Người mù mê mai

Còn đến cả tháng nữa mới tới Tết vậy mà nhiều cây mai vàng dọc hai bên đường đã trổ hoa lác đác. Nhiều người đã tìm cách kiềm chế không cho mai ra hoa sớm nhưng một số cây vẫn bướng bỉnh trổ hoa như muốn khoe sắc khoe hương trước đêm giao thừa khiến anh Dũng lo lắng Tết này không có mai để bán.


Anh Dũng chơi mai từ lúc còn đi học. Càng lớn lên anh càng say mê, có bao nhiêu tiền anh cũng đầu tư cho cây mai nên trong vườn lúc nào cũng có vài trăm gốc, đủ loại, từ mai Bon sai đến mai mi ni, mai cổ thụ. Cuộc sống gia đình anh lúc ấy cũng thuộc vào hàng dư ăn dư để, nhưng việc đời họa phúc không biết đâu mà lường. Một hôm, tai họa đã giáng xuống đầu anh khiến cho nhà tan cửa nát, vợ chồng ly tán. Đó là một ngày định mệnh, anh đang cắm cúi đào bứng một cây mai già nằm sâu trong bụi rậm, gần mép mương bỗng nhiên chạm phải một trái đạn. Sau giây phút kinh hoàng, bà con cấp tốc đưa anh đến bệnh viện cấp cứu, khi tỉnh dậy anh mới biết đôi mắt mình không còn nhìn thấy ánh sáng nữa…

 

Minh họa: Trần Thắng


Anh buồn đến tuyệt vọng, tâm trạng lúc nào cũng u uất, chán chường, đầu óc hoang mang. Nhiều người đã động viên an ủi và khuyên anh “còn nước còn tát”, nên anh đã bán hết gia tài (trừ vườn mai là chưa đụng tới) để chạy chữa cho đôi mắt nhưng bao nhiêu cố gắng đều trở thành vô vọng, tiền mất tật mang. Thời gian sống trong tăm tối chẳng khác nào tự nhốt mình trong bốn bức tường. Cô đơn, cay đắng nhất là mỗi khi trẻ nhỏ gọi anh bằng cái tên Dũng “mù”.

Để cho lòng khuây khỏa, hằng ngày anh cố chống gậy mò mẫm ra sau vườn để rờ rẫm, săm soi từng gốc mai. Tai nạn đã cướp đi đôi mắt nhưng bù lại đã ban cho anh một cảm quan tinh nhuệ. Anh có thể định dạng được dáng cây tốt, xấu, đẹp hay thô bằng cách sờ vào gốc, rễ, thân, cành để phân biệt và đánh giá. Mỗi lần đến chơi tôi đều nghe anh kể vanh vách các loại mai từ huỳnh mai, bạch mai cho đến mai dảo, cúc mai, hồng mai, thanh mai… Anh thuộc nằm lòng từng chậu mai đặt ở đâu, thậm chí sờ cánh mai và nụ mai anh có thể biết được đó là mai gì!


Ngày nào anh cũng chịu khó, nhẫn nại ra vườn nhổ cỏ, tưới nước, vô phân cho từng chậu mai. Nhiều lúc sơ ý anh thọc tay vào ổ kiến lửa hoặc chạm phải miếng chai khiến hai bàn tay sưng tấy. Lúc đầu, anh tỏ ra vụng về, rớ tới đâu cây gãy tới đó, lại còn bị vấp ngã, áo quần tả tơi nhưng lần hồi cũng quen, tự mình có thể dùng ống cao su kéo nước tưới cho từng gốc mai, sắp xếp hoặc dời đổi vị trí của cây để giới thiệu với khách hàng. Một hôm đến chơi, tôi trông anh thật tiều tụy, người gầy rộc, đôi mắt sâu hoắm hướng nhìn về phía tôi.


- Sao anh, lúc này sức khỏe thế nào? Buôn bán được không?


Anh chùng giọng:


- Bả bỏ tôi đi rồi anh ơi! Kể từ khi đôi mắt mù lòa, cuộc đời của tôi coi như vứt bỏ. Một hôm tự nhiên bả gây sự, tìm cách nói bóng nói gió rồi bảo tui bỏ nghề trồng mai đi xin ăn, đui mù mà cứ mê cây kiểng thì lấy gì để sống. Nghe bả nói, lòng tôi nghẹn ngào và đau đớn như xé ruột xé gan. Không kiềm chế được uất ức nên tôi nặng lời và đuổi bả ra khỏi nhà. Không ngờ bả xách gói đi luôn.


*
* *


Để có được hai bữa cơm, ngày qua ngày anh Dũng phải đổi bằng những giọt mồ hôi nhọc nhằn chảy qua năm tháng. Một số bạn bè thấy anh suốt ngày cặm cụi ngoài vườn, tỉ mẫn cắt tỉa, mồ hôi đầm đìa ai cũng chạnh lòng. Người bình thường muốn sửa một cây kiểng đã khó, huống hồ người mù như anh … Đã vậy, cuộc sống của anh ngày càng cơ cực, túng thiếu. Nhiều đêm mưa to, gió lồng lộng thốc vào vách lá tả tơi, nước mưa từ trên rơi xuống thấm lạnh làm anh phải cuốn mùng ngồi co ro một mình giữa bốn bề im vắng. Lại những đêm hôm khuya khoắt, giấc ngủ chập chờn, anh lắng nghe tiếng gà eo óc lạc lõng, tiếng chân người xòen xoẹt qua lại sau vườn và tiếng gầm gừ của lũ chó làm anh lo sợ kẻ trộm đang rình mò. Những lúc ấy anh chỉ đối phó bằng cách van xin:


- Xin các anh đừng lấy mai nhà tôi. Tôi đui mù khổ lắm. Van xin các anh.


Thời gian nghiệt ngã trôi qua. Một chị bán vé số quen thân tên Hương cảm thương cho số phận của anh nên thỉnh thoảng ghé qua giúp xách cho lu nước, nấu giùm nồi cơm hoặc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Lâu dần hai người mến nhau và cảm nhau. Một hôm chị Hương đã thật lòng bày tỏ tình yêu của chị đối với anh để chia sẻ phần nào nỗi bất hạnh của một người khuyết tật nhưng cần cù lam lũ. Thế là mối tình của Dũng mù và Hương vé số không bao lâu đã lan truyền đến nhiều người. Bạn bè ai cũng tán thành, coi đó là duyên tiền định, chỉ riêng gia đình Hương là không đồng ý. Mẹ Hương phản đối quyết liệt:


- Lấy chồng mù lấy gì mà ăn. Chỉ có những đứa điên khùng như mày mới nhào vô để lãnh nợ đời.


Anh em họ hàng của Hương cũng không ai ủng hộ, có người còn thốt ra những lời cay đắng:


- Chị mà lấy Dũng mù, cả nhà sẽ từ chị. Rồi chị sẽ hối hận.


Nhưng con tim có lý lẽ riêng của nó. Mặc dù phải ngậm bồ hòn làm ngọt nhưng chị Hương vẫn nhất quyết về sống chung với Dũng, bất chấp tiếng đời cạnh khóe, chua ngoa. Nhờ vậy mà chị đã tiếp thêm sức mạnh và thắp lên được niềm tin cuộc sống cho Dũng. Chị chính là điểm tựa, là đôi mắt của Dũng, giúp Dũng biến những ước mơ thành hiện thực sau nầy. Kể từ ngày đó, Dũng cảm thấy cuộc đời này còn nhiều ý nghĩa nên anh quyết không đầu hàng số phận mà tự đốt đuốc lên để đi. Có lần anh tâm sự với vợ :


- Ở đời đừng để người ta khinh mình. Tôi không có đôi mắt nhưng còn có đôi tay và nghị lực. Tôi nhất định sẽ vượt qua tất cả.


*
* *


Lúc mới lấy Dũng, chị Hương phải tất tả, bận bịu lo toan mọi việc. Nhưng niềm vui đã mỉm cười khi chị sinh cho anh một thằng nhóc. Thế là trong nhà bắt đầu có tiếng khóc của trẻ thơ và tiếng ru con trầm ấm của người vợ hiền. Hằng ngày tới bữa cơm, vợ xới nồi cơm nghi ngút khói, chồng ngồi xếp bằng chờ cơm, thằng con thì loắt choắt, nũng nịu như thiên thần. Cuộc sống thật bình dị và đáng yêu làm sao. Cũng từ ngày có chị, vườn mai nhà Dũng bắt đầu gọn gàng, thứ tự, khách mua mai ngày càng đông hơn. Ngoài việc mua bán, trao đổi, anh Dũng còn có một niềm say mê độc đáo đó là thú “săn mai”. Mỗi lần có ai giới thiệu cây hay, gốc đẹp, dù xa cỡ nào vợ chồng anh cũng xăng xái tìm đến.

Việc đầu tiên là anh mò mẫm, sờ mó vào gốc cây, rễ và thân để xác định giá trị của cây. Sau khi thỏa thuận giá cả anh liền bắt tay vào việc đào bứng với những thao tác thật thành thạo không thua gì người sáng mắt. Anh nói: Nghề săn mai dễ kiếm tiền. Nếu chọn được một cây hay, giá trị nghệ thuật cao có thể lời gấp nhiều lần so với bán cây thành phẩm. Nghe giọng nói của anh hình như anh đang ôm ấp một hoài bão thiết tha là sẽ xây dựng một cơ ngơi rộng lớn đủ để mở một cửa hàng kinh doanh hoa kiểng toàn đặc sản mai vàng với thương hiệu Dũng Hương.


Ngày con anh vào lớp một, mặc dù đôi mắt hũm sâu nhưng anh mừng đến rơm rớm nước mắt. Trước kia, nhiều người nhìn anh với ánh mắt cảm thông, ái ngại và chia sẻ nhưng cũng không ít người tỏ ra giễu cợt, xem thường, gọi anh là Dũng mù và coi anh như một kẻ điên khùng không biết lượng sức mình. Còn bây giờ thì ai nấy cũng đều khâm phục về bàn tay tài hoa và tinh thần cần cù chịu khó của anh. Ngay cả má vợ anh cũng xuống nước ngọt làm lành. Sau bao năm dằn vặt trách con, giờ đây bà đã cởi bỏ hết ưu phiền, nhất là mỗi lần nghe đứa cháu ngoại âu yếm gọi bà, hình như có một tình cảm thiêng liêng nào đó đã níu kéo bà lại gần hơn.


Một chiều cuối năm, vợ chồng anh mời tôi và một số bạn bè đến nhà dùng buổi tiệc tất niên, mừng một năm bán mai thắng lợi. Vừa bước vào cổng, mọi người không khỏi choáng ngợp vì trong nhà, trước sân chỗ nào cũng mai. Cả nhà anh là một không gian rực rỡ sắc màu và hương thơm thoang thoảng khiến ai nấy say mê thích thú. Anh cho biết đây là những cây mai đẹp, dáng thế độc đáo, mỗi cây đều có một lý lịch và một kỷ niệm riêng chỉ dành để chơi, không bán. Bạn bè tôn anh là một nghệ sĩ - một nghệ sĩ mù nhờ vào lòng say mê cây cảnh, niềm tin và ý chí tự lực mà vượt lên được bao cay đắng và số phận nghiệt ngã để trở thành người hạnh phúc - hạnh phúc nhất trần đời mà anh đã nhiều lần tâm sự.

 

Hoài Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN