Lời nguyền với biển

Tiếng búa đóng đinh cứ vang lên dồn dập. Hai Đáy mình mẩy nhễ nhại mồ hôi nằm gọn lỏn dưới thân ghe hư hỏng do bị tàu Trung Quốc đâm vào đang được che mát bằng mấy tấm lá dừa. Tháng 5 rồi mà trời còn nắng hừng hực như đổ lửa. Gió từ phía biển mỗi lúc mạnh thêm.


 

Minh họa: Trần Thắng

 

Mới đây thôi, hàng chục chiếc ghe tàu đang đánh bắt ngon ơ thì xuất hiện hàng chục chiếc tàu lạ lù lù trên hải phận Việt Nam. Cả đoàn nhốn nháo gọi nhau. Hai Đáy nói lớn:


- Sao bữa nay có nhiều tàu lạ vậy? Của nước nào vậy cà? Họ muốn gì đây?


Đoàn tàu cứ tiến dần đến. Hai Đáy chột dạ khi thấy những lá cờ Trung Quốc bay phần phật trên hàng trụ cao nghều nghệu. Tiếng loa phát thanh ra rả kêu gọi tàu thuyền Việt Nam nhanh chóng rời khỏi khu vực này.


Xa xa, sau những chiếc tàu hung hãn kiêu căng là cả một giàn khoan khổng lồ đang từ từ đi sâu vào hải phận. Tiếng máy tàu rung động cả khoảng biển mênh mông. Mấy mươi chiếc tàu ghe nhỏ bé kết thành hàng ngang để ngăn chặn cuộc xâm lăng đường biển. Ầm. Ầm. Những mũi tàu sắt Trung Quốc đâm thẳng vào đội hình nhỏ nhoi. Những chiếc vòi rồng công suất lớn phun nước ào ào như muốn nhấn chìm tất cả. Cả đội hình do Hai Đáy chỉ huy tan ra từng đợt nhưng rồi lại kết chặt lại.


- Chết cũng phải ngăn chúng vào sâu biển của mình. Tiếng Ba Đực thét lớn trong dòng nước ầm ập dội xuống con tàu.


Đoàn tàu xâm lược giãn đội hình và tạm ngưng phun nước khi xuất hiện của những chiếc tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam. Cuộc chiến đấu mới lại tiếp tục. Những chiếc tàu nhỏ bé nhưng kiên cường quay hướng vào bờ với nỗi hờn căm dâng đầy trong ánh mắt của những người thủy thủ.


- Tao ra chuyến biển này, mấy thằng “Tàu” còn kiếm chuyện thì tao thề một sống một chết với nó. Ai đời nói ngang như “cua”. Biển của ông cha tao từ thời khai thiên lập địa tự dưng nó qua lắp đặt giàn khoan, giàn dùi rồi đem máy bay, tàu chiến qua hăm he, phá rối chuyện làm ăn. Hứ. Tiếng Hai Đáy hầm hừ.


- Vậy mới nói. Mình mà hiền quá nó làm tới tấp liền. Bữa đó tui ức quá trời. Nhớ tới mấy cái vòi rồng to bè dội nước ào ào qua ghe mình, rồi chạy lòng vòng hù dọa mấy chiếc tàu đánh cá của mình. Bà cố bắt nó. Quân ác ôn ngang tàng. Tui thề không đội trời chung với tụi….tụi…. Tiếng Ba Đực nói đến đó bỗng chùng xuống đột ngột.


- Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi. Mình đừng có quơ đũa cả nắm, bên đó cũng có người tốt ủng hộ chúng ta, cũng có những tàu ghe hiền khô làm ăn đàng hoàng như mình, thậm chí họ còn giúp mình nhiều “trận” khó khăn. Nghề biển thì phải vậy thôi. Tiếng Hai Đáy nhỏ nhẹ.


Những kỷ niệm về biển khơi kéo về dồn dập. Chiếc ghe cào lắc lư theo nhịp sóng thỉnh thoảng bị hất lung lên mặt nước rồi chìm nghỉm dưới những đám bọt trắng xóa. Mưa xối xả. Trong bờ, mấy dãy đất mờ mờ đen thui thủi, thỉnh thoảng sáng rực lên dưới những tia chớp kèm theo những tiếng sấm đì đùng.


Hớp một chén nước mắm nhĩ, Hai Đáy nói lớn với cái giọng ồm ồm xứ biển:


- Bữa nay chắc có chuyện gì. Tao xuống biển coi sao, tụi bây canh chừng hễ thấy tao giựt giựt dây ba cái thì kéo lên lẹ, chậm là hà bá “hốt xương” tao nghe chưa? Anh cười hô hố rồi bẻ tay bẻ chân nghe răng rắc, ngậm cái ống thở rồi phóng cái đùng xuống biển mất tăm.


Chiếc ghe chòng chành mong manh trong khoảng tối om om. Những điếu thuốc rít lên tạo những đốm sáng đỏ lòm. Một sự im lặng đáng sợ. Mười phút, hai mươi phút nặng nề trôi qua. Chiếc dây thừng vẫn lặng im. Hai Đáy vẫn đang còn dưới biển sâu.


- Thằng cha này bữa nay “tửng tửng” rồi hay bị cô hồn cát đản dìa xúi quẩy tới giờ chưa thấy trồi lên. Hổng chừng bị đám cá mập rỉa xương ra xương, da ra da rồi. Tiếng Ba “lựu đạn” phá tan bầu không khí chờ đợi.


- Miệng cha ăn mắm, ăn muối giỏi tài nói bậy, nói bạ. Thằng Đáy liều mạng này hà bá nuốt nó ba năm cũng hổng xong. Nó là lính đặc công chuyên gia đi lặn phá tàu địch hồi chiến tranh. Chết chìm mới là chuyện lạ. Tiếng Ba Đực cắt ngang.


Nói trấn an chớ lòng anh cũng bắt đầu lo lo. Làm cái nghề đi biển này tuy có tiền chút đỉnh nhưng dễ bị bệnh hậu và sanh nghề tử nghiệp dễ như chơi. Vậy mà có ai chịu bỏ nghề đâu? Lời nguyền với biển như một sự linh thiêng mầu nhiệm đã cuốn hút cả làng này theo kiểu cha truyền con nối suốt cả trăm năm trước. Mấy người cố cựu còn kể lại sự oai hùng của đoàn quân xứ này ra đảo Hoàng Sa trấn nhậm với trách nhiệm và lời thề bất tử cùng thời gian “Hoàng Sa là của Việt Nam”. Vậy là trai tráng làng biển qua bao thế hệ cứ nối nhau đi giữ đảo bằng nụ cười rạng rỡ và tất thắng.


Nghĩ thật lạ. Chữ nghĩa thì cả xóm này họa hoằn lắm mới có vài người học tới lớp một, lớp hai, còn bao nhiêu thì đốt đặc cán mai. Vậy mà ra khơi thì không ai nhanh nhẹn và khéo léo cho bằng. Đã vậy, thanh niên, phụ nữ xóm biển này ai cũng mạnh cùi cụi, lặn, lội như rái cá, quanh năm hổng thấy người nào bệnh hoạn hết. Có lẽ vậy nên cái trạm y tế xã đầu xóm quanh năm vắng teo. Buồn thiệt.


Năm rồi cả đám thợ lặn do Hai Đáy lặn kiếm đồ cổ trên của một chiếc tàu buôn của Trung Quốc bị chìm đã mấy trăm năm. Nhờ coi trên “vô tuyến” cả bọn biết vụ tàu chìm ở biển. Tưởng gì chớ luồng lạch xứ này ai mà hổng rành. Chỗ nào cạn, chỗ nào sâu, biết hết không cần máy định vị, la bàn cho mất công. Mấy giờ nước lớn, nước ròng. Biết tuốt tuồn tuột. Đánh hơi được chuyện này bọn buôn bán đồ cổ lậu cứ lén lén lút lút đem ghe ra trộm. Cả xóm đồng lòng canh giữ. Tình hình lắng dịu. Tỉnh cho phép nhóm thợ lặn xóm này mò cổ vật rồi chia phần với nhà nước.


Chính quyền ngần ngại khi thấy nhóm thủy thủ do Hai Đáy chỉ huy không có máy móc gì hiện đại. Hai Đáy thẳng thừng tuyên bố:


- Máy móc là chuyện nhỏ như con thỏ. Hổng có máy mà làm được mới mát trời ông địa. Biển này với tụi tui thuộc trong lòng bàn tay. Nhằm nhè gì ba cái lẻ tẻ. Cái cốt là tụi tui bảo vệ tài sản nhà nước, ai đời đồ quý hiếm lại để cho cái đám hải tặc, lục lâm tha hồ vơ vét.


Một chuyến, hai chuyến rồi nhiều chuyến nữa, cả nhóm đã mang về khá nhiều “hàng hóa” đặc biệt. Dù không một ai biết nó có tự hồi nào, làm ở bên Tây hay bên Tàu, giá trị bao nhiêu nhưng ai nấy đều hớn hở ra mặt vì đã làm được cái chuyện giống Lục Vân Tiên, không đánh thảo khấu giải cứu Nguyệt Nga xưa nhưng ít ra cũng làm tròn trách nhiệm với nhà nước, đó cũng là lời thề với biển khi dấn thân vào nghề gắn đời mình với sóng to, gió lớn.


Mấy năm trước, khi cơn bão hung hãn tràn về miền Trung, nhiều tàu ghe đánh bắt do bất ngờ không kịp vào bờ. Tín hiệu cầu cứu SOS phát liên tục vào đồn biên phòng. Bộ đội và người dân xóm biển này nhốn nháo không ngủ. Hai Đáy - Người lính đặc công thủy năm xưa - huy động mọi người xung phong ra biển cứu tàu. Một người, hai người rồi thanh niên cả xóm đồng loạt hưởng ứng bất chấp hiểm nguy. Hơn lúc nào hết họ biết mình sẽ đương đầu với bao gian khó giữa cơn bão dữ nhưng hình ảnh những con tàu gặp nạn đang chìm dần giữa biển cả mênh mông, những cánh tay tuyệt vọng cố nhoi lên trên mặt biển hung hãn đang thúc giục họ. Và hơn lúc nào hết lời thề với biển là phải cứu người gặp nạn lại vang dội trong trái tim những người sống vì biển và chết cũng vì biển. Họ đã lên đường giành lại biết bao mạng sống con người giữa lằn ranh sinh tử.


Chiếc dây thừng giựt giựt ba lần. Hai Đáy kêu đây rồi. Cả bọn nhanh chóng kéo mạnh dây. Thân người ướt mem, bóng láng, đen thui như con rái cá của Hai Đáy nhô cao lên mặt nước rồi trèo qua thân ghe, nước vẫn chải ròng ròng theo mái tóc hoe hoe bạc của anh.


- Tui tưởng cha đi bán muối cho diêm vương rồi. Làm gì lâu dữ vậy?


- Bán cái đầu mày. Thằng này sống tới một trăm sáu mươi tuổi mới ngủm củ tỏi. Nè, dưới này nhiều san hô, gậy đá nên phải coi chừng rách lưới. Thôi cho vài ly cho ấm, ăn bậy chén cơm rang rồi bắt đầu công chuyện. Sau này có trúng mánh thì tụi bây nhớ sửa lại cái nhà cho đàng hoàng. Tụi mình già tới nơi rồi, làm sui, làm gia mấy hồi. Nhà cửa trống quơ trống quắc mắc cỡ thấy bà nội.


- Tui tính đợt này rồi giải nghệ luôn. Hổng lẽ làm cái nghề này hoài? Tiếng Ba “lựu đạn” buồn buồn.


- Chuyện đó hạ hồi phân giải. Còn sức còn làm. Tại cái số mình gắn liền với biển nên chịu thôi, bỏ biển buồn lắm mấy cha ơi! Tổ tiên mình đã ra khơi giữ biển hàng trăm năm. Bỏ biển là có tội với ông cha, có tội với nhân dân. Tiếng anh Tám “cải lương” phân trần. Mới đó mà họ đã bám biển hàng mấy chục năm rồi. Buồn vui lẫn lộn. Thế hệ tiếp nối thế hệ để bám biển mưu sinh và giữ gìn bờ cõi quê hương trên sóng cả đại dương.


Mặt trời nhú lên đo đỏ sau những đám mây xanh thẳm. Những chiếc tàu, ghe chòng chành trên mặt biển lại tiếp tục cuộc hành trình hướng về Hoàng Sa. Trên ca bin tàu hôm nay treo rất nhiều cờ đỏ sao vàng không như mọi khi chỉ có một lá cờ duy nhất như khẳng định rằng Hoàng Sa mãi mãi là của chúng ta. Hàng trăm thủy thủ nhìn nhau không nói một lời. Có lẽ họ đang thì thầm nguyện cầu với biển như một đấng vô hình quyền lực trong cõi hư vô chở che họ trước bao hiểm nguy gian khổ của kiếp đời thủy thủ, giúp họ có đủ niềm tin và nghị lực bảo vệ biển đảo thiêng liêng như một lời nguyền.


Truyện ngắn của Vân Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN