Nhìn về phía ấy...

Hai cha con ông Khâm lặng lẽ nhìn về phía đầu làng, nơi ấy là mái trường cấp III của huyện vẫn còn đỏ tươi màu ngói mới vừa trùng tu sau mùa mưa bão kéo dài.

Bà Khâm hết đi ra lại đi vào nhìn hai bố con ông Khâm, bà thở dài tất tưởi bếp núc, lợn gà. Thế mà bóng tối đổ tràn qua ngõ nhỏ lúc nào không biết. Ngoài kia hun hút tối…

*
* *

Bố con ông Khâm đã im lặng với nhau hơn một tuần nay rồi, cũng chỉ vì mấy chuyện ở trường lớp. Bố thì là thầy, con là trò. Đôi khi thầy trò không hợp ý nhau ở trường thì về nhà con cứ lảng cha. Nhiều lúc ông Khâm buồn lắm, chẳng muốn ôm đồm công việc làm gì. Nhà chỉ có ba người, ông hiếm muộn chỉ có một mình thằng Bình. Nó lớn lên được cưng chiều, nâng hứng. Sau chiến tranh, ông về công tác ở trường cấp III của huyện. Ông dạy môn Giáo dục công dân gần chục năm trời thì được đề bạt lên phó hiệu trưởng. Lúc ấy công việc của trường lớp bề bộn xây dựng lại sau những năm dài chiến tranh, vất vả là thế nhưng anh em, thầy trò đồng lòng nên làm việc gì cũng xong, cũng tốt. Thế mà mấy năm trở lại đây, từ khi ông được đề bạt chức hiệu trưởng không hiểu từ đâu mà bao nhiêu khó khăn dồn về.

Minh họa: Trần Thắng.


Những người thuộc thế hệ ông cũng đã nghỉ ngơi cả rồi, chỉ còn mình ông tham công tiếc việc, hay sự dở dang của công việc trong trường khiến ông không đành lòng về nghỉ ngơi được. Nhiều lúc chính bản thân ông cũng không hiểu mình đang làm đúng hay sai nữa, không hiểu mình đang cố gắng mọi thứ có phải để ngôi trường cấp III của huyện hay chính ông đang làm gánh nặng trong cỗ xe phát triển ấy. Chính suy nghĩ ấy cứ làm ông day dứt, dằn vặt mãi.

Lại thêm chuyện thằng con ông cũng đang học trong trường, nó lại làm bí thư đoàn trường, nó đại diện cho tiếng nói của thế hệ học trò, cho cái thế hệ mà các ông đang gửi gắm mọi tình yêu thương, mong đợi. Mà không phải lúc nào thầy trò cũng hợp ý nhau. Đấy! Chỉ riêng cái phương pháp dạy môn Giáo dục công dân làm sao cho thật tốt, để các em ra đời thành một công dân tốt, biết nhìn nhận đúng sai, biết yêu thương đùm bọc mọi người. Ông thì ông cho rằng chỉ cần các thầy cô bộ môn dạy thật tốt, thật lôi cuốn có kèm các ví dụ minh họa khiến các em thấy hấp dẫn thì tự bài học ấy sẽ đi sâu vào tâm trí các em. Nhưng thằng Bình đại diện cho các đoàn viên lên tiếng đòi cho học sinh đi thực tế ở trại trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật trong huyện, hay đi thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh liệt sĩ… Chúng nó lại còn lên tiếng đòi đi cả huyện bên để tìm hiểu về cuộc sống con người, mở mang tầm hiểu biết. Ông đến đau đầu với cái lũ học trò nghịch như quỷ sứ, bình thường học trong trường bao nhiêu thầy cô giáo còn chẳng quản được chúng huống chi là thả dông chúng ra ngoài. Ông cũng không hẹp hòi gì nhưng chỉ sợ nhỡ có chuyện gì xảy ra với chúng thì ông biết làm sao…

Nhớ lúc chiều trong cuộc họp thằng Bình gay gắt:

- Thưa thầy hiệu trưởng, tại sao thầy lại không tin là chúng em đã lớn rồi. Chúng em có thể tự chịu trách nhiệm về những gì mà mình làm. Nếu thầy cứ gò bó chúng em trong những buổi học khô khốc thì làm sao đòi hỏi mang lại hiệu quả. Đôi lúc chúng em thấy ngột ngạt mà không có khoảng thời gian để “đổi gió”. Lịch học thêm, lịch ôn thi thì ngày một dày đặc. Em nghĩ tại sao chúng ta lại không thể một công đôi việc trong giờ Giáo dục công dân ạ?

Nghe những lời con nói như ngọn cỏ may đâm vào thịt da ông nhói buốt. Chỉ là chuyện có nên để các em đi thực tế trong giờ dạy Giáo dục công dân hay không nhưng đều khiến các thầy cô trong trường, đặc biệt là trong bộ môn đắn đo, suy nghĩ. Nó không phải là chuyện nhỏ, thường thì việc đi thực tế như thế chỉ có trong các trường cao đẳng, đại học chứ chẳng mấy trường phổ thông áp dụng cả. Thế nên mới thành ra căng thẳng thế này.

*
* *

Trưa nay thằng Bình ăn vội ăn vàng bát cơm rồi vào lấy cái ba lô bảo: “con đi đây một tí”. Ông có hỏi nó đi đâu nhưng nó không nói gì, nhòm ra cổng đã thấy mấy đứa cả con trai, con gái lố nhố đứng chờ. Ông quay vào mà lòng cứ nóng như lửa đốt.

Đến quá giờ chiều thấy đầu làng ầm ĩ tiếng kêu thét. Đang giở tay ngoài vườn rau ông vứt vội cái cuốc chạy ra đường, thấy bà Khang gào thét gọi con rồi ngã vật ra. Ông Khâm biết có chuyện chẳng lành đối với thằng Hà bạn thân con ông. Chúng nó chơi thân với nhau từ lúc còn cởi truồng lên cấp III vẫn học cùng trường, cùng lớp. Vừa chiều nay thấy chúng nó nháy nhủ nhau. Trời ơi, lòng ông lại nóng như lửa đốt, hai chân cứ díu vào nhau không chạy nổi: “Có chuyện gì xảy ra với con tôi rồi. Bình ơi, Hà ơi. Các con ơi!”.

Người ta đưa thằng Hà vào bệnh xá quân đội cấp cứu mãi đến chiều nó mới tỉnh. Thằng Bình mặt mũi tái mét nhìn bạn mà hồn vía bay đi đâu mất. Hỏi ra mới biết chuyện, chiều nay chúng nó rủ nhau sang sông thăm trại trẻ mồ côi mà cái Hạnh - đứa con gái trong lớp từng nhận một đứa em nuôi bên ấy. Đứa bé ấy lên cơn sốt suốt mấy ngày hôm nay, Hạnh cứ buồn lo, thấp thỏm, đến lớp thi thoảng lại khóc thút thít. Thế là chúng nó rủ nhau sang thăm đứa bé, sau khi sang sông về thấy thời gian vẫn còn nhiều lại lâu bạn bè không đi đâu được đông đủ thế này nên rủ nhau ra bờ sông chụp ảnh. Ai ngờ đùa nghịch đến lúc kiểm quân số thấy thiếu đi một đứa.

Thằng Bình ngồi như ngậm tăm trước mặt ông, lúc này ông không thấy giận con chỉ thấy thương chúng quá chừng, một nỗi lo trỗi dậy trong lòng một người cha, người thầy. Ông từ tốn bảo con:

- Đi tắm giặt, thay quần áo đi rồi vào ăn cơm. Tối nay đi ngủ sớm, mai dậy học. Từ sau các con đừng ra sông chơi nguy hiểm, chỉ sao nhãng một chút là mất mạng người.

Thằng Bình “dạ!” lí nhí trong mồm rồi lặng lẽ đi ra giếng. Nhìn đứa con trai dội nước ào ào ngoài giếng ông thấy đúng là nó đã lớn và chững chạc lắm rồi, thế vừa mới đây thôi ông vẫn coi nó là đứa trẻ con chưa đủ lớn. Ông bần thần nghĩ ngợi… Ông nghĩ… Nếu mà thằng Hà không được cứu sống thì ông ân hận lắm, có lẽ cũng tại ông cứ hay cấm đoán chúng nó nên nó mới phải đi vụng trộm. Chứ nếu tổ chức cho chúng nó đi chơi, có thầy cô quản hẳn hoi có khi lại khác.

Bỗng nhiên ông thấy thật buồn.

*
* *

Ông cho họp gấp cán bộ và giáo viên, đoàn viên ưu tú trong trường để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có lên cho các em đi thực tế trong những giờ dạy Giáo dục công dân hay không, coi như đó là một buổi ngoại khóa, vừa để các em học tập vừa thi thoảng tạo điều kiện cho các em vui chơi, thoải mái đầu óc. Dĩ nhiên là tất cả các giáo viên trẻ đều đồng ý, họ còn tự nguyện làm hướng dẫn viên đi cùng các em trong các điểm đến, đồng thời cũng đi cùng để quản lý các em. Ông Khâm để ý đến thái độ của các bí thư đoàn, các đoàn viên ưu tú, không thể hiểu hết nỗi vui mừng trong nụ cười, ánh mắt. - Thằng Bình đã bô bô cùng mấy đứa bạn:

- Tiếc quá bọn mình lại sắp ra trường rồi chứ. Giá như quyết định này có sớm hơn vài tháng hay vài năm có phải tốt không nhỉ. Đã thế sau đợt ôn thi chật vật này cả lớp tớ sẽ quyết định vẫn học tiếp môn: “Giáo dục công dân” một lần cuối cùng trong đời bằng một kế hoạch đi đâu đó thật bổ ích.

Nó mừng vui đến mức khi cuộc họp kết thúc đã phóng về lớp bỏ quên người cha, người thầy ngồi im lặng hồi lâu. Ông nhìn lần lượt từng tốp học trò dắt xe ra về khi trống tan trường đã điểm, đứa vui vẻ nói cười, đứa lo âu hiện rõ trên khuôn mặt. Biết bao thế hệ học trò đã đi qua, có những đứa ra trường cũng phấn đấu rồi thành đạt. Ở cái huyện miền núi nghèo nàn này nếu không nhờ lũ trẻ ra ngoài xã hội, thành đạt kéo nhau về xây dựng quê hương thì làm sao có ngày hôm nay được. Giờ đây ông biết sức mình đã cạn, rồi đến lúc không còn được đứng trên bục giảng, không được hàng ngày chăm lo cho các thế hệ học sinh chắc là ông sẽ rất buồn. Nhưng ông biết đã đến lúc để cho lũ trẻ lên kế tiếp. Nghĩ là nghĩ thế mà sao ông buồn đến vậy, không biết ông còn được đứng đây và nhìn ông bảo vệ già thong thả gõ hồi trống tan trường đến bao giờ nữa. Trên tán xà cừ là tiếng ve đương mùa kéo bản nhạc của bầy loài, nụ phượng lấm tấm trên vòm trời xanh trong, những bước chân cuối cùng còn vọng lại. Ông Khâm thở dài, sắp xếp lại bàn ghế và đống giấy tờ. Không hiểu sao con đường từ trường về nhà hôm nay sao cứ dài ra mãi…

*
* *

Ông lại ra chiếc chõng tre ngoài hiên một mình, ánh trăng đổ buồn trên mái đầu hoa râm đang ngồi bó gối. Hôm nay đầu óc ông cứ mông lung, nó nặng nhọc vì ông đang phải quyết định một việc quan trọng của đời người. Những nếp nhăn trên trán co lại, ông ngồi im lặng như một pho tượng giữa mảnh sân chênh vênh gió. Thằng Bình đã lẳng lặng ra ngồi bên bố tự lúc nào. Ngồi hồi lâu thấy bố không động tĩnh gì, nó ho lên đánh tiếng. Ông Khâm không ngoảnh lại nhưng nói với con bằng cái giọng đầy yêu thương:

- Con không vào học bài rồi đi ngủ sớm đi. Thức khuya quá cũng không tốt cho sức khỏe đâu, chuyện học hành thi cử còn về lâu dài, không phải một sớm, một chiều nên con phải giữ gìn sức khỏe.

Bình im lặng, không khi nào nó lại thương bố nó đến thế, lẫn trong tình yêu thương ấy là cả sự ân hận về những suy nghĩ, hành động bồng bột đã làm bố buồn. Bình thấy chiếc bóng của nó choán cả chiếc bóng gày nhỏ của bố đổ dài xuống nền gạch. Hồi lâu sau ông Khâm mới lại lên tiếng phá vỡ những phút giây im lặng của hai cha con:

- Bố định xin nghỉ hưu Bình ạ. Nhẽ ra bố phải về nghỉ vài năm nay rồi nhưng bố thấy lo lắng những công việc còn dang dở. Bây giờ thì đã có các thầy giáo trẻ mới về, trông các thầy tháo vát lại có tài, có tâm. Bố thấy yên tâm rồi.

Bình ngồi yên lặng, nó không biết phải nói với người bố lại vừa là người thầy như thế nào. Nó hiểu bố đang rất buồn và phải băn khoan suy nghĩ rất nhiều, vì nó biết bố yêu trường lớp, yêu những đứa học trò hồn nhiên, tinh nghịch và cũng tràn đầy mơ ước. Nên quyết định về nghỉ hưu sẽ khó khăn với bố nhường nào. Văng vẳng đâu đó trong khoảng không mênh mông là tiếng người mẹ ầu ơ ru con lẫn vào màu trăng ngan ngát. Bà Mẫn ho khục khặc trong buồng như cũng đang trở mình mệt mỏi. Ngoài sân trăng đã sắp tàn, hai bố con ông Khâm mắt nhìn vời vợi về phía ấy… Dẫu nó chỉ là một chấm đen xa mờ nhưng rồi chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi ở nơi đó sẽ cất lên tiếng trống trường rộn rã, lớp lớp học sinh ùa vào trường bao mừng vui trên nụ cười tiếng nói, ăm ắp niềm hy vọng. Nơi ấy bầy chim sẽ kéo nhau về làm tổ, hót véo von suốt những mùa dài…

Vũ Thị Huyền Trang


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN