Bà nội kể: hồi chưa hình thành xóm làng, một sáng sương giăng mờ mịt, người đứng sát bên chẳng nhìn thấy nhau. Trời đúng ngọ, sương tan dần, giữa cánh đồng làng Bùng hiện lên một ngọn núi cao chót vót. Núi Một. Còn có tên gọi khác: “Núi Trời Cho”.
Con trai làng Bùng chỉ được xem là trưởng thành khi nào lên tới đỉnh núi Một. Họ tự rèn luyện thể lực, cộng với lòng can đảm, không trông chờ vào sự giúp sức của người khác. Chú Cẩn là niềm tự hào của bà nội. Năm chú mười ba tuổi, bà nội trở thành “thanh tra viên”. Nữ thanh tra cực kỳ nghiêm khắc chỉ làm mỗi việc: hàng ngày không cho chú Cẩn ngủ nướng, để chú chạy bộ giáp làng hai vòng trước khi trời sáng. Bà nội bẳn hẳn: “Con trai con trăng ngủ cho lắm vào. Mặt mũi lờ đờ như cờ không cán”. Chú Cẩn nín thin thít, lủi thủi ra thềm giếng rửa mặt. Chú không bằng lòng với ai điều gì là tôi biết ngay. Nhìn lá ổi sau vườn dồn lại một đống bự. Dấu chổi quét hằn sâu trên cát hơn lúc bình thường. Khi ấy tôi thấy thương chú nhiều lắm. Tôi lẳng lặng nép sát vào chú, cầm bàn tay rắn chắc: “Chú buồn nội hả?”. Gương mặt tư lự bỗng ánh lên hào quang rực rỡ: “Thằng Út hiểu chú nhất. Nội mong chú có đôi chân dẻo dai để còn chinh phục núi Trời Cho”. Nỗi buồn của chú Cẩn thoáng qua như cơn gió nồm.
Tình cảm của người lớn đối với trẻ con thật lạ kỳ. Bà nội giận chú Cẩn. Quát tháo chú buổi sáng. Buổi tối, chú nằm ngủ, chiếc mền tụt xuống, bà nội rón rén đến bên giường kéo mền đắp cho chú. Bà nội còn đứng nhìn âu yếm nữa chứ.
Một lần, chú Cẩn chăn bò trên đồng, mải mê thả diều. Con Mẫm ăn lúa, bị người hàng xóm sang mắng mỏ. Bà nội rút phăng cây roi tre giắt trên mái hiên (nhà bà nội thường có sẵn roi tre để răn đe con cháu). Chú Cẩn biết tội, mặt tái mét, lần khần nằm sấp trên giường, mặt cứ ngó nghiêng khắc khoải. Bà nội đánh tới đâu, dạy tới đó. Hết lời dạy, nguôi cơn giận, bà mới dừng tay roi. Chú Cẩn lộ vẻ đau đớn. Nước mắt chảy lã chã. Chú vòng tay thưa bà nội, hứa không còn tái phạm rồi đi tắm. Còn bà nội thất thểu xuống nhà dưới ngồi khóc.
*
* *
Chú Cẩn miệt mài tập leo núi. Mờ sáng. Bà nội chuẩn bị mo cơm muối vừng với chai nước lã, kèm theo nụ cười, miệng bỏm bẻm nhai trầu: “Thằng Ba phải vượt qua núi Một để cưới vợ cho mẹ có cháu ẵm bồng”. Chú Cẩn chụp vội vã cái mũ lác bung vành te tua lên đầu, nhìn tôi háy mắt cười không nói. Chú giở “kinh công” láy pháy đôi chân hướng về phía núi. Núi Trời Cho từ xa nhìn lại như nọc rơm khổng lồ xanh rì. Đường lên núi lởm khởm đá dựng, đá chồng với gai gốc rối rắm. Có những đoạn cao choáng ngợp. Người làng Bùng từ xa xưa hình thành luật bất thành văn: Con trai muốn lấy vợ phải vượt qua núi Một. Có những chàng trai không vượt qua thử thách nghiệt ngã, đành chia tay với người đã trót thề non hẹn biển.
Tương truyền, núi Trời Cho còn có viên ngọc màu hồng nằm dưới tảng đá ở trên chóp núi. Vào ngày giữa tháng Tư (âm lịch) hàng năm, trời nổi sấm chớp đùng đùng. Tảng đá sẽ nứt ra để lộ viên hồng ngọc. Độ vài phút sau đá sẽ khép lại như cũ. Người con trai nào lấy được viên ngọc quý sẽ có vợ đẹp, con xinh, giàu sang tột đỉnh. Còn ai hái được hoa linh lan nở trên đỉnh núi, mỗi tháng chỉ nở một lần, tặng cho người con gái sẽ được nàng hiến dâng trinh tiết.
Lần nào chú Cẩn leo núi cũng thất bại. Chú trở về tay chân tóe máu. Tóc tai bù xù. Mặt mày nhem nhuốc. Chị Thuận nhà láng giềng đón chú Cẩn ở chân núi, đưa vào trại nuôi vịt đồng, nấu nước lá chanh cho tắm táp. Cơm nước xong xuôi, chú Cẩn buông người trên võng đánh một giấc thẳng thớm. Chị Thuận ngồi bên cạnh khe khẽ hát: “Anh đi đáo địa thiên tôn/ Rồi anh về bứng bụi môn sau hè…”. Chú Cẩn dậy tự lúc nào, bật cười khanh khách: “Bứng môn sau hè phải có hồng ngọc, hoặc ít ra cũng có hoa linh lan chứ dễ à?”. Chị Thuận cả thẹn, đấm thùm thụp vào lưng chú Cẩn: “Cái tội nghe lén người ta hát này… Giả vờ ngủ để nhìn trộm này…”. Chú Cẩn càng cười rộ lên: “Rồi anh về bứng… bụi môn… Em hát ru giống mẹ anh quá!”. Chị Thuận không chịu buông tha: “Đen tối này!... Mưu mô này!... Lừa gạt này!...”. Chú Cẩn cười ngặt nghẽo. Từ giỡn hóa ra thật. Chú nắm chặt đôi tay chị Thuận, kéo chị ngã nhoài trên mình chú. Một nụ hôn dài. Một bàn tay tham lam… Chị Thuận thì thầm: “Đừng anh! Hãy đợi hoa linh lan… Em tin rằng một ngày kia anh hái được…”.
Năm nào chú Cẩn cũng lên núi Trời Cho để tìm hồng ngọc. Tháng nào chú Cẩn cũng lên núi Một để tìm hoa linh lan… Lần nào về nhà, bà nội cũng hỏi chú bằng câu cửa miệng “có chưa con?”. Chú Cẩn cười buồn: “sẽ có thôi mẹ ạ!”.
Hôm rồi. Chú Tấn, bạn thân của chú Cẩn đến chơi, kéo chú Cẩn ra đầu hè. Tôi nghe loáng thoáng: “Thằng Quý hái hoa linh lan… con Nguyệt… giá ngàn vàng… chừng nào cưới?…”. Lúc trở vào, tôi thấy gương mặt chú Tấn tươi roi rói. Nụ cười như chực vỡ ra. Chú Cẩn thì nỗi buồn như đọng lại trong đáy mắt thẳm sâu. Tôi biết chú Tấn đang tràn trề hy vọng khi biết chú Quý tìm được hoa linh lan. Chú Cẩn sầu não vì chị Nguyệt sắp lấy chồng. Bà nội thi thoảng nhắc khéo chú Cẩn: “Con Thuận đẹp người, đẹp nết đấy. Nhưng không là con dâu của mẹ được đâu. Đừng tạt vào trại vịt. Lửa gần rơm lâu ngày...”. Thì ra bà nội đã biết hết mọi chuyện. Hồng ngọc và linh lan không những ám ảnh chú Cẩn, chú Tấn và bao người con trai khác ở làng Bùng mà còn ám ảnh cả tôi. Đợi một hôm, nhân lúc bà nội đang vui, tôi hỏi nhỏ: “Nội ơi! Ngày trước cha con có tìm được viên hồng ngọc?”. Bà nội lắc đầu nhè nhẹ. Tôi không để vuột mất cơ hội: “Thế còn hoa linh lan, cha cháu có tìm được cho mẹ không?”. Bà nội chỉ cười. Nụ cười thật mãn nguyện.
*
* *
Buổi trưa. Chị Nguyệt đứng nép sát bờ rào. Chụm hai bàn tay đưa lên môi thổi mạnh. Có tiếng kêu của con tu hú nghe não nề. Đây là tuyệt chiêu của chú Cẩn, không ngờ chị Nguyệt “chơm” thật tài tình. Có lần, bà nội đang ngồi têm trầu ngoài hiên. Bất chợt vang lên tiếng kêu thanh tao và man mác buồn: “Ơ… thằng chận vịt… chận vịt… chận vịt…”. Tiếng chim rất gần. Vang vọng khúc nhạc quê nghe thật bồi hồi, xao xuyến, rồi giòn giã, thúc bách. Bà nội ngẩng đầu lên lấy làm lạ, nghe ngóng. Bỗng dưng im bặt. Bà nội ngồi xuống chiếu trát vôi vào lá trầu. Tiếng tu hú lại cất lên da diết. Nội ngơ ngẩn. Tôi cười rinh rích như lũ chuột đồng. Tiếng chim lại chìm xuống. Một cái đầu nhô lên sau hàng dâm bụt, vùng chạy thục mạng. Nội bật cười hóm hém: “Tổ cha bay! Chú cháu mày ăn rồi mập thịt!”.
Tiếng chim tu hú của chị Nguyệt không ngọt ngào như tiếng chim tu hú của chú Cẩn. Khó đánh lừa được bà nội. May sao lúc ấy chỉ có một mình chú Cẩn ở nhà. Hai người dắt tay nhau đi ra vườn ổi sau hè. So với chị Thuận, chị Nguyệt có vẻ đẹp quyến rũ hơn nhiều. Một gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt đen tròn, ươn ướt tình, làn da mỡ màng, thân hình múp míp. Theo bà nội nhận xét, con gái ngực tròn, mông nở, da mát, mắn đẻ phải biết. Bà nội nói gần nói xa, tôi đoán biết trong hai người con gái đeo đuổi chú Cẩn, bà nội thích chị Nguyệt hơn. Bà nội chưa biết chị Nguyệt sắp đi lấy chồng. Và cũng không biết chú Cẩn yêu chị Thuận, nhưng đam mê sắc đẹp của chị Nguyệt. Chị Nguyệt là hiện thân của vẻ đẹp đầy hấp lực của làng Bùng.
Chú Cẩn dành chiếc võng cột ngang qua hai cây ổi cho chị Nguyệt. Chú ngồi bệt dưới đất, nôn nao: “Thằng Quý hái được hoa linh lan cho em?”. Người con gái mặt buồn rười rượi, nước mắt chực ứa ra, khẽ lắc đầu: “Em chưa thấy hoa linh lan. Chỉ nghe anh ấy nói. Nhưng em đã đồng ý làm vợ của Quý rồi. Hoa linh lan đối với em đâu còn ý nghĩa gì. Từ lâu, em biết mẹ anh không thương em. Tuổi con gái có thì anh à. Thôi đành nhắm mắt đưa chân. Mình gặp nhau đây là lần cuối cùng. Chị Thuận thật có phước”. Đôi vai chị Nguyệt rung lên nhè nhẹ. Tiếng khóc thật nhỏ, nhưng cũng đủ tê tái cõi lòng. Chú Cẩn bấn loạn. Nửa u buồn, nửa tiếc nuối, chú chồm lại bên chiếc võng với nụ hôn vồ vập. Bàn tay chú lùa vào ngực chị Nguyệt. Môi chú đê mê. Chị Nguyệt nghe hai đầu gò bồng đảo cảm giác rất mới lạ như đang bay lơ lửng giữa tầng mây. Ngay cái lúc chú Cẩn đang chuyển tư thế, chị Nguyệt vùng dậy: “Không được đâu anh! … Đó là của anh Quý…”.
*
* *
Theo những người lớn tuổi ở làng Bùng cho biết, bao đời nay chưa người nào lấy được viên hồng ngọc trên đỉnh núi Trời Cho. Chưa ai nhìn thấy viên ngọc đó hình dáng như thế nào. Kể cả loài hoa linh lan huyền diệu, mỗi người thêu dệt một cách khác nhau. Nhưng không vì thế mà niềm tin và ước vọng chinh phục núi Trời Cho lại vơi đi. Người con trai làng Bùng trước khi lấy vợ vẫn phải leo tới đỉnh núi Trời Cho để minh chứng chí khí con trai và thực hiện được lời hẹn thề với người con gái mà mình yêu thương son sắt. Đã có những người leo núi tìm hoa linh lan trong mùa mưa sẩy tay, trượt chân mang thương tích đầy mình. Đâu ai biết sẽ còn bao nhiêu chàng trai mạo hiểm dấn thân lên núi Một?
Ngày ngày, chú Cẩn vẫn dậy sớm, chạy đủ hai vòng quanh làng. Tháng tháng, chú Cẩn vẫn leo núi Trời Cho để tìm hoa linh lan. Năm năm, chú Cẩn vẫn khắc khoải đợi chờ cái ngày trời rung đất chuyển để núi đá tách ra mà lấy viên hồng ngọc.
Bây giờ, chú Cẩn lên đỉnh núi Trời Cho không còn khó khăn như trước. Chị Nguyệt đi lấy chồng. Chị Thuận cũng ngấp nghé lên xe hoa với chàng trai cuối xóm.
Một hôm vào lúc chiều muộn. Chị Thuận đi thẳng vào nhà bà nội. Chị xách theo chai rượu củ tỏi. Bà nội và chú Cẩn có lẽ đã hiểu ra sự việc. Miếng trầu têm dở trên tay bà nội được gác lại. Bà nội chợt xởi lởi (điều mà trước đây bà nội chưa từng đối xử với chị Thuận bao giờ): “Thuận đi mời đám cưới hả con? Lại đây ngồi với bác!”. Chị Thuận nhìn bà nội với cái nhìn đầy vẻ căm tức, nhưng lời nói lại ngọt mềm: “Dạ, cháu xin phép được thay mặt cha mẹ cháu mời bác và anh ngày kia sang nhà cháu uống ly rượu mừng…”. Tôi biết con tim chú Cẩn đang vỡ nát ra từng mảnh. Chú bưng ly rượu bằng bàn tay run run. Còn bà nội, ngoài mặt tỏ vẻ niềm nở, song trong lòng cũng không khỏi bão giông. Nội đã để vuột mất hai cánh hoa linh lan xinh đẹp, nết na và đảm đang nhất làng Bùng.
Từ khi chị Thuận đi lấy chồng, sáng nào chú Cẩn cũng dậy sớm, chạy quanh làng. Miệng chú lúc nào cũng lẩm bẩm: “Hoa linh lan! Hoa linh lan!”.
Trần Quốc Cưỡng