Bên cạnh đó, việc độ tuổi của đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường quá cao, cũng như việc trường chưa đưa được ra ngưỡng điểm đầu vào của ngành đào tạo y, dược… là những vấn đề khiến cho kết luận cuối cùng của việc có cho mở ngành y dược ngay trong năm học tới không, vẫn là câu hỏi ngỏ.
Vẫn còn thiếu trang thiết bị
Trong cuộc họp liên Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế) diễn ra chiều 28/12, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD - ĐT đã thông báo những kết quả kiểm tra. Theo đó, các phòng thực hành cơ sở cho đào tạo y đa khoa đã đủ, trừ phòng thực tập giải phẫu (giải phẫu trên xác) là chưa có. Tuy nhiên, các phòng thực hành chưa được trang bị những trang thiết bị cơ bản, chuyên ngành. Hiện tại, nhà trường mới chỉ có hợp đồng mua bán các thiết bị, dụng cụ cho các phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu đào tạo, trị giá 11 tỷ đồng và dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 1/2016. “Trường có 10 phòng thực hành dược học, được đánh giá là đủ số lượng. Tuy nhiên, các phòng này còn thiếu thiết bị so với danh mục (kể cả một số thiết bị cơ bản) chỉ đáp ứng khoảng 10% so với yêu cầu. Trường đã có 5 hợp đồng mua bán ghi thời hạn chốt là 20/2/2016 giao hàng, trị giá 23 tỷ đồng, gồm các thiết bị, dụng cụ cho các phòng thí nghiệm”, ông Nguyễn Đức Cường cho biết.
Đại diện đoàn kiểm tra liên ngành Bộ GD - ĐT và Bộ Y tế trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề đào tạo y dược. |
Về đội ngũ giảng viên, theo báo cáo của đoàn kiểm tra, đối với ngành y đa khoa, trường có 56 giảng viên, 23 GS, PGS, TS và 11 thạc sĩ, 10 chuyên khoa I và 12 chuyên khoa II. Trong 37 môn cơ sở và chuyên ngành của trường thì 6 môn học chưa có giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành. Với ngành dược học, có 20 giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, 2 chuyên khoa I, trong đó 14 chuyên ngành và 8 cơ sở… Trước thực tế này, đoàn kiểm tra đã yêu cầu trường bổ sung giảng viên cơ hữu hướng dẫn thực hành khi có sinh viên đi thực tập tại bệnh viện.
“Từ kết quả kiểm tra, Bộ GD - ĐT và Bộ Y tế đồng ý để trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành dược học từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký và bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn phân tích kiểm nghiệm. Chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ GD - ĐT về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với ngành y đa khoa, hai bộ sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi trường đã bổ sung đội ngũ, trong đó có 1 TS sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học”, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD - ĐT cho biết.
Sẽ kiểm soát điểm đầu vào
Dù đã có kết quả kiểm tra liên ngành, nhưng dư luận xã hội vẫn còn rất nhiều băn khoăn xung quanh việc mở ngành đào tạo y, dược của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ nói riêng và việc đảm bảo chất lượng đào tạo ngành y, dược nói chung. Trong đó nổi bật là vấn đề về điểm xét tuyển đầu vào.
Trên thực tế lâu nay, các trường đào tạo chuyên ngành y, dược như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y TP.HCM… đều có mức điểm xét tuyển khá cao, ít nhất cũng phải trên 25-26 điểm; thậm chí có năm lên tới 29 điểm. Trong khi với các trường tư như kiểu trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, mức điểm xét tuyển đầu vào chỉ là 20 điểm; khá thấp so với mặt bằng chung.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, cho biết, ngày 15/12, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học y, dược đã họp và đưa ra đề xuất. Theo đó, kỳ tuyển sinh năm 2016, các trường đại học y, dược sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, phải áp dụng điểm ngưỡng cho ngành Dược học (học 5 năm) và Y đa khoa (6 năm).
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD - ĐT), để hoàn thiện quy chế tuyển sinh năm 2016, Bộ GD - ĐT đã tổ chức các hội nghị với địa phương, lấy ý kiến xã hội để đưa ra ngưỡng điểm đầu vào của các ngành tuyển sinh, trong đó có ngưỡng điểm đầu vào đối với ngành y đa khoa, dược học. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu trường nào không tuân thủ theo ngưỡng điểm đầu vào, đưa ra ngưỡng riêng, thì phải có phương án tuyển sinh riêng được bộ chấp thuận.
Như vậy sẽ có 1 ngưỡng điểm xét tuyển chung cho các trường y, dược trong năm tới; chứ không để “mạnh trường nào trường ấy lấy điểm”.
Tuy nhiên, đúng như ý kiến phát biểu của PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, với ngành đào tạo y dược là ngành đặc biệt, nên dù Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh, ngành đào tạo này vẫn cần có sự quản lý của Nhà nước. Nên chăng, Nhà nước sẽ quyết định trường nào được phép mở ngành y dược, thay vì do Bộ GD - ĐT và Bộ Y tế quyết định như hiện nay. “Chúng ta không thể bó hẹp chỉ vài ba trường đào tạo chuyên về y dược, vẫn cần mở rộng cho các trường khác được đào tạo, nhưng Nhà nước vẫn phải quản lý việc cho phép đào tạo này”, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế: Sắp tới Bộ Y tế sẽ kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi Luật Khám chữa bệnh. Theo đó, cần có kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề và cần có những giám sát để đảm bảo cho những người được đào tạo phải đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Chứng chỉ hành nghề phải tái cấp trong vòng 5 năm.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: Sau đợt kiểm tra này, hai bộ thống nhất sẽ rà soát lại tất cả các cơ sở đào tạo y dược. |