Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các trường đăng ký thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016 về Bộ trước ngày 30/1. Những thông tin chi tiết từ các trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh trong việc chọn trường và ngành đào tạo. Các trường báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo sau thời hạn nêu trên sẽ chịu trách nhiệm trong việc tự công bố thông tin tuyển sinh của trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường công bố công khai thông tin về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016 trên trang thông tin điện tử của trường (bao gồm cả các thông tin chi tiết về các chuyên ngành đào tạo; các chương trình hợp tác quốc tế ...), đảm bảo thống nhất với các thông tin đã đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức tư vấn xét tuyển năm 2015. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Hiện nay, một số trường đại học, cao đẳng đầu tiên của cả nước đã bắt đầu công bố dự kiến phương án tuyển sinh năm 2016.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2016 tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Điều kiện sơ tuyển (dự kiến) là trung bình cộng của các điểm trung bình năm học lớp 10, 11, 12 đạt từ 6,5 (đại học), 6,0 (cao đẳng).
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 sẽ mở rộng đối tượng xét tuyển; xét tuyển dựa trên kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia và liên thông trong toàn hệ thống; bổ sung tiêu chí cho các ngành đặc thù. Năm 2015, trường tuyển thẳng vào đại học đối với học sinh của một số trường chuyên nhưng năm 2016 sẽ mở rộng thêm diện tuyển thẳng. Điểm mới nữa là, thí sinh không nộp hồ sơ xét tuyển vào từng trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mà chỉ có 1 cổng nộp hồ sơ cho toàn hệ thống. Thí sinh sẽ có 5 nguyện vọng vào 5 trường khác nhau.
Năm 2016, trường Đại học Lạc Hồng sẽ tuyển sinh theo 2 hình thức: Xét tuyển theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển theo học bạ Trung học phổ thông.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có tổng chỉ tiêu dự kiến năm 2016 khoảng 6.000 và phương án xét tuyển tiếp tục thực hiện như năm trước. Cụ thể, trường sẽ thực hiện việc xét tuyển theo tổ hợp 3 môn thi tương ứng với từng ngành đào tạo dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia. Trường sẽ áp dụng điều kiện sơ loại, đó là thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp 3 môn thi xét tuyển trong 3 năm học phải đạt từ 20,0 trở lên. Tổ hợp 3 môn xét tuyển được chọn trên cơ sở các khối thi truyền thống của trường trước đây (A, A1, D1, D3) và bổ sung thêm các tổ hợp môn thi khác (Toán-Hóa-Anh, Toán-Hóa-Sinh) nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều lựa chọn hơn. Toán được chọn là môn thi chính (hệ số 2) khi xét tuyển vào một số ngành đào tạo.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng dự kiến sẽ tuyển 5.000 chỉ tiêu (tăng 300 chỉ tiêu so với năm 2015), theo hai phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại cụm thi do các trường đại học chủ trì (xét tuyển bổ sung nếu còn chỉ tiêu).
Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 11 ngành/chuyên ngành bậc đại học hệ chính quy với 4.000 chỉ tiêu năm 2016. Đáng chú ý, năm nay là lần đầu tiên nhà trường áp dụng chính sách ưu đãi học phí (giảm 50%) cho một số chuyên ngành khó tuyển như: Toán tài chính, Thống kê kinh doanh, Kinh tế chính trị, Kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xét tuyển dựa vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và vẫn giữ nguyên tổ hợp xét tuyển như năm 2015 nhưng dự kiến bỏ nhân hệ số môn Toán...