Trung thu mười sáu

Đêm Trung thu. Trăng sáng và tròn. Trăng chậm chạp bò lên từ phương Đông, phúc hậu như khuôn mặt bà tiên trong chuyện cổ tích, rạng rỡ như cô bé Lọ Lem lần đầu bước chân vào vũ hội tưng bừng…


Mà tưng bừng thật. Từ chập tối đã nghe tiếng chân rậm rịch, tiếng tở mở reo hò lẫn trong tiếng trống lân cà rùng, cà rùng từng chặp khiến bé Hạnh nôn nao. Ngồi nhà mà chân bé cứ ngọ nguậy không yên. Đúng; làm sao yên. Đáng ra, giờ này ba mẹ phải có nhà. Ba mẹ sẽ trông nhà, sẽ chuẩn bị cho bé cỗ Trung thu. Còn bé, đáng ra bé có thể tung tẩy đèn lồng, rồng rắn cùng chúng bạn theo đám múa lân; hay chí ít không đèn, không lân thì cũng phải được… ra đường. Giờ này, trẻ con khắp xóm chắc đang ở ngoài đường.

 

Minh họa: Trần Thắng

 

Chỉ có bé là không. Thật vô lí. Thật bất công. Bé Hạnh cảm thấy như mình đang… bị phạt. Mà còn tệ hơn cả bị phạt. Úp mặt vào tường - hay ăn vài roi mây - thì có thấm chi với chuyện… Trung thu không được ra đường? Mà… nào phải bé có lỗi gì cho cam. Cả xấp “phiếu bé ngoan” bé còn cất trong hộc tủ. Hôm qua ba còn nựng: Con gái ba ngoan nhất…. Trời ạ! Có đứa trẻ nào ngoan mà Trung thu lại… không được ra đường???


… Càng nghĩ, bé Hạnh càng ức. Ức đến… muốn khóc. Ơ, nhưng mà… bé khóc thật rồi; còn “muốn” gì nữa. Cô Chi sang trông nhà giúp đã tranh thủ về nhà. Cô bảo: Hạnh trông nhà nhé! Cô chạy quàng về bày cỗ cho em…. Bé Hạnh bặm môi, cố kìm nước mắt. Không được khóc. Khóc thì xấu. Khóc trước mặt cô càng xấu hơn. Hạnh không thể làm buồn lòng cô Chi. Cô Chi đã cặm cụi dọn nhà, cơm nước, tắm rửa cho Hạnh cả buổi chiều…. Nhưng giờ cô đi rồi; còn mình bé; bé tha hồ mà khóc.

Con gấu bông, túi bánh kẹo, cái lồng đèn ông sao không dỗ được bé. Cả “bà tiên trăng” hiền hậu, tròn vành cũng không dỗ được bé. Biết tỏng, dỗ được bé bây giờ chỉ có mẹ hoặc ba. Mà ba mẹ thì… còn lâu! Ba mẹ đưa chú Tùng đi viện. Nghe nói chú Tùng ốm nặng. Ốm gì mà ốm bất tử! Nhè ngày Trung thu của bé mà ốm? Muốn ốm, sao chú không ốm hôm qua, hoặc… hôm kia có phải đỡ khổ không? Bé Hạnh nhớ Trung thu năm ngoái có chú Tùng. Chú mang cho Hạnh cái lồng đèn to ơi là to cùng bao nhiêu bánh kẹo. Chú dắt Hạnh chạy cà rùng theo đám múa lân. Hạnh mỏi chân, chú còn kiệu Hạnh lên vai, bước ưỡn ẹo, ngả nghiêng giả làm… ông Địa khiến Hạnh cười như nắc nẻ. Vậy mà…


Bé Hạnh đâm ức cả chú Tùng. Chú Tùng hết thương Hạnh rồi. Nếu không, chú đâu có nhè Trung thu mà ốm. Còn ba mẹ nữa. Ba mẹ cũng không thương Hạnh nên mới để Hạnh chờ lâu. Chú Tùng ốm đã có bác sĩ. Ba mẹ có phải… bác sĩ đâu mà để bé đợi mãi, đợi mãi không thấy về!


…Trăng đã lên cao. Lại càng tròn, càng sáng. Trăng dãi vàng thôn xóm. Trăng dãi vàng xuống sân. Trăng nhẹ nhàng qua cửa, rón rén vào nhà. Những ngón vàng mềm mại của trăng khẽ khàng mơn man má Hạnh như muốn an ủi, vỗ về…. Bé Hạnh không hề hay biết. Bé vừa thiếp đi. Cô Chi sang đã thấy bé ôm chiếc đèn ông sao ngáy khò khò. Má bé còn nhòe nhoẹt nước mắt; nhưng miệng bé thỉnh thoảng lại tóp tép, nhoẻn cười. Hình như bé đang mơ về Trung thu năm trước. Ngày Trung thu có mẹ, có ba, và có cả chú Tùng…


*
*                  *


Bé Hạnh tỉnh giấc.


Bên cạnh bé là mẹ. Bé đang nằm trong lòng mẹ. Bé sung sướng rúc đầu vào ngực mẹ, hít hít mùi hương quen thuộc. Rồi… chợt nhớ ra, bé mếu máo, dằn dỗi quay lưng. Mẹ choàng tay ôm bé, thì thầm:


- Thôi thôi nào! Con gái cưng của mẹ. Mẹ xin lỗi…


- Hức, hức… - bé Hạnh càng khóc to hơn.


- Ơ, mẹ… “biết tội” rồi mà! Cục cưng của mẹ… quay lại nào! Mẹ thương…


- Hức, con hông quay! Con bắt đền…


- Ừ ừ, nín, ngoan, rồi ba mẹ đền.... Nè, mai mẹ bảo ba mua… búp bê, chở con đi ăn kem…


- Ứ ừ… hông! Con hông thèm kem, thèm búp bê! Ba mẹ đền con thứ khác!


- Được được! Thế… con gái mẹ muốn đền gì?


- Ba mẹ đền… Trung thu cho con! Hư, hư…


Ái dà! Vụ này mới… gay đây. Mẹ nhăn trán, cau mày, vẻ nghĩ ngợi. Rồi mẹ đi tìm ba. Mẹ thì thầm với ba. Ba cũng cau mày, nhăn trán. Được, để anh xem…. Trưa, ba lấy xe vào bệnh viện thăm chú Tùng. Lúc về, ba mang theo một gói tướng. Ba bảo Hạnh, giọng hí hửng, tự tin:


- Xong rồi. Ba mẹ sẽ “đền Trung Thu” cho con…


Bé Hạnh ngạc nhiên. Thực tình, bé chỉ muốn “làm khó” ba mẹ cho… đỡ ức chút thôi; chứ bé thừa biết Trung thu qua rồi, còn đâu! Bé thì thào hỏi mẹ lấy… Trung thu ở đâu ra. Mẹ cười, bí mật: Mẹ nhờ…- Mẹ nhờ ai? - Nhờ… ông Bụt! Thật chẳng hiểu đầu tai cua nheo ra sao. Bé Hạnh bán tín, bán nghi. Chuyện khó tin ghê. Mà lại… không thể không tin. Xưa nay, ba mẹ chưa hề nói dối bé bao giờ…


*
*               *


Đêm. Trăng lại chậm chạp bò lên từ phương Đông. Không còn nghe tiếng reo hò, tiếng trống lân; nhưng trăng thì vẫn thế - sáng rỡ, tròn vành. Cơm nước xong, cả nhà Hạnh bỗng rộn lên. Mẹ lui hui bày cỗ; ba đốt nến, treo đèn. Chưa hết; ngoài ngõ có tiếng lao xao; rồi lũ bạn hàng xóm của Hạnh ùa vào. Mảnh sân con bỗng chốc râm ran tiếng cười, tiếng nói…. Tuyệt thật! Bây giờ bé Hạnh mới tin, thực sự tin ba mẹ đang “đền” Trung thu như đã hứa. Bé chỉ tiêng tiếc một điều: giá mà có thêm đám múa lân…


Nhưng bé chẳng có thì giờ tiếc nuối lâu; bởi bé thấy ba đang khệ nệ bê ra sân cái gói “bí mật”, to đùng. Con mở ra đi. Quà của chú Tùng…. Quà chú Tùng ư? Ôi, bất ngờ thật; thế mà bé nghĩ không ra. Bé hăm hở gỡ lớp băng dính, tháo dây buộc, mở tung. Chao ôi! Bên trong đựng nguyên một cái… đầu lân cùng mặt nạ ông Địa, quạt lông và một lũ trống to, trống bé! Chưa hết, dưới đáy còn một bức thư. Thư của chú Tùng. Chữ chú to ơi là to (cho Hạnh dễ đọc đây mà!). Xem nào; bé Hạnh lẩm bẩm đánh vần. Thư chú viết:


…Bé yêu, chú Tùng bị bệnh, làm mất Trung thu của cháu. Chú Tùng… hư quá phải không? Thôi, cháu đừng buồn; chú đền cho cháu Trung thu khác nhé! Trung thu mười sáu…


Thốt nhiên, bé Hạnh buông thư, òa khóc. Thương chú Tùng quá. Vậy mà bé nỡ trách chú. Qua màn nước mắt mỏng, bé thấy ông trăng mười sáu - trăng Trung thu của chú Tùng - như tròn hơn, to hơn, sáng hơn. Và cả chú Tùng nữa. Chú Tùng cũng to lớn, rực rỡ, lung linh như ánh sáng của vầng trăng. Ngày mai, bé nhất định phải theo ba vào bệnh viện thăm chú Tùng. Bé sẽ làm quà cho chú thật nhiều phiếu bé ngoan; sẽ xin lỗi chú - và kể chú nghe về đêm Trung thu mười sáu. Đêm Trung thu đáng nhớ nhất trong đời…

 

Y Nguyên


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN