Trái tim màu phượng vĩ

Đêm đã khuya. Bà dì của chồng Ngân đã dìu mẹ chồng Ngân vào buồng nằm. Bố chồng Ngân cũng đã ngả lưng ở chiếc giường ngoài. Trên chiếc chiếu trải giữa nhà, bốn chúng tôi vẫn ngồi im phắc. Khói hương đặc quánh cả hai gian nhà. Thỉnh thoảng gió từ ngoài cửa thổi tạt vào làm những que hương trên bàn thờ cháy lên đỏ rực, tàn hương lả tả bay... Ngân ngồi im lặng, chốc chốc lại nhìn về phía bàn thờ, nơi có tấm chân dung của Bảo với khuôn mặt trẻ trung, thanh tú. Cu Bình đã ngủ yên trong lòng tôi. Vành khăn tang trắng trên đầu nó tụt xuống, che gần hết khuôn mặt. Đôi vai gầy của Ngân chốc chốc lại rung lên từng đợt. Chúng tôi ngồi như vậy khá lâu, cuối cùng thì Quân lên tiếng:


- Thôi thế này nhé - giọng Quân khản đặc - Quân về, Thoa với Vi nghỉ lại đây cùng Ngân.


Tôi và Thoa lẳng lặng gật đầu. Quân về, tiếng xe máy xa dần rồi mất hút trong đêm. Tôi ra hiệu cho Thoa dìu Ngân vào buồng ngủ. Tôi bế cu Bình đặt nằm cạnh Ngân. Nhìn khuôn mặt non nớt của nó tôi rùng mình khi nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa nó sẽ mồ côi cả mẹ ...

Minh họa: Trần Thắng.


... Tôi, Quân, Thoa và Ngân học cùng một lớp, lại cùng khu phố nên thân nhau từ bé. Trong nhóm, Ngân là niềm tự hào của chúng tôi. Ngân học giỏi, lúc nào cũng đứng đầu lớp nhưng không hiểu sao Ngân lại thi trượt đại học. Cả lớp đều tiếc cho Ngân và động viên Ngân năm sau thi tiếp nhưng Ngân chỉ cười buồn: "Thi đỗ, mình cũng không có điều kiện đi học đâu ...". Nhà Ngân nghèo, bố Ngân mất sớm. Ngân là con cả, dưới Ngân còn có ba em đang ăn học nên Ngân không muốn mình trở thành gánh nặng cho mẹ. Cuối cùng thì Ngân và Thoa quyết định vào học trường trung cấp sư phạm của tỉnh, tôi và Quân lên đường đến thủ đô học đại học. Khi tôi và Quân còn đang đánh vật với kỳ thi chuyển giai đoạn thì Ngân và Thoa đã sắp ra trường. Đến khi tôi và Quân cầm được tấm bằng tốt nghiệp về quê xin việc thì Ngân và Thoa đã trở thành giáo viên của trường tiểu học thị trấn. Ngân đã lấy chồng và kịp cho ra đời một bé trai kháu khỉnh. Chồng Ngân là cán bộ Nhà nước, gia đình nhà chồng cũng tương đối khá giả nên Ngân có điều kiện chuyên tâm cho việc giảng dạy ở trường. Chẳng bao lâu Ngân đã trở thành niềm tự hào của trường tiểu học thị trấn. Chẳng những dạy giỏi Ngân lại còn hát hay, nghe Ngân hát có cảm tưởng như lời hát được vút ra từ chính trái tim đầy nhiệt huyết:"Tâm hồn em tươi ngát xanh như tán lá bàng, trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ ...".


Mãi rồi tôi và Quân mới xin được việc làm. Ngoảnh đi ngoảnh lại, bạn bè đã lấy vợ lấy chồng gần hết. Tôi thường nói đùa vui với Quân: "Hay Quân và Thoa lấy nhau đi, có ế thì ế một mình mình thôi". Thế mà rồi Quân và Thoa cưới nhau thật, cuộc sống vợ chồng bắt đầu từ hai bàn tay trắng vì cả hai bên gia đình đều nghèo. Tôi thì vẫn chưa đâu vào đâu. Tưởng rằng vợ chồng Ngân là sướng nhất, ai ngờ ...


... Một hôm tôi đang gội đầu thì Ngân ở đâu chạy vụt vào ôm lấy tôi khóc ngất. Khó khăn lắm tôi mới nghe được những từ Ngân nói đứt quãng giữa những tiếng nấc:


- Vi ơi... Vợ chồng mình... bị si đa rồi!


- Cái gì?- Tôi hỏi mà chẳng hiểu gì cả.


Ngân tức tưởi:


- Chắc tại anh Bảo... mùa hè năm kia... anh ấy đi nghỉ mát ở Đồ Sơn ...


Tôi vẫn chưa kịp hiểu gì thì mẹ tôi đã ôm lấy Ngân mà khóc:


- Sao mà oan nghiệt thế cháu ơi!


Tôi cứ đứng như trời trồng nhìn mẹ tôi và Ngân ôm nhau khóc. Đột nhiêm mẹ tôi hỏi:


- Thế thằng cu Bình có làm sao không?


Ngân lắc đầu. Mẹ tôi lau nước mắt và vực Ngân dậy rồi nói:


- Ngân, nếu con còn thương cu Bình thì con hãy về nhà ngay đi, nhỡ ông bà bên ấy có mệnh hệ gì... thì khổ lắm con ơi!


Ngân xấp ngửa chạy ra khỏi nhà tôi. Tôi chụp lấy cái xe đạp và đạp mải miết theo Ngân.


Trong nhà Ngân, bố mẹ chồng Ngân ngồi bất động trên phản. Chồng Ngân ngồi lặng yên cạnh chiếc bàn trà, khuôn mặt gần như vô cảm. Ngân đến bên chồng, dắt tay anh ra giữa nhà rồi ra hiệu cho anh cùng quỳ xuống:


- Vợ chồng con lạy bố lạy mẹ, bố mẹ thương chúng con thì bố mẹ hãy giữ gìn sức khỏe để sau này nuôi dạy cu Bình nên người... Vợ chồng con có tội... Con đâu ngờ đời con lại vô phúc thế... Con lạy bố lạy mẹ... hu hu ...


Ông bà Sinh kêu trời rồi cũng ôm mặt khóc hu hu. Phút chốc, căn nhà đầy tiếng khóc than như có đám... Tôi khụy xuống bậu cửa ...


Sau đám tang chồng ít ngày đã lại thấy Ngân đạp xe tới trường. Tôi làm ở phòng văn hóa, giờ giấc không quá khắt khe nên thường dậy muộn. Nhiều lúc nhìn thấy Ngân đạp xe qua trước cửa nhà mẹ tôi giục tôi mới ra khỏi giường. Sáng nay mẹ tôi bảo: "Chiều mày lên nhà cái Ngân xem sao, mấy hôm rồi không thấy nó đi làm". Tôi đi làm mà thấp thỏm cả buổi. Chiều lên nhà Ngân thấy Ngân nằm úp mặt khóc. Gặng hỏi mãi Ngân mới nói do có một số phụ huynh kiến nghị lên Ban giám hiệu nhà trường nên Ngân phải tạm thời không giảng dạy nữa mà sẽ làm công tác quản lý thư viện. Tôi khoát tay:


- Ôi dào, tưởng gì chứ thế càng mừng. Càng nhàn chứ sao, để mày còn giữ gìn sức khỏe chứ!


Tôi lấn lướt, cố tình làm giảm nhẹ vấn đề nhưng thực tình tôi thương Ngân lắm. Ngân không được lên lớp giảng bài khác nào như con chim không được hót. Lại còn đội tuyển học sinh giỏi Ngân đang phụ trách nữa chứ, Ngân tự hào và hy vọng rất nhiều ở các em vậy mà bây giờ lại phải dằn lòng trao đội cho người khác... Ở cái thị trấn bé nhỏ này, căn bệnh quái ác mà Ngân mắc phải vẫn là một nỗi kinh hoàng đối với tất cả mọi người. Họ ghê sợ và khinh bỉ... Tôi sợ rằng sự ghẻ lạnh của mọi người sẽ làm Ngân gục ngã trước khi căn bệnh kịp hoành hành...


Nhưng rồi những ngày khó khăn đối với Ngân qua mau, nhờ có sự phản kháng rất quyết liệt của học sinh mà Ngân đã được trở lại bục giảng. Ngày ngày tôi lại thấy Ngân chăm chỉ đạp xe qua trước cửa nhà tôi. Hôm tiễn các em trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh thì Ngân đổ bệnh phải vào cấp cứu trong bệnh viện. Tôi vào thăm Ngân thấy Ngân nằm trên giường bệnh, mỏng manh như một chiếc lá sắp lìa cảnh. Đêm đó tôi ngủ lại với Ngân nhưng Ngân thao thức mãi không ngủ được, cứ thấp thỏm không biết ngày mai các em sẽ làm bài thi như thế nào.


Các em học sinh trong đội tuyển lên tỉnh dự thi về là vào thăm Ngân ngay. Chúng chẳng chịu rời Ngân nửa bước, lúc nào cũng đòi ở bên Ngân. Mấy cô trò cùng thấp thỏm chờ báo kết quả. Ngân có vẻ khỏe lên một chút, có lẽ sắp được xuất viện. Tôi tìm gặp bác sĩ trực tiếp điều trị cho Ngân, nhưng thật bất ngờ, tình hình sức khỏe của Ngân lại xấu hơn tôi tưởng. Ông bác sĩ đưa cho tôi xem tấm phim chụp phổi. Nhìn tấm phim, tôi chẳng hiểu gì cả. Ông bác sĩ nhìn tôi, lắc đầu:


- Cô ấy còn trẻ quá! Chưa đầy hai sáu tuổi!


- Bác sĩ nói vậy là sao ạ?


- Cô ấy không còn sống được lâu nữa đâu!


Tôi ngồi im lặng mà có cảm giác như mình vừa bị hẫng khi bước hụt vậy.


Buổi chiều tôi đến, thấy phòng Ngân đầy những người. Có mấy chị trong Ban giám hiệu nhà trường, cả ông Chủ tịch huyện nữa. Ông Chủ tịch huyện bắt tay Ngân nói:


- Cảm ơn cô giáo, đây là lần đầu tiên huyện ta có học sinh đoạt giải nhất cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh.


Người đoạt giải là em Hạnh Trang, học trò cưng của Ngân, nhưng giờ này lại chẳng thấy em đâu.


Một lát sau mọi người ra về hết tôi mới thấy Hạnh Trang cùng mẹ và mấy người nữa đến. Thì ra là mấy bà phụ huynh học sinh đến xin lỗi Ngân về lá đơn kiến nghị Ban giám hiệu nhà trường dạo nọ.


Tiễn họ ra về, Ngân quay vào phòng gấp chăn màn, quần áo. Tôi hỏi:


- Làm cái gì vậy?


- Đi về chứ sao, còn bao nhiêu việc chờ mình ở nhà. Một em giải nhất, một em giải nhì thể nào cũng vào đội tuyển quốc gia. Mình phải lên lớp để ôn cho các em, kẻo không kịp...


- Nhưng liệu bác sĩ có cho ra viện không?


- Ô hay! Mình khoẻ thế này cơ mà!


Quả đúng là trông Ngân rất khoẻ. Tôi đi tìm gặp bác sĩ. Ông viết giấy cho Ngân ra viện và trầm ngâm nói:


- Kể cũng lạ, hiện trạng sức khỏe của cô ấy bây giờ rất tốt. Nhưng có thể chỉ là tạm thời thôi. Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, cho cô ấy ra viện, để cô ấy được lên lớp giảng bài biết đâu lại là một giải pháp tốt. Cô ấy cần được giảng bài, cần được nhìn thấy các em học sinh như cần nước uống vậy. Nhưng thực ra cô ấy không còn sống được bao lâu nữa đâu...


Tôi lặng lẽ quay về phòng Ngân. Đến trước cửa phòng bắt gặp tiếng hát Ngân thánh thót:"Tâm hồn em tươi ngát xanh như tán lá bàng. Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ...". Tôi gắng không để nước mắt trào ra, điềm tĩnh bước vào phòng.


- Ngân này, bác sĩ đồng ý cho ra viện rồi. Nhưng Ngân phải hứa là phải thật chú ý giữ gìn sức khỏe. Sức khỏe của Ngân là điều quan trọng nhất, quan trọng lắm đấy!


Thốt nhiên, Ngân quay sang nắm chặt lấy hai tay tôi, nói một cách rành rọt:


- Mình biết chứ. Mình biết mình không còn sống được bao lâu nữa, cho nên mình mới phải chạy đua với thời gian. Vi đừng nhìn mình bằng ánh mắt xót xa như vậy. Không phải lo cho mình, mình còn vững vàng lắm. Mình sẽ lên lớp, sẽ giảng bài tới hơi thở cuối cùng... Và khi mình ra đi, mình sẽ rất thanh thản...


Tôi buông tay Ngân và bỏ chạy ra ngoài. Khuôn viên bệnh viện xào xạc lá khô. Tôi ôm lấy một cái gốc cây. Và khóc. Chưa bao giờ tôi khóc vì Ngân.

Nếu khóc thì tôi đã khóc rất nhiều nhưng tôi đã cố nén lại. Nhưng bây giờ thì tôi không nén nổi nữa. Sẽ còn được bao lâu nữa, Ngân ơi... Đời đã đem đến cho Ngân nỗi oan nghiệt. Vậy mà trái tim Ngân, trái tim can đảm ấy vẫn hiến dâng những nhịp cuối cùng cho cuộc đời này.

Vi Thị Thu Đam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN