa “căm hờn” từ năm lớp một đến năm lớp tám. Từ đó trở đi, cậu ta không bao giờ thụi tôi nữa, có lẽ cậu ta đã biết thông cảm với nỗi đau của người khác.

Nhưng tôi không thể đánh trả Minh mèo như đã thụi Tuấn B vì biết chắc nó sẽ đánh lại tôi một cách thê thảm. Do đó mặc dù tôi được cô giáo giao cho chức danh… bàn trưởng, nhưng tôi vẫn phải nghiến răng chịu đựng, và mỗi khi chuẩn bị sách vở để đến trường, cứ nghĩ đến Minh mèo là tôi lại ngao ngán. Tôi đã tính đến chuyện xin cô giáo chủ nhiệm cho đổi chỗ, nhưng đó là hạ sách vì tôi vốn không muốn nhờ người khác can thiệp vào chuyện riêng bao giờ. Tôi cần phải suy nghĩ sao cho tìm ra một phương cách sáng suốt để tránh những cú thụi của Minh mèo trong suốt năm học còn lại. Nhưng thật thần kỳ, một hôm đến lớp, ngay tiết đầu, cô giáo chủ nhiệm nhìn một lượt rồi dừng ánh mắt lại chỗ tôi.

- Vũ Quang Minh chuyển lên bàn đầu ngồi.

Minh mèo đưa mắt nhìn tôi nghi ngờ. Nó có vẻ tiếc nuối vì từ lúc vừa nhét cặp xuống gầm bàn đến giờ chưa được thụi tôi quả nào. Tất cả chúng tôi đều chờ đợi xem cô giáo sẽ chuyển ai xuống vì bao giờ những vụ đổi chỗ cũng đều phải có người thay thế. Chẳng có lý do gì để bàn thì những năm người, bàn lại chỉ có ba. Nhưng cô không nói thêm gì mà quay lên bảng ghi bài mới. Chúng tôi học được chừng mươi phút thì có một bóng người to lù xuất hiện ngoài cửa lớp. Tất cả ngừng bút ngẩng lên nhìn. Tiếng thảo luận bài ngưng bặt, cả lớp học im phăng phắc mất vài giây rồi những âm thanh xì xào bắt đầu nổi lên “Cường híp”, “Cường híp”. Tôi ghé vào tai cậu bạn bên cạnh:

- Ai đấy?

- Cường híp - Cậu ta trả lời gọn lỏn.

Tôi tò mò nhìn Cường híp. Ở trường này và cả các hàng quán khu vực xung quanh trường, không ai là không biết Cường híp. Cậu ta là một đầu gấu có máu mặt, một học sinh cá biệt mà ngay cả đến thầy hiệu trưởng và những bà bán nước đanh đá bên ngoài cũng phải ngán. Cậu ta hơn chúng tôi chừng ba, bốn tuổi nhưng cứ đúp đi đúp lại mãi vì chẳng chịu học hành gì. Tôi nghe những lời đồn đại về Cường híp đã lâu. Bọn trong lớp kể lại rằng trước đây, nghĩa là từ trước khi tôi vào trường, có những hai “tay anh chị” là Cường híp và một tên nữa. Nhưng trong một lần trường tôi đào khu vườn sát hàng rào tiếp giáp với vỉa hè phố Quang Trung để trồng lại hoa thì phát hiện ra một hài cốt. Hài cốt lâu đời này đã tơi tả thành nhiều mảnh vụn và cả giáo viên lẫn học sinh đều xúm lại xem. Tên “anh chị” kia liền giở trò quái đản, nhặt một miếng xương người nhỏ và nhanh tay nhét vào mồm một học sinh lớp sáu còn đang há hốc miệng ra xem. Đứa học sinh kia ngất xỉu, vẫn là nghe nói thế, và kết quả là thằng “anh chị” bị đuổi học ngay lập tức. Từ đó ở trường chỉ còn lại mỗi mình Cường híp làm vương làm tướng. Cậu ta cứ lưu ban rồi lại học tiếp rồi lại lưu ban, và chẳng có lý do gì để đuổi cổ cậu ta ra khỏi trường, chẳng lẽ lại đuổi vì tội dốt. Tất cả những trò ma quỷ như cho pháo nổ vào ống bơ để đốt, lấy trộm sổ ghi đầu bài, đánh lộn trước cổng trường có sử dụng vũ khí… đều do cậu ta gây ra hay chỉ đạo tụi đàn em làm nhưng ban giám hiệu chẳng bao giờ tìm được chứng cớ vì cậu ta tinh khôn như con sói rừng, thực hiện những vụ quậy phá đều có bài có bản.

Cường híp đi vào giữa lớp rồi đứng yên đó chờ đợi. Mắt cậu ta híp tịt, nhìn lúc nào cũng như ngái ngủ, da cậu ta đen bóng, dáng người cao lớn, tóc húi cua, đi dép tông trắng, quần thụng đen, và áo sơ mi lanh hoa, loại trang phục của những tay đầu gấu thời đó. Cậu ta cắp chểnh mảng một chiếc cặp da đen mỏng dính bên mạng sườn, có vẻ như trong đó chỉ có mỗi một quyển vở. Tất cả chúng tôi đều mang theo cặp đi học, những chiếc cặp hai quai đeo trên lưng sặc sỡ và nặng nề vì quá nhiều sách vở, cùng lắm là có một số học sinh mang ba lô hoặc túi xách. Những chiếc cặp da đen rẻ tiền kiểu này chỉ dành cho các công chức đựng tài liệu hoặc học sinh lớn. Còn nếu ở tuổi chúng tôi mà dùng cặp da đen, chỉ có thể là đầu gấu hay một tay chơi bời, đó chính là dấu hiệu. Cường híp không nhìn ai, hoặc giả chúng tôi không thể phát hiện được điểm nhìn qua đôi mắt bé tí của cậu ta. Cô Xuân Mai, giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi, hắc xì dầu nổi tiếng ở trường, ngừng tay lại và lên tiếng:

- Đây là bạn Nguyễn Hùng Cường, sẽ chuyển vào học lớp chúng ta từ ngày hôm nay. Cường xuống ngồi cạnh chỗ bạn Diệu Linh - Cô vừa nói vừa chỉ tay.

Tôi điếng người, máu như đông lại thành cục. Cả những cậu bạn ngồi cùng bàn tôi cũng vậy, dường như họ không dám thở nữa. Không ai bảo ai, tất cả đều ngồi xích vào đầu bàn bên kia để nhường chỗ cho Cường híp. Cậu ta kéo lê đôi dép tông lệt xệt, đi giữa hai hàng ghế rồi ngồi phịch xuống cạnh tôi. Chiếc cặp da đen quẳng lên mặt bàn. Tất cả những đôi mắt tò mò len lén nhìn xuống rồi lại vội vã quay lên. Chắc họ đang thở phào may mắn vì tên đầu gấu mắt híp không chiếm diện tích cạnh họ. Cô Xuân Mai vốn quý tôi, tôi cũng rất quý cô nhưng chưa lần nào tôi thấy oán cô như lúc này. Ở lớp có tới tận 53 chỗ ngồi và cơn cớ gì mà tôi lại bị hứng phải “sao quả tạ”. Thằng Minh mèo vừa chuyển đi lại đã có Cường híp thay thế. Thật là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Ngay khi Cường híp vừa ngồi xuống, tôi đã thấy từ người cậu ta phả ra nồng nặc mùi thuốc lá. Cậu ta hút thuốc, đương nhiên rồi, nhưng không phải hút vài điếu để ra vẻ người lớn giống những nam sinh khác mà là nghiện nặng, nghiện đến nỗi mỗi cử động đều có mùi cháy khét. Cường híp không bỏ sách vở ra, cứ để nguyên chiếc cặp đó và giương đôi mắt bé tí nhìn thẳng lên bảng. Chừng vài phút sau, tôi thấy cậu ta co hai đầu gối lên ngang bàn và gục mặt xuống đó. Cậu ta ngủ, cậu ta ngủ rất say, vậy mà cô Xuân Mai không nhắc nhở gì. Trong khi lũ chúng tôi chỉ vừa ngáp dài đã bị cô bắt ra ngoài rửa mặt. Cả ba bàn viên còn lại dán mắt lên bục giảng, ra cái điều chăm chỉ lắm, kỳ thực chẳng được chữ nào vào đầu.

Tôi bắt đầu chờ đợi sự hành hạ đầu tiên của Cường híp. Nhưng ba ngày trôi qua, cậu ta vẫn cứ lờ đờ như thế và không tỏ bất cứ thái độ gì với tôi. Rồi một hôm, vẫn trong tuần học đó, chúng tôi đang giờ ra chơi. Tôi ngồi tại chỗ để chép lại một bài tập. Bất chợt, tôi nhìn thấy Minh mèo đang tiến lại gần, rồi điềm nhiên co bàn chân đang đi giày Adidas đạp mạnh vào chân tôi. Tôi điếng người, mắt đỏ lên vì đau và vội co chân lên ghế để kiểm tra vết tích. Vết giày của Minh mèo để lại một vệt đất bẩn lên chiếc bít tất trắng của tôi. Nó nhìn tôi cười khoái trá, vẻ như mấy hôm rồi, nó chưa có ai để tra tấn những trò độc ác. Tức thì tôi thấy Cường híp từ từ đứng dậy, đôi mắt bé tí còn ngái ngủ. Cậu ta chậm chạp tiến về phía trước rồi bất thần giang thẳng cánh tay tát bốp một cú trời giáng vào mặt Minh mèo. Minh mèo ôm miệng đi về chỗ không dám hé răng, trước đấy tôi thấy Cường híp nói nhỏ với Minh mèo câu gì đó và chỉ tay về phía tôi. Minh mèo sau cơn choáng có vẻ hết sức kinh ngạc, cứ thỉnh thoảng lại lén liếc nhìn tôi rồi nhìn sang Cường híp. Còn người hàng xóm của tôi sau cú vung tay ngoạn mục đó lại quay về vị trí cũ và gục đầu xuống hai đầu gối. Tôi cũng kinh ngạc không kém vì chưa gặp tình huống này bao giờ. Tôi hiểu những gì đang diễn ra nhưng chưa giải thích được lý do tại sao lại như thế. Thậm chí, tôi còn sợ Minh mèo sẽ trả thù, không phải lúc nào Cường híp cũng có mặt ở đó, và khi cậu ta vắng mặt, Minh mèo sẽ giở vài đòn hèn hạ. Nhưng tuyệt nhiên từ đó đến cuối năm học, tôi không bị Minh mèo bén mảng đến gần thêm lần nào nữa. Cái tên Cường híp như một bóng ma học đường khiến bất kỳ ai trong trường cũng thấy hãi sợ.

Sau đó vài hôm, chúng tôi có bài kiểm tra một tiết đầu tiên, tôi và Cường híp vẫn chưa nói năng với nhau câu nào kể từ khi cậu ta xuất hiện. Tôi rất muốn cảm ơn cậu ta nhưng không dám, và cũng không biết nên bắt đầu như thế nào. Cả lớp đã làm bài được chừng mười lăm phút, tôi thấy Cường híp ngồi im từ đầu đến cuối, giấy vẫn để trắng. Sau đó cậu ta hơi nghển cổ sang tôi. Bàn tay trái của tôi chặn lên tờ giấy để giữ cho nó cố định theo thói quen nên có thể cậu ta không nhìn thấy gì. Tôi ngẩng phắt lên nhìn Cường híp. Bắt gặp ánh mắt tôi, cậu ta cười ngượng nghịu và thôi không nhìn nữa. Lần đầu tiên tôi thấy Cường híp cười. Khi cười, mắt cậu ta càng híp tịt lại, mặt mũi trông càng xấu xí. Tôi buông hai bàn tay trên bài kiểm tra và đẩy tờ giấy về phía cậu. Cậu ta cắm cúi chép, nhưng không chép hết cho dù sau đó tôi đã làm được hết sạch. Tôi bảo cậu ta chép nốt nhưng Cường híp bảo đủ rồi, viết thế thôi, cậu ta chỉ cần 5 điểm.

Sau đó một thời gian, cô giáo chủ nhiệm chuyển Cường híp đi ngồi chỗ khác. Tôi cũng chẳng thiết tha gì cậu ở lại vì cho dù cậu chẳng thụi tôi bao giờ nhưng tôi không thể trò chuyện với cậu vô tư như những người bạn khác được. Cậu người lớn hơn chúng tôi, hơn nữa lại có vẻ gì rất khó gần và nếu có muốn đùa cợt cậu tôi cũng không dám. Nên tôi cho rằng bất kỳ cậu bạn khác nào trong lớp ngồi cạnh, trừ Minh mèo, cho dù có cho tôi ăn thụi cũng còn thấy thú vị hơn. Trong suốt cả học kỳ còn lại, tôi không hề thấy Cường híp bắt nạt ai ở trong lớp. Cậu cứ ngồi yên vị một chỗ hệt những ngày mới vào. Đối với con gái thì cậu ta lại càng không đánh, không quát bao giờ, thụi đùa cũng không. Hết năm học đó, cả Cường híp và Minh mèo đều chuyển đi lớp khác, hay trường khác tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ có điều từ đó đến giờ, tôi chưa gặp lại họ lần nào.

Đôi lúc, tôi vẫn tự hỏi, không biết liệu bây giờ cậu ta đang làm gì, có trở thành một tay hảo hán giang hồ như tất cả mọi người đều nghĩ thế. Dù sao, tôi vẫn chưa có cơ hội nào để cảm ơn Cường híp, người đầu tiên bảo vệ tôi theo cách như vậy.

Trích trong tập "Nhật ký mùa hạ" (Hồi ký học đường) của nhà vănDi Li

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN