Tìm anh ngày giỗ Tổ

Đã mấy ngày đêm rong ruổi trên đường, chuyến xe đưa Vân hành hương về Đất Tổ vẫn náo nức rộn ràng. Đây là lần đầu tiên trong đời cô được ra Bắc. Từ Đất Mũi Cà Mau, tổ hưu của chị thuê chiếc ôtô 24 chỗ ngồi nhằm hướng bắc thẳng tiến. Chiếc xe chạy băng băng. Ai cũng mong chóng đến Phú Thọ để dự Hội Đền Hùng. Được viếng mộ Tổ là mơ ước của Vân và của mỗi người trong đoàn. Thực ra, ở Vân còn chất chứa một nỗi niềm khác nữa. Đó là trong chuyến đi này, Vân mong gặp lại Hải, người bạn chiến đấu, người yêu đầu đời của Vân.


Trên xe, mọi người ríu ran chuyện trò. Phong cảnh thanh bình của đất nước làm cho họ như trẻ lại. Cứ mỗi lần xe qua một địa danh chiến đấu năm xưa là mọi người lại xôn xao nhớ về kỷ niệm cũ. Đây là nơi tiểu đội của ông Quang dầm mình cả tháng trời dưới sình lầy để chờ giặc đến. Kia là bãi cát trắng dài ven biển nơi bà Hoan giả làm người buôn cá để mang mìn cho đội đặc nhiệm đánh tàu chiến Mỹ. Có nhiều nơi họ không nhận ra được nữa vì phong cảnh đã khác xưa. Nhà máy mọc lên. Phố xá tưng bừng. Người xe tấp nập. Chẳng còn đâu là hàng rào dây thép gai hay đồn bốt, xe tăng của Mỹ Ngụy nữa.

Minh họa: Trần Thắng


Qua đèo Hải Vân, xe dừng lại ít phút trên đỉnh đèo. Gió từ biển thổi lên lồng lộng. Mọi người say sưa ngắm nhìn trời đất bao la. Trời xanh, biển xanh như hòa làm một. Ai cũng có cảm giác bềnh bồng khó tả. Chiếc loa trong xe vang lên bài hát “Đường chúng ta đi” sao mà hay đến thế. Bất giác Vân cũng khe khẽ hát theo. Chị mơ màng nhớ về Hải, tưởng tượng ra cái giây phút gặp Hải. Chắc Hải sẽ ngỡ ngàng lắm.


Hồi ấy, cách đây trên ba mươi năm, Vân là một cô gái Nam bộ dịu dàng duyên dáng. Cô là y tá trong đội du kích hoạt động bí mật ở ngoại thành Sài Gòn. Một đêm tối trời cuối tháng tám, Vân đang ngủ thì có tiếng súng nổ rộ lên ở cuối xóm. Linh tính mách bảo cô điều chẳng lành. Có lẽ các anh ở trên cứ tập kích vào đồn giặc đã bị lộ. Vân choàng vội chiếc khăn lao đi. Cô lần về phía súng nổ. Tiếng đạn bay chiu chíu xé rách màn đêm, vạch thành những đường lửa nhức mắt. Bước chân người chạy rình rịch. Tiếng hô hét, tiếng chó sủa ầm ĩ. Pháo sáng bắn lên trời soi rõ từng cành cây ngọn cỏ. Vân nép người xuống bờ ruộng căng mắt theo dõi. Bọn địch lùng sục soi rọi đèn pin khắp nơi. Chúng quát tháo loạn xạ. Lát sau thì tiếng súng im hẳn. Bọn địch cũng co lại rút về đồn. Vân thở phào bò thêm một đoạn về phía bốt nghe ngóng. Chợt Vân quào tay vào một thi thể ướt sũng, nhầy nhụa.

Chắc là bê bết máu. Cô sững lại căng mắt nhìn. Không phải lính Mỹ. Cũng không phải thằng Ngụy. Đích thị là bộ đội đặc công đằng mình rồi. Vân áp sát tai vào ngực người lính. Tim anh đập yếu ớt. Còn sống! Anh ta còn sống! Bằng kỹ thuật chuyên môn của mình, Vân ngồi hẳn dậy làm động tác hô hấp nhân tạo cho anh. Lát sau, anh ta khẽ thở trở lại. Vân mừng quá. Cô vừa bò vừa cõng người lính đó trên lưng lết về nhà. Trong căn hầm bí mật, Vân cùng mẹ lau rửa, băng bó vết thương cho anh. Vài ngày sau người bị thương tỉnh hẳn. Tên anh ta là Hải, ở đơn vị trinh sát. Đêm ấy, tổ trinh sát của anh có nhiệm vụ tiếp cận mục tiêu, nắm tình hình đồn địch chuẩn bị cho một trận đánh mới. Không may cho anh khi đang bò vào hàng rào dây thép gai thì gặp lũ chó tuần tra đánh hơi thấy. Bọn địch bắn như vãi đạn. Anh lộn mấy vòng thoát khỏi hàng rào thì bị trúng đạn bất tỉnh. Rất may là chúng không phát hiện ra anh và anh chỉ bị thương vào phần mềm ở đùi và cánh tay phải.


Gần một tháng điều trị ở nhà Vân, Hải đã khỏi hẳn. Đêm đến, anh có thể lên khỏi hầm và tự đi lại được. Tình yêu giữa hai người nảy nở tự lúc nào không biết. Ở Hải, đó là lòng biết ơn cứu mạng, là sự cảm động trước những săn sóc chu đáo tận tình của Vân và cả gia đình cô. Nhiều lúc anh lên cơn sốt, Vân đã ngồi bên nâng đầu anh bón từng thìa cháo. Cô dỗ dành anh như một đứa trẻ. Khi tỉnh, mở mắt ra anh thấy ánh mắt Vân hiền dịu yêu thương ngay sát mặt mình. Khuôn mặt ấy đẹp tựa vầng trăng. Hơi ấm của người con gái tỏa ra làm anh ngây ngất. Vân như người chị, người mẹ chăm sóc anh, nâng giấc anh qua cơn hiểm nghèo. Hải hạnh phúc trong vòng tay âu yếm của Vân. Còn với Vân, Hải đáng để cho cô khâm phục kính trọng. Đau đớn là vậy mà Hải không một lời kêu ca. Anh cắn răng, gồng mình vật lộn trước những cơn đau. Những lúc khoẻ anh hiền khô, một mực chỉ đòi tìm về đơn vị để chiến đấu. Anh thủ thỉ tâm sự cho Vân nghe về gia đình và quê hương. Anh dạy Vân hát xoan, hát ghẹo. Những làn điệu dân ca nổi tiếng của quê hương Phú Thọ đã cuốn hút Vân. “Thuyền ai róc rách bên đồi là bên ư hừ đồi...”, câu hát ấy cho Vân tưởng tượng về miền quê Sông Thao với “rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”. Tay Hải bắt nhịp cho Vân hát. Ánh mắt cô mơ màng. Vân ao ước có một ngày được ra thăm Đất Tổ, được ngắm nhìn phong cảnh Phong Châu, vùng đất cội nguồn của dân tộc, để được đắm mình trong những làn điệu xoan ghẹo nổi tiếng quê anh.


Một đêm cuối tháng chín, trời không trăng, không sao, họ bịn rịn chia tay nhau. Hải tìm về đơn vị. Sông Sài Gòn đen thẫm trong đêm. Vân bí mật cùng con thuyền đưa Hải sang sông về cứ. Sang tới bờ sông bên kia hai người ôm nhau lưu luyến. Họ nắm chặt tay nhau. “Nhất định anh sẽ về với em, Hải nhé”. Giọng Vân thì thầm. Hải ghì đầu Vân vào ngực mình: “Chờ anh ngày chiến thắng, nghe em!”. Và nụ hôn đầu đời họ đã trao nhau bên bờ sông đêm ấy.


- Ôi! Việt Trì đây rồi! Đẹp quá!


Tiếng bà Hoan reo cắt ngang dòng hồi tưởng của Vân. Trên xe mọi người xôn xao. Ai cũng cố nhoài người ra phía cửa để được ngắm nhìn phong cảnh thành phố ngã ba sông. Lạ thật! Mấy ngày liền ngồi trên xe, ngỡ tưởng tuổi cao, đường xóc sẽ làm cho họ mệt nhoài, thế mà ra đến đây vẫn chẳng có một ai say xe, mệt mỏi gì cả. Chuyện trên xe vẫn ngày càng như pháo nổ. Gió sông Lô phơi phới thổi vào xe làm tung bay những mái tóc điểm bạc. Chú tài xế hào hứng:


- Ngọn núi xanh trước mặt phía tay trái kia là núi Hùng rồi đấy các bác ạ. Chỉ chục cây số nữa là ta sẽ về đến Hội.


Mọi người náo nức nhìn theo.


- Chú cho băng hát “xoan ghẹo” đi – Tiếng ai đó đề nghị.


“Thuyền ai róc rách bên đồi là bên ư hừ đồi...”. Giọng dân ca vang lên. Hồn Vân như cất cánh. Gió sông Lô mơn man. Thành phố ngã ba sông bồng bềnh trong nắng xuân, du dương cùng câu hát. Hải ơi, em đang về với anh đây! Liệu chuyến đi này mình có gặp nhau không? Đợi em ngày Giỗ Tổ, anh nhé!


Ngã ba Đền Hùng đông nghịt những người và xe. Không khí ngày hội tưng bừng trên gương mặt mọi người. Cả đoàn Vân xuống xe cuốn theo dòng người về phía Nghĩa Lĩnh mịt mùng khói sương, nhuốm màu rêu phong trên mái ngói của những ngôi đền tĩnh lặng, cổ kính. Vân và mọi người cùng kéo vào Công Quan, đến Bảo tàng. Tại đây, qua sa bàn, họ được xem toàn cảnh khu vực Đền Hùng. Kia sông Đà, sông Thao hợp lưu ở Tam Thanh. Xuôi chút nữa, sông Lô gặp sông Hồng ở ngã ba Bạch Hạc. Núi non, sông nước, mây trời như cùng về đây tụ hội. Cha ông ta tự ngàn xưa đã khéo chọn nơi này, với thế rồng bay, voi chầu, hổ phục, gối sơn đạp thủy để làm nơi khai cơ dựng nghiệp. Vân ngơ ngẩn, mơ màng thả hồn theo những lời thuyết minh của cô hướng dẫn viên. Chị như nghe thấy tiếng trống đồng của cha ông ngàn xưa vọng về.


Leo lên lưng chừng núi thì đến đền Hạ. Nơi đây thờ mẹ Âu Cơ với bọc trứng nở trăm con rồng tiên tạo dựng giang sơn. Ngày trước khi nghe Hải kể chuyện này Vân cứ cho là anh bịa. Bây giờ nghe cô hướng dẫn viên thuyết trình, qua tìm hiểu sách báo, Vân mới hiểu thêm về ý nghĩa của câu chuyện huyền thoại đó. Đền Hạ có mái khá thấp. Cửa đền hẹp, du khách vào đền phải cúi mình mới vào được. Phải chăng đó là dụng ý của người xây dựng muốn mọi người khi vào đền tỏ lòng thành kính với tổ tiên? Người chen người chật ních ở cửa ra vào. Ai cũng muốn vào thắp nén hương nhớ về tiên tổ. Chùa Thiên Quang ở cạnh Đền Hạ có cây thiên tuế ba ngọn duy nhất ở Việt Nam với tuổi đời 700 năm và hình dáng kỳ lạ. Trên cao, tán cây rì rào như thủ thỉ tâm sự câu chuyện ngàn năm với du khách. Lá cây đung đưa trong gió như vẫy chào Vân và mọi người.


Đoàn người lên Đền Trung. Nơi đây tương truyền Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày và là nơi Vua Hùng thường họp bàn việc cơ mật với lạc hầu, lạc tướng. Cạnh đền, cây chò chỉ vươn cao uy nghi hùng vĩ. Những trái chò chỉ có hai cánh rơi xoáy thành những vòng tròn trên không trung dẫn đoàn của Vân rời Đền Trung để lên Đền Thượng. Tiết xuân ấm ấp như tiếp sức, nâng đoàn Vân đi. Vượt hàng ngàn cây số, leo bao bậc đá thế mà ai cũng vẫn cảm thấy khỏe khoắn, vui vẻ lạ thường. Tổ tiên ơi, có phải chăng Người đang phù hộ!


Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh là Đền Thượng. Từ đây, mọi người có thể thả tầm mắt bao quát toàn cảnh Đền Hùng. Đền Thượng không chỉ thờ trời đất mà còn thờ thần lúa. Cái nôi của nền văn minh châu thổ sông Hồng, “văn minh lúa nước” Việt Nam chính là đây. Vân tưởng tượng cảnh Vua Hùng cứ mỗi độ xuân về lại cùng dân cày làm lễ cầu mong thóc thơm, mùa đẫy. Ơi cái thời vua tôi là một cùng cấy cày trên đồng ruộng mới thiêng liêng và hạnh phúc biết chừng nào! Cả đoàn Vân sau khi thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng xong cùng ngồi nghỉ dưới gốc cây trên đỉnh núi. Dòng người trẩy hội từ khắp nơi vẫn ùn ùn kéo về. Các ngả đường dưới chân núi đông đặc những người và xe. Nam thanh nữ tú từng đôi dìu dặt. Người ta ngồi khắp ở ven các núi. Tiếng loa đài, hò hát âm vang. Chim trên cành véo von ríu rít. Những tia nắng xuân tinh nghịch rọi qua kẽ lá như nhảy múa với mọi người.


Theo lối sau lăng mộ Vua Hùng, qua rừng trẩu ngát hương, đoàn của Vân xuống Đền Giếng. Đền Giếng thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Huyền thoại một tình yêu bất tử giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử đã làm cho Vân nhớ Hải biết nhường nào. Hải ơi, hội này anh có về không?


Chiều Đất Tổ dần buông. Đỉnh núi Nghĩa Lĩnh càng mịt mùng sương khói. Người trẩy hội không ai muốn về. Đoàn Vân cùng kéo nhau vào khu biểu diễn văn nghệ của các huyện. Tiếng đàn, lời hát rộn rã. Bất chợt câu hát “thuyền ai róc rách...” như lách ở trong tim chị vút lên đầu đưa chị về với ngày xưa cùng Hải. Hải ơi, giá như ngày ấy anh đừng “mất tích” sau trận chiến đấu trên đất bạn thì chúng mình đã mãi mãi bên nhau rồi không?


Từ cái đêm chia tay bên bến sông Sài Gòn năm ấy, họ không gặp lại nhau. Giải phóng miền Nam xong, Vân được đi học và trở thành bác sỹ. Còn Hải vẫn bặt vô âm tín. Mãi về sau này, đồng đội của anh cho Vân hay là Hải đã bị mất tích mãi tận biên giới Thái Lan. Vân đau đớn vô cùng. Và chị đã đi lấy chồng ở tuổi ba mươi sau gần chục năm trời chờ đợi. Đùng cái, cuối năm 1980, Hải người đầy vết sẹo vác ba lô lù lù về tìm Vân. Biết Vân đã lấy chồng, anh không hề oán trách. Anh mừng cho Vân. Chiến tranh vậy, biết làm sao được. Rồi Hải rời quân ngũ ra Bắc về quê. Từ đấy, họ vẫn thư từ đều cho nhau và coi nhau như những người bạn tốt. Ở trong sâu thẳm trái tim họ vẫn ánh lên những sợi tơ lòng thương yêu.


- Kính thưa quý vị khán giả! Tiếng một cô gái trên sân khấu vang lên - Sau đây mời quý vị khán giả xem hoạt cảnh “Bến sông quê” sáng tác tự biên của anh thương binh Lê Hải do đội văn nghệ xã Xuân Lộc biểu diễn.


Tim Vân nhói lên. Đúng rồi! Tên anh! Cả quê anh nữa! Chị dừng lại và nín thở theo dõi chương trình. Làn điệu dân ca Phú Thọ cùng với nội dung hoạt cảnh làm cho chị khẳng định không ai khác người sáng tác hoạt cảnh này chính là Hải của chị. Câu chuyện một người con gái tiễn người yêu ra trận bên bến sông quê có phải không, Hải ơi, là bến sông Sài Gòn đêm ấy? “Thuyền ai róc rách” câu hát mà anh dạy em dạo nào giờ được cô gái đẹp như nàng tiên kia hát ư? Sao mà nỗi niềm đến thế hả anh?


Bỏ mặc mọi người, Vân lách đám đông tiến về phía sân khấu. Chị len bằng được vào khu nhạc công. Gặp một số diễn viên, chị hồi hộp hỏi:


- Cháu ơi, cho cô hỏi các cháu có phải ở đội văn nghệ Xuân Lộc không?


- Vâng ạ! Cô tìm gặp ai?


- Cô muốn tìm chú Lê Hải, tác giả hoạt cảnh các cháu đang diễn đấy.


- Chú ấy không có ở đây đâu cô ạ. Chỉ có con chú ấy đang diễn kia thôi.


Vân nhìn lên sân khấu theo tay cô gái chỉ. Vừa lúc đó có một người đứng tuổi đến bên chị. Cô diễn viên trẻ giới thiệu với chị đó là đội trưởng đội văn nghệ xã Xuân Lộc. Vân cũng tự giới thiệu về mình. Họ làm quen với nhau. Chị sốt sắng hỏi thăm về Hải. Người đội trưởng văn nghệ xã cho chị hay là Hải mấy năm nay vết thương cũ tái phát, anh không đi đâu xa được. Có năm anh phải vào an dưỡng và điều trị tại Trại thương binh K5. Những ngày ở trại, sau mỗi cơn đau anh lại say sưa, vật vã để sáng tác hoạt cảnh này.


Chương trình biểu diễn kết thúc và thành công ngoài sức tưởng tượng của đội. Diễn viên quây quần bên người đội trưởng. Anh kéo tay một thanh niên trẻ đến bên Vân:


- Giới thiệu với chị đây là con anh Hải, người đóng vai chiến sỹ trong hoạt cảnh vừa rồi đó. Còn giới thiệu với Lộc đây là cô Vân, bạn của bố cháu từ miền Nam ra đấy.


- Ôi, cô là cô Vân! Bố cháu vẫn nhắc đến cô luôn - Người thanh niên reo lên - Thế cô ra một mình à?


- Không, cô đi cả đoàn. Các bác ấy vẫn ở ngoài kia. Thấy chương trình hay quá, lại đúng đội văn nghệ của xã bố cháu lên cô len vào đây bằng được.


- Bố cháu viết hoạt cảnh này đấy - Lộc hồn nhiên khoe.


- Cô biết rồi. Chính vì thế mà cô tìm được đến đây chứ.


Hai cô cháu và cả đội cùng cười. Dưới ánh điện sau sân khấu, nhìn ngắm dáng Lộc, chị như gặp lại Hải năm nào.


- Thế bố cháu bây giờ ra sao? Cả mẹ cháu và các em nữa?


- Bố cháu dạo này yếu lắm. Vết thương tái phát, bố cháu phải đi viện luôn. Năm vừa rồi, bố cháu phải nằm ở trại thương binh K5 mấy tháng đấy. Năm nay bố cháu khá hơn, đã về nghỉ tại nhà rồi. Nhưng mà bố cháu hay viết lắm. Toàn thơ, truyện với cả sáng tác sân khấu nữa. Bố cháu viết cả trong những cơn đau. Bố cháu hay nhắc về cô lắm. Cô có hay đọc các bài báo của bố cháu không? Sao cô ra mà không điện trước cho bố cháu?


- Cô định cho bố mẹ cháu bất ngờ.


Lộc liến thoắng trò chuyện với chị. Những bài báo của Hải đăng trên các báo chị đều đọc hết. Chính Hải đã gửi tặng chị mấy tờ báo có những bài thơ và truyện ngắn trong đó chất chứa những nỗi niềm cùng những kỷ niệm ngọt ngào của hai người. Lần này ra Bắc, trẩy hội Đền Hùng, kế hoạch của chị là dứt khoát phải tìm được Hải. Phải chăng vua Hùng run rủi phù hộ cho chị gặp may trong chuyến đi này?


- Ngày mai, cháu mời cô về thăm gia đình cháu, cô nhé.


- Nhất định rồi! Cô phải tìm gặp bố cháu, thăm mẹ cháu và gia đình cháu chứ.


- A lô! Chúng tôi xin thông báo: ai là Vũ Hồng Vân trong đoàn cán bộ hưu Thành phố Hồ Chí Minh ra ngay cổng Đền có người gặp.


Tiếng loa của Ban tổ chức bất chợt vang lên. Vân lúng túng. Thì ra đã hơn 10 giờ đêm. Đêm diễn đã kết thúc từ lâu. Mọi người đang giải tán ra về. Chắc anh em trong đoàn không thấy chị nên nhờ loa Ban tổ chức để gọi. Lộc nắm tay chị:


- Cô với cháu cùng ra cổng Đền gặp các bác ấy. Cháu mời cả đoàn cô về nhà nghỉ với đội văn nghệ của cháu.


- Đúng đấy! Chúng tôi mời chị và các bác trong đoàn về chỗ chúng tôi nghỉ. Hội xong sẽ về Xuân Lộc thăm anh Hải, thăm quê hương chúng tôi - Người đội trưởng chân tình.


Vân chưa biết nói gì thì Lộc đã kéo chị đi.


Trời đêm Đền Hùng mênh mông. Những bóng điện giăng mắc trên đỉnh núi lung linh huyền ảo. Tiếng nhạc hát từ những quán bán hàng vẫn vang lên rộn ràng. Người xe đi lại nhộn nhịp. Cả Đền Hùng đêm nay vẫn thức. Lòng Vân lâng lâng. Chị đang tưởng tượng ra giây phút gặp Hải. Được gặp lại anh trên quê hương Đất Tổ là chị mãn nguyện lắm rồi. Bất giác, chị khẽ mỉm cười một mình trong đêm.


Đỉnh núi Nghĩa Lĩnh in thẫm trong nền trời khuya lấp lánh ánh điện huyền ảo. “Thuyền ai róc rách bên đồi mà bên đồi ư hừ...”. Tiếng hát ai bất chợt vang lên khiến cho lòng chị càng xốn xang khó tả. Em đã về Đất Tổ, về bên anh rồi, Hải ơi!

Xuân Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN