Trường “cấp 4” ước mơ

Bữa nay thằng Sửu đi học về, thấy nó buồn xo. Nó chẳng thèm liếc nồi rau rừng luộc và cá trắm kho mà nó vẫn thích, thậm chí chị Sang chào nó cũng không thèm đáp lại. Vứt túi vải sờn rách vào một xó nhà, thằng Sửu trưng cái mặt ủ rũ ngồi xuống bên cửa sổ, nó tựa cằm nhìn trưa nắng gắt chiếu thằng vào ngôi nhà liêu xiêu của Pá mế nó. Trưa rồi, Pá mế nó đi vào rừng kiếm củi từ sáng vẫn chưa về.

Thằng Sửu từ cửa sổ thều thào nói với chị Sang đang cho lợn gà ăn ngoài sân:

- Em chẳng muốn đi học nữa. Chị xin Pá mế cho em ở nhà chăn dê, nuôi lợn gà với chị Sang nhé. Chẳng mấy chốc giàu, em cưới vợ.

Chẳng phải lần đầu tiên nó đòi nghỉ học. Thằng Sửu biết, để nuôi nó ăn học, Pá mế nó và chị Sang phải làm lụng vất vả thế nào. Bữa ăn ở nhà không bữa nào không đói, vậy mà Pá mế còn phải lo cho nó đi học, mấy năm rồi nó cũng có đem cơm gạo về cho Pá mế nó được đâu. Vả lại, nó cứ đi học mà không lo kiếm tiền thì lấy tiền đâu cưới vợ.

Minh họa: Trần Thắng

Quyết định bỏ học, thằng Sửu tiếc lắm, nó vẫn muốn được nghe những câu chuyện phiêu lưu đầy màu sắc của cô Liên. Cô Liên là cô giáo chủ nhiệm lớp nó năm nay, cô trẻ, xinh và giảng văn rất hay. Những miền đất và những câu chuyện đầy màu sắc qua giọng cô Liên kể in sâu vào tâm trí thằng Sửu. Nó thấy mình nhỏ bé khi không nhìn thấy gì khác ngoài thung lũng và trường học nghèo khó của nó, nên khi được phiêu lưu đến các địa danh đẹp đẽ qua lời cô Liên kể, nó biết ơn cô lắm. Cô Liên nhà ngoài thị xã, người thị xã nhưng cũng chẳng có xe máy, nó toàn thấy cô đạp xe lọc cọc bên kia đồi từ thị xã về trường dạy học, cô thương học trò và thường động viên chúng nó cố gắng học hành. Lâu dần, nó quý cô lắm, ngay cả lúc tan học về nhà nó vẫn nghĩ mãi về những bài giảng của cô, nhớ giọng nói, tiếng cười của cô.

Đầu năm, nhà nó kéo dây điện về, Pá mế nó dùng chút tiền gom góp được đến cửa hàng bán đồ cũ ngoài thị xã mua một chiếc tivi đen trắng cho chị em nó. Thế là cứ tối đến, khi nó đã học xong bài và chị Sang đã khâu xong váy áo, nó và chị Sang say sưa ngồi bó gối trước cái tivi đen trắng màn hình nhập nhoạng không rõ tiếng và hình ảnh, không hiểu sao tiếng rè rè và những cái bóng uốn cong trên màn hình lại làm chị em nó khúc khích cười ngay cả khi chúng nó đã chìm sâu vào giấc ngủ.

Cái xe cút kít chở hàng của Pá nó đã hỏng hóc nhiều, thậm chí rời hết bánh và ốc vít, mùa lúa sắp tới Pá nó biết lấy gì chở lúa. Mế nó thì bao mùa rồi không sắm được một chiếc trâm cài tóc đẹp hơn, cả váy áo cũng chằng chịt vết khâu vá. Chị Sang thì đang độ tuổi thiếu nữ, chị cũng chẳng có váy áo, phấn son gì để diện ngày lễ Tết. Bằng tuổi chị, trai gái người ta xúng xính trẩy hội nô nức. Sau đêm cùng dạo bước chợ tình, đôi nào đôi nấy dắt tay nhau về bản, còn chị Sang, chỉ vì nghèo quá mà chị chưa lần nào được diện váy áo mới đi chợ tình, chưa từng hò hẹn với chàng trai đẹp nào ngoài… thằng Sửu.

Nghĩ nhiều quá thằng Sửu đâm ra chán ăn và ủ rũ. Nó đã quyết định từ mai sẽ nghỉ học, ở nhà phụ giúp Pá mế và chị Sang. Câu nói thều thào của nó đầy luyến tiếc nhưng cũng đầy quả quyết. Chị Sang quay sang thằng Sửu:

- Mới tí tuổi mà đòi cưới, mày cưới ai được hả Sửu?

Sửu đáp không cần nghĩ ngợi:

- Cô Liên, 10 năm nữa lớn em cưới cô Liên

Thằng quỷ Sửu nhà chị mới tí tuổi mà nó suy nghĩ hay ho thật. Học không lo học, suốt ngày đòi bỏ học đi kiếm tiền, Pá mế nó mà biết thì đau lòng lắm. Chị Sang nhìn đôi mắt suy tư của thằng Sửu, chị nhận ra lần này nó hoàn toàn nghiêm túc, mọi lần sợ Pá mế buồn nó chỉ nói nửa đùa nửa thật với chị, nhưng hôm nay nó thều thào đầy quyết tâm.

Thằng Sửu thích học lắm và cũng là đứa thông minh, nhanh nhẹn nhất nhà, lại là con trai và hết mực ngoan ngoãn nên cả nhà chị dốc hết tiền của cho nó đi học, còn chị chỉ được học 1 năm rồi ở nhà với Pá mế. Một mình thằng Sửu đến trường nhưng nó lấy cái chữ về cho cả gia đình, và sau này là cho cả bản làng nó. Thế mà giờ nó bảo nghỉ học để kiếm tiền cưới vợ, chị Sang nạt nó ngay:

- Hoặc là mày xóa ngay hai chữ “nghỉ học” ra khỏi đầu, hoặc là 10 năm sau dù giàu nứt vách cũng không cô giáo nào ngó đến mày. Công sức của Pá mế và tao nuôi mày đi học mấy năm nay mày đổ xuống sông hết à, liệu kiếm được tiền rồi mày có mua trả lại được những giọt mồ hôi của Pá mế không.

Lần đầu tiên chị Sang quát nó với ngữ khí nặng như thế. Chị vừa quát vừa quệt giọt nước mắt rỏ xuống má. Chị biết thằng Sửu đòi nghỉ học cũng vì lo nghĩ cho chị và Pá mế, nên chị vừa quát nó vừa tủi thương nó. Nó là đứa con hiếu thảo, đứa em ngoan và trò giỏi, nhẽ ra tuổi của nó chỉ việc vui chơi học hành với chúng bạn, đằng này nó biết nghĩ sớm quá.

Chị gần như muốn nức nở. Chị cũng thiệt thòi nhiều, Pá mế đặt tên chị là Sang nhưng nào thấy phú quý và tỏa sáng ở khoảnh khắc nào đâu. Chị không được đi học, đến tầm tuổi xuất giá cũng chưa từng yêu ai, mười mấy năm nay khoảng trời duy nhất chị nhìn thấy là lòng chảo thung lũng đầy nắng này… Nhưng có hề gì, chị là con cả, và là con gái nên phải biết hy sinh vì Pá mế - người đã cho chị một cuộc đời, sau này người sẽ ở cùng phụng dưỡng Pá mế là thằng Sửu, còn chị một khi đã bị gả đi sẽ tất bật với cuộc mưu sinh mới…

Thấy chị Sang khóc, thằng Sửu cũng ngấn lệ nhưng nó kịp thời chặn lại những giọt nước mắt yếu ớt, nó là đàn ông sao lại dễ dàng khóc được. Thằng Sửu nhảy từ bệ cửa sổ xuống chạy đến ôm lưng chị:

- Em xin lỗi. Chị Sang đừng khóc, em không nghỉ học nữa đâu. Từ giờ dù Pá mế có bắt em nghỉ em cũng vẫn đi học. Em phải học lên cấp hai, cấp ba và học đến cấp 4… Đến tận cấp cao nhất mới thôi.

Chị Sang cười ngặt ngẽo trước lời nói hiếu thảo có phần ngô nghê của thằng Sửu, nó mới học lớp 5 nào đã biết sau cấp ba là đại học chứ không phải cấp 4.
Pá mế về, mắt chị Sang hết đỏ, thằng Sửu quên lẹ ý nghĩ bỏ học, nó lại loắt choắt như con chim sơn ca chạy quanh sân phơi măng, hong củi đỡ Pá mế. Gia đình nó quây quần bên mâm cơm nhỏ, thằng Sửu vừa ăn vừa kể không ngớt những câu chuyện về trường lớp cho Pá mế và chị Sang nghe. Pá mế nó cười giòn, chị Sang chặn lại những giọt nước nóng hổi đọng trên mi, cười vui vẻ với Pá mế và thằng Sửu.

Mỗi tháng đi học cấp ba trên tỉnh về, thằng Sửu đều mang những vật dụng nhỏ xíu mà nó tự làm đem về cho Pá mế và gửi cho chị Sang. Tháng thì nó đem quạt máy nhỏ, ghế mây, tháng thì nó đem tủ gỗ, mấy cái máy cát - xét cũ đem về cho Pá mế. Còn chị Sang, nó gửi cho chị cái nôi gỗ để cái Rít con gái đầu lòng của chị nằm, chị cảm động lắm, thương nó đi học xa mà mỗi năm chị cũng chỉ về thăm Pá mế và nó được vài lần, mỗi lần đến cũng chỉ cho nó được vài củ khoai, nắm gạo và những lời động viên chứ chị chẳng có chút tiền nào cho nó ăn quà vặt.

Thằng Sửu lớn lên khôi ngô giống Pá, nước da nó ngăm đen vì đi nắng về mưa nhiều, phải chăng nó được ăn uống tốt thì cái dáng cao gầy của nó đã cân đối hơn. Nhưng nó gầy thế mà khỏe lắm, đi học, làm việc, sửa chữa, chế tạo đồ dùng thế mà nhanh và giỏi lắm. Chị Sang đinh ninh “chắc nó sẽ vào được cấp 4 thôi”.

Mùa hè năm chị sinh thằng Páo, đứa con trai thứ hai, thằng Sửu đỗ thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội. Thằng Sửu sung sướng đem giấy báo về tận nhà chị, nó ôm hôn chị và hai đứa nhỏ, nó khóc nức nở như không phải thằng Sửu năm lớp 5 gạt đi nước mắt ôm lưng chị hối lỗi.

- Sang à, em đỗ cấp 4 rồi Sang ơi, em đứng đầu toàn thành phố luôn đấy. Em hứa với chị sẽ chế tạo một chiếc ô tô thật đẹp đưa đón cái Rít, thằng Páo đi học trường tỉnh, và đưa cả gia đình mình đi đây đó thật nhiều Sang nhé!

Chị Sang cũng nức nở trong niềm hạnh phúc, chị lau nước mắt cho nó, khuôn mặt nó sạm đi nhiều quá. Khi nó mười tuổi, chị nạt nó trong niềm tủi thương vô hạn, khi nó 18 tuổi chị vẫn tủi thương nhiều cái dáng gầy của nó. Chị cười vỗ má thằng Sửu:

- Ừ, Pá mế và tao đợi mày đem ô tô về bản. Trong lúc chờ, tao cõng con Rít và thằng Páo vượt suối đi học trước. Đứa nào lười học tao gọi mày về đánh gãy chân. Mà mày nhớ phải rước một cô giáo về bản đấy nhé.

Thằng Sửu cười. Năm thứ hai về nghỉ hè, nó kéo về một chiếc xe cút kít đánh bóng thơm phức, trên xe còn có một vài thứ khác nào máy cắt cỏ, máy tỉa cây… và một… nữ quỷ tóc ngắn vai đeo ba lô, trên tay cầm chiếc máy ảnh chớp lia lịa cảnh quan của lòng chảo đầy nắng.

Từ phía xa, chị Sang không khỏi nghi hoặc:

- Các cô giáo bây giờ khác xưa nhiều quá!


Quàng Phương Thảo
Phố của tôi
Phố của tôi

Tôi chuyển đến khu phố này đúng thời điểm nắng nóng nhất. Chiếc xe ba gác chầm chậm dừng lại bên cánh cửa gỗ màu xanh vẫn còn dán thông báo có phòng trọ cho thuê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN