Cách điền chính xác phiếu dự thi THPT Quốc gia 2018

Hiện các thí sinh đã bắt đầu đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018, đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học đợt 1. Nhằm tránh những sai sót không đáng có trong quá trình đăng ký, thì sinh cần phải lưu ý những điểm sau:

Trong phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT Quốc gia gồm 4 phần, gồm thông tin cá nhân; phần thông tin đăng ký dự thi; thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT và phần thông tin dùng để xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học, trung cấp.

Các em học sinh cần nghiên cứu kỹ trước khi ghi hồ sơ đăng ký dự thi. Ảnh minh hoạ: Phương Vy/TTXVN

Ở mục Sở Giáo dục và Đào tạo, phần mã Sở, thí sinh lưu ý đăng ký tại đơn vị đăng ký thi thuộc sở hữu của Sở nào thì ghi tên Sở đó vào vị trí trống, sau đó điền hai chữ số biểu thị mã Sở vào 2 ô trống tiếp theo, mã Sở Giáo dục và Đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Còn ở mục số phiếu là nơi tiếp nhận đăng ký dự thi, thí sinh không ghi mục này.


Ở phần điền họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, dân tộc thí sinh lưu ý viết đúng như giấy khai sinh của mình, viết bằng chữ in hoa có dấu, bằng số học (chữ viết thường) theo yêu cầu cụ thể của từng mục; nữ ký hiệu số 1, nam ký hiệu số 0; điền đầy đủ thông tin Chứng minh nhân dân hoặc số thẻ Căn cước công dân, hộ khẩu thường trú, nơi học THPT hoặc tương đương, điện thoại, địa chỉ liên hệ thí sinh. Thông tin điền vào cần rõ ràng, dễ đọc, không tẩy xóa. Đặc biệt, ở mục nơi học THPT hoặc tương đương, thí sinh cần ghi rõ tên lớp 12 đang học; thí sinh tự do ghi “TDO”. Ghi mã tỉnh nơi trường đóng vào 2 ô đầu, mã trường vào 3 ô tiếp theo (mã trường theo quy định của Sở GD-ĐT). Đối với thí sinh là công an, quân nhân được cử đi tham gia thi tuyển THPT Quốc gia thì ghi mã tỉnh tương ứng với nơi đóng quân và mã trường là 900.


Đối với mục Hộ khẩu thường trú, thí sinh ghi mã tỉnh (thành phố) và mã huyện (quận). Chỉ ghi mã xã đối với các trường hợp xã thuộc diện đặc biệt khó khăn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh cần tra cứu đúng nơi đăng ký dự thi để ghi mã tỉnh (thành phố), mã huyện (quận), mã xã (phường) nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú vào các ô tương ứng, thí sinh không ở trường hợp thuộc diện xã đặc biệt thì bỏ trống ô mã xã. Sau khi điền đầy đủ mã các đơn vị hành chính thì ghi rõ ràng ở dòng trống phía dưới. Đối với thí sinh thuộc diện ưu tiên đối tượng hay ưu tiên khu vực có liên quan đến hộ khẩu thường trú, thì hộ khẩu thường trú phải khẳng định trên 18 tháng tại khu vực I hoặc trên 18 tháng ở xã đặc biệt khó khăn.


Ở phần thông tin ĐKDT, trước khi điền phần này, thí sinh cần xác định rõ mục đích của việc tham dự kỳ thi và đăng ký bài thi (đối với học sinh hoặc thí sinh chưa tốt nghiệp THPT) hoặc môn thi thành phần (đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT). Ở các mục như mục đích ĐKDT, cụm thi, nơi ĐKDT, bài thi ĐKDT thí sinh điền thông tin bằng cách đánh dấu X vào ô bên cạnh thông tin tương ứng. Lưu ý, năm 2018, thí sinh ĐKDT bài thi nào phải tham gia đủ các bài thi đó, nếu không tham gia sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.


Đối với phần thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT gồm có thông tin đăng ký miễn thi ngoại ngữ, đăng ký môn xin bảo lưu, học sinh THPT hoặc thí sinh chưa tốt nghiệp THPT điền vào thông tin các mục này. Nếu không có yêu cầu miễn thi ngoại ngữ hoặc không có môn xin bảo lưu thì bỏ trống.


Còn ở phần thông tin dùng để xét cao đẳng, đại học, trong mục đối tượng ưu tiên tuyển sinh, thí sinh tự xác định đối tượng ưu tiên, ghi đúng ký hiệu theo quy định. Đối với thí sinh có mục đích đăng ký dự thi THPT Quốc gia cần điền đầy đủ khu vực tuyển sinh vào ô tương ứng. Khu vực 1 (KV1) điền chữ số 1, Khu vực 2 - nông thôn (KV2-NT) điền 2NT, Khu vực 2 (KV2) điền số 2, Khu vực 3 (KV3) điền số 3. Trong 3 năm THPT học ở đâu lâu hơn được hưởng ưu tiên khu vực đó. Đối với thí sinh được ưu tiên theo hộ khẩu thường trú, căn cứ quy định của quy chế tuyển sinh đại học 2018, phần mềm đăng ký sẽ tự động xác định mức điểm ưu tiên.


Ở mục cuối cùng đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào cao đẳng, đại học dành cho thí sinh có nguyện vọng đăng ký nguyện vọng vào đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo. Để ghi thông tin mục này, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của từng trường.


Trước khi điền phần này, thí sinh cần tra cứu mã trường đại học muốn xét tuyển. Mã trường viết bằng ba chữ cái in hoa. Sau mã trường, thí sinh nhất thiết phải điền mã ngành/nhóm ngành; tên ngành và tổ hợp xét tuyển. Năm nay không giới hạn về số nguyện vọng trong 1 trường cũng như nhiều trường, các nguyện vọng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất). Trong một trường, thí sinh có thể chọn nhiều ngành hoặc tổ hợp ngành. Các thí sinh thi vào các trường công an, quân đội bắt buộc phải qua vòng sơ tuyển. Trường hợp đăng ký nguyện vọng 2 mã ngành cùng 1 trường, các thí sinh để 2 nguyện vọng thành 2 dòng ở mục 21, mỗi dòng 1 nguyện vọng.


Các đơn vị đăng ký dự thi thu phiếu đăng ký của thí sinh từ ngày 1 đến 20/4. Sau ngày 20/4, thí sinh sẽ không được thay đổi điểm thi và thông tin về bài thi, môn thi đã đăng ký.


Mai Phương/Báo Tin tức
Không nên chọn cả hai tổ hợp môn thi và không quá 5 nguyện vọng xét tuyển
Không nên chọn cả hai tổ hợp môn thi và không quá 5 nguyện vọng xét tuyển

Trong quy chế tuyển sinh, thí sinh được đăng ký chọn dự thi cả hai bài tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho rằng, việc chọn liền lúc hai tổ hợp thi có thể sẽ làm cho kết quả thi không tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN