Ai cũng bảo Hiếu dại, không chọn anh Việt kiều mà lại chọn anh nhà quê. Anh Việt kiều có nhà ở Việt Nam, anh có cửa hàng ăn nhanh ở Đức. Anh có tiền đủ để Hiếu muốn gì cũng được. Nếu lấy anh, Hiếu được sang Đức sống, không phải lo cơm áo gạo tiền.
Anh nhà quê làm cho nhà nước, chẳng có nhà riêng, phải ở trọ. Đồng lương của anh nếu sống kham khổ thì cũng nuôi được vợ con. Lấy anh, Hiếu phải tính toán từng đồng. Cứ đem lên cân thì cán cân nghiêng hẳn về phía anh Việt kiều.
Vậy mà Hiếu lại chọn anh nhà quê, người ta bảo Hiếu dại quả không sai. Bà Miên hỏi thì Hiếu dụi đầu vào ngực mẹ hỏi lại: “Thế sao ngày trước mẹ lại chọn con?”
Ngày trước, ấy là cái thời bà Miên còn là cô thanh niên xung phong quá lứa, bà khao khát muốn có một đứa con để ôm ấp, vỗ về nhưng lại không dám xin ai.
Hôm đó, bà đi ngang qua bệnh viện, nghe mọi người bàn tán có hai đứa trẻ bị bỏ rơi. Một bé gái bị bỏ ở bệnh viện đã hơn một tuần, nhiều người đến xem nhưng chẳng ai muốn nuôi vì nó ốm yếu quá.
Ngay các cô y tá bệnh viện cũng bảo: Chẳng lẽ không cho nó ăn chứ chắc gì nuôi được...
Còn một bé trai mới bị mẹ nó bỏ đi ngày hôm qua. Họ bảo, thằng bé kháu thế mà con mẹ nó cũng bỏ thì thật là ngu ngốc... Bà đã nhận bé gái về nuôi. Ai nói gì bà cũng mặc, bà bảo: “Có con gái rủ rỉ thích lắm”.
Nhưng trong lòng bà thì xót xa, bà biết, nếu không có tấm lòng của một người mẹ thực sự chăm sóc, nuôi nấng thì bé gái này khó sống nổi...
Nuôi một đứa trẻ đã vất vả, nuôi một đứa trẻ ốm yếu thì vất vả bội phần. Có lẽ vì quá vất vả mà bà Miên không còn thấy mình cô đơn. Bà quay như chong chóng với việc kiếm tiền và lo thuốc thang cho con.
Hàng xóm vẫn đùa bảo: “Cái Hiếu nặng bao nhiêu cân thì mẹ mày tốn từng ấy cân tiền để mua thuốc cho mày...”.
Bà Miên chẳng tiếc tiền thuốc, chẳng tiếc công nuôi con, bởi từ ngày có Hiếu, cuộc đời bà như có mặt trời, ấm áp, hạnh phúc vô vàn. Hiểu được nỗi vất vả và tình yêu của mẹ, Hiếu rất chăm chỉ học hành và cũng rất có hiếu với mẹ.
Mới 7-8 tuổi, Hiếu đã biết chợ búa, cơm nước giúp mẹ. Lần đầu tiên nhìn mâm cơm con gái nấu, chỉ là rau luộc do Hiếu vay tiền cô hàng xóm mua rồi nhờ cô dạy nấu cơm, luộc rau, bà Miên đã ôm chặt con vào lòng, nước mắt ròng ròng...
Con nhà nghèo nên Hiếu sớm đảm đang, chịu thương chịu khó, không chỉ giúp mẹ việc nhà mà còn biết giúp mẹ kiếm tiền như gỡ chỉ rối, dán hộp giấy, dán phong bì...
Hai mẹ con nương tựa nhau để sống mà quên hết ngày tháng. Hiếu càng lớn càng xinh. Nhiều chàng trai ngỏ lời theo đuổi nhưng Hiếu chọn anh nhà quê, cô bảo nồi nào úp vung nấy, cô không dám với cao...
Bà Miên biết con gái chọn anh nhà quê là vì bà. Cô không thể bỏ bà cô đơn lúc tuổi già để theo anh Việt kiều sang Đức hưởng sung sướng một mình được. Mà bà thì chẳng thể bỏ đất nước để tha hương cầu thực...
Xưa người ta bảo bà Miên dại, nay người ta bảo Hiếu dại. Còn hai người phụ nữ dại dột ấy lại thấy mình thật hạnh phúc trong sự lựa chọn dại dột của mình...
Theo TGPN