Nén nhang càng lúc càng đỏ rực hơn trong đêm gió lạnh đang ngập tràn căn nhà trống giữa cánh đồng mênh mông hiu quạnh. Tiếng bìm bịp kêu nước lớn cứ ra rả mồn một trên dòng kênh nghe buồn buồn da diết. Trăng mờ mờ mang dáng hình lưỡi trai nhỏ nhắn thăm thẳm phía trời xa. Ánh sáng cũng đủ rọi bóng những hàng dừa nước xuống mặt kênh, tạo những khoảng tối sáng đan xen lì lì cứ nhấp nhô lúc ẩn lúc hiện theo những làn sóng gợn lăn tăn mỗi khi có ghe xuồng nào đó đi qua.
Trong chiếc di ảnh trên bàn thờ là một phụ nữ mặc áo bà ba đen có nét mặt trái xoan thanh tú. Trên môi như có sẵn nụ cười, đặc biệt là đôi mắt luôn tiềm ẩn một sự cương nghị phi thường. Đó là Hai Xuân, người nữ biệt động đã vĩnh viễn nằm lại phố phường thân yêu trong cuộc tổng tấn công xuân 19.
Những giọt nước mắt đàn ông cứ thỏa sức lăn dài trên khuôn mặt sạm đen, già nua khô cứng theo dòng đời. Hơn bảy mươi tuổi rồi chứ có ít ỏi gì đâu. Vào sinh ra tử là chuyện thường tình, giữa sự sống và cái chết trong thời chiến tranh ác liệt vẫn chưa hề làm chú Bảy nao núng, lo toan. Cứ vào ngày ba mươi Tết hàng năm, chú lại thắp nhang trước vong linh người nữ chỉ huy dũng cảm.
Cái quá khứ bốn mươi bốn năm về trước cứ tràn về, len lỏi vào trái tim chú, vào tâm hồn chú như một cuộn phim không thể nào dừng lại. Chú mụ mẫm, đôi mắt bần thần trừng trừng nhìn vào khung ảnh. Trong đó chú nghe như có tiếng xuồng chèo róc rách thoăn thoắt vượt sông tiến về thị xã. Nghe tiếng chị hai Xuân hát khe khẽ bài hát thanh niên Việt Nam “… Này thanh niên ơi đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…”. Chú nhớ như in hình dáng thằng Ro vừa ăn bánh tét vừa cố hát ê a mấy câu “… Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười… quê nhà ta đau đớn lầm than rên xiết đêm ngày…”.
- Thôi cha ơi, có mấy câu hát mà học cả ngày hổng thuộc. Dở ẹt vậy mà đòi cưới vợ. Tiếng chú Bảy trêu chọc làm cả xuồng cười vang.
- Kệ cha tôi, tôi hổng biết chữ thì học hơi chậm, mắc mớ gì mà nói. Tiếng Ro ấm ức trả lời.
Phá cho vui trước giờ G xuất kích, chớ anh em thương Ro nhiều nhất. Cha mẹ nó đều hy sinh năm 1965 lúc nó mới mười tuổi. Từ đó nó xin đi theo cách mạng làm giao liên rồi chuyển sang chiến đấu. Ngồi ở mũi xuồng là thằng Sang người Khmer nét mặt lầm lì tay lăm lăm khẩu súng. Có lẽ nó đang tập trung cao độ cho giây phút rửa hận gia đình nó vốn bị Mỹ Ngụy tàn sát ở làng quê trong một buổi ra đồng. Hai hàm răng nó cứ nghiến nghe trèo trẹo trong đêm lạnh thật rợn người. Chị Hai Nụ - người giao liên dẫn đường - mắt đăm đăm ngoái nhìn lại hàng cây thân thương của quê hương. Ở đó có đứa con nhỏ của mình vừa tròn hai tuổi được chị giao lại cho mẹ già để làm nhiệm vụ đưa quân tiến vào thị xã. Chưa lúc nào chị lại nhớ con quay quắt như bây giờ, đứa con chào đời mà không biết mặt cha, bởi anh đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường khói lửa khi con mình vừa tám tháng.
- Các đồng chí hết sức cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, dù hy sinh cũng không nản chí, thời cơ đã đến và không trở lại với chúng ta một lần nữa, rõ chưa? Tiếng chị Hai Xuân - người chỉ huy trận đánh - đanh thép cất lên. Chiếc khăn rằn quấn cổ cứ phất phơ bay dưới ánh trăng làm cho chị đẹp hẳn lên, trẻ hẳn lên so với cái tuổi bốn mươi của mình. Người nữ biệt động đã từng vào tù ra khám trong những lần binh vận, chỉ huy nhiều trận đánh gây khiếp vía quân thù. Có lần chị nói vui:
- Tao mê đánh giặc riết hổng có thời gian có chồng nữa.
Nói vậy thôi chớ anh em đơn vị cũng biết chị phải lòng một một anh bộ đội quê tận Thái Bình vào nam chiến đấu. Mối tình Bắc - Nam ấy luôn là đề tài hấp dẫn bàn luận của đơn vị sau mỗi cuộc hành quân. Vậy mà chỉ trước ngày dự định tổ chức đám cưới vài hôm, anh đã hy sinh trong một cuộc chống càn mà đến nay chưa tìm thấy được hình hài. Nhớ anh, chị lặng lẽ khóc thầm và may lên cổ áo mình một mảnh vải đen nho nhỏ để tang chồng chưa cưới từ đó đến nay. Nhiều lần đơn vị đặt vấn đề chị tìm nguồn hạnh phúc mới nhưng chị thẳng thừng từ chối:
- Thôi, kể như tôi đã có chồng rồi, tại có duyên mà không nợ, để hòa bình rồi hẵng tính sau.
Cái quá khứ năm xưa mà cứ ngỡ hôm qua lần lượt hiện về mồn một trước mắt chú Bảy. Đây, những đồng đội đã cùng chú vượt vòng vây đánh vào thị xã trong những ngày lịch sử cứ ẩn hiện mơ hồ xung quanh chú; thúc giục chú; nhắc nhở chú tìm về thời khắc năm xưa. Có lẽ trong cõi vĩnh hằng xa xôi ấy, họ đang tìm về bên chú.
- Chị Hai ơi, chị Nụ ơi, Ro ơi, Sang ơi…Chú bật lên tiếng nấc nghẹn ngào vì nỗi xúc động dâng đầy lồng ngực. Họ đã đi rồi, hy sinh một cách anh dũng phi thường và thanh thản biết bao, chỉ còn lại mình chú đang thổn thức, ngậm ngùi nhớ thương đồng đội. Sự ra đi ấy có mấy người chứng kiến và kể lại những giây phút lịch sử cuối cùng của họ.
Ngày ấy, chị hai Nụ âm thầm đưa đội biệt động đột nhập thị xã. Mệnh lệnh được phát ra là đánh chiếm các mục tiêu quan trọng đầu não của địch như: Đài phát thanh, trung tâm chỉ huy cảnh sát dã chiến, bộ chỉ huy quân đoàn, sân bay, giải thoát tù chính trị các trại giam, phối hợp cùng bộ đội chủ lực chiếm giữ mục tiêu tiến tới tổng tấn công nổi dậy giải phóng miền Nam. Cánh quân của chú Bảy do chị Hai Xuân chỉ huy có hai mươi người đã áp sát mục tiêu mà địch không hề phát hiện. Lợi dụng lúc bọn lính canh lơ là chếnh choáng men say, thằng Ro thoăn thoắt leo rào, trên người nó đầy thuốc nổ, mìn, lựu đạn, khẩu súng báng gấp sau lưng cứ đập lên lưng nó từng đợt.
Phía bên kia, thằng Sang cũng đã qua rào gác buông dây để chị Hai Xuân nhanh chóng leo lên. Cả cánh quân cũng bám theo dây tiến vào hang ổ địch. Chú thì lãnh nhiệm vụ tuyên huấn với cái máy quay phim cùng với chiếc máy chụp hình cà tàng nhưng lúc này thật quý giá vô cùng. Một tiếng nổ long trời lở đất đến ù cả tai phát ra ngay chính diện sở chỉ huy của địch. Những bựng khói bốc lên cao nghều nghệu, tiếng súng nổ liên hồi đi kèm tiếng lựu đạn, tiếng la hét vang lên khắp nơi, hỗn loạn chưa từng có. Từng toán lính xông thẳng ra cửa chính chạy loạn xạ tìm hướng thoát thân. Từ các hướng trên toàn thị xã, chú nghe nhiều tiếng nổ đồng loạt vang lên báo hiệu giờ G đã điểm.
Sau một giờ công kích đánh chiếm mục tiêu, địch tập trung lực lượng phản công. Chị Hai Xuân khuôn mặt sạm đen nồng nặc mùi thuốc súng nói giọng sang sảng:
- Thằng Ro, thằng Sang hy sinh rồi, chị hai Nụ dẫn đường cho anh em đánh chiếm phía tây, tôi ở đây giữ địch, có gì…
Nói đến đó chị bỗng dừng lại vài giây ngước nhìn bầu trời trong xanh, ve vuốt mảnh vải đen trên cổ áo. Có lẽ như chị đang tìm kiếm trong cõi hư vô xa thẳm hình dáng người chồng chưa cưới của mình, như một lời nhắn gửi hãy chờ nhau. Chị Hai Nụ và chú cũng rưng rưng nước mắt nhưng ai cũng cố kìm lòng. Có lẽ ai cũng linh tính phút sinh ly tử biệt đã cận kề. Chị Hai Xuân bỗng nở nụ cười, nụ cười cứ dai dẳng trong ký ức của chú Bảy mấy mươi năm qua: nụ cười của người chiến thắng dù sự hy sinh đã đến.
- Đi lẹ lên, không được cãi lệnh tôi, anh em ở lại mạnh giỏi, cho tôi gửi lời thăm con gái chị nghe chị Hai, còn thằng Bảy sau này chiến thắng nhớ cưới vợ làm tuyên huấn như mày cho nó hợp nhau.
Nói vừa dứt lời, chị đã băng băng ôm thuốc nổ quay lại Sở chỉ huy, lao thẳng vào chốt đại liên của địch đang chống trả điên cuồng như tên bắn. Chiếc máy ảnh của chú cũng kịp chụp được giây phút hiếm hoi. Một tiếng nổ ầm vang rung chuyển mặt đường. Cột khói bốc lên khét lẹt. Chú hiểu rằng chị đã hy sinh. Chị Hai Nụ cũng trúng đạn hy sinh khi đưa đồng đội áp sát sở chỉ huy của địch.
Chiến tranh tàn khốc là vậy, mất mát hy sinh là vậy. Những thước phim tư liệu, những hình ảnh quý giá về cuộc tổng tấn công vẫn còn nằm đây trong cái rương sắt cũ kỹ của chú và được giữ gìn như một báu vật thiêng liêng.
Bốn mươi bốn năm qua, đúng vào ngày này, chú lại thắp hương tưởng nhớ về đồng đội. Những người lính biệt động dân giã chân quê nhưng một lòng vì Đảng vì dân, vì hòa bình thống nhất hạnh phúc an lành cho mọi người. Chỉ tiếc một điều chú đã không có được di ảnh của tất cả đồng đội đã hy sinh, chỉ còn lại duy nhất tấm hình của chị Hai Xuân chụp lúc kết nạp Đảng trong cứ cùng chồng sắp cưới. Hàng năm chú lại tổ chức đám giỗ tập thể cho đồng đội rồi chú lại về quê để thăm lại đứa con gái duy nhất của chị Hai Nụ, nay đã là chủ tịch UBND xã. Rồi chú thăm quê hương của chị Hai Xuân, thằng Ro, thằng Sang và nhiều đồng đội khác. Tất cả đến nay vẫn không có được hài cốt, bởi đã hòa quyện xương máu vào đất, vào sông của quê hương.
Nỗi đau canh cánh bên lòng của chú hôm nay là những người đang sống trong hòa bình hạnh phúc hiểu rất bình thường, rất ít, về sự hy sinh của những cảm tử quân năm xưa. Lòng trân trọng biết ơn của cuộc đời, của xã hội hôm nay tuy có, nhưng với chú vẫn chưa thể lấp đầy nỗi mất mát rất lớn của họ, của gia đình họ; chưa làm toát lên tính đời thường nhưng hóa phi thường vĩ đại của những chiến sỹ hy sinh thầm lặng.
Cũng là chuyện thường tình. Thế hệ trẻ chỉ biết tết Mậu Thân 19 qua sách báo, phim ảnh mà thôi. Còn thế hệ như chú thì có người đã về cõi vĩnh hằng, người ở lại đã phơ phơ đầu bạc.
- Chị Hai ơi, anh em ơi, chúng ta đã làm tròn phận sự với Đảng, với nước, với dân rồi thì hãy vui lên. Chú lẩm bẩm một mình trong đêm vắng.
Nén nhang trên bàn thờ cháy đỏ, trong di ảnh, chị Hai Xuân đang nở nụ cười mãn nguyện. Trong gió trong mây, trong tiềm thức mơ hồ, bài hát năm xưa trước giờ xuất kích cứ mãi vang lên “ … Này thanh niên ơi đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…”.
Truyện ngắn của TRIỆU MỸ NGỌC