'Đánh đố' thí sinh bằng tổ hợp 'Văn,Sử, Địa' để xét tuyển ngành kinh tế, ngoại ngữ?

Trong Phương án tuyển sinh năm 2018 mình, rất nhiều trường đã đưa ra các tổ hợp “lạ”, thậm chí là... bất thường. Cá biệt có trường sử dụng cả tổ hợp Văn - Sử - Địa để tuyển sinh viên cho ngành Công nghệ thông tin; hay việc sử dụng tổ hợp khối a để tuyển sinh ngành Văn học.

Xét tuyển bằng tổ hợp bộ môn “lạ”

Từ năm 2015, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quyết định chuyển từ hình thức thi 3 chung (chung đợt, chung đề, chung kết quả) sang hình thức 2 chung - dùng kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Quyết định này đã  nhận được sự đồng tình từ các trường và cả thí sinh vì tạo thêm cơ hội cho thí sinh có thể bước vào giảng đường ĐH.

Các bạn học sinh rất cần các ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trước rất nhiều thông tin gây nhiễu.

Đặc biệt, việc Bộ GD-ĐT cho thi 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) và Khoa học xã hội (Địa - Sử - Giáo dục công dân) thì cơ hội vào ĐH càng tăng hơn khi tổ hợp xét tuyển được mở rộng. Mùa tuyển sinh năm 2018 càng thể hiện rõ chủ trương này khi nhiều trường đặt điều kiện cứng để vào ĐH là tốt nghiệp THPT; việc còn lại là thí sinh chọn trường, chọn ngành theo sở thích và năng lực.

Tuy nhiên, việc mở cửa cho các trường tự chủ trong chọn tổ hợp bộ môn để xét tuyển cũng bắt đầu cho thấy nhiều “hiện tượng lạ”. Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên, mùa tuyển sinh năm 2018 bắt đầu có các trường áp dụng phương thức xét tuyển thêm các tổ hợp Văn - Sử - Địa, Văn - Sử - Giáo dục công dân và Địa - Sử - Giáo dục công dân trong tuyển sinh. Lạ lùng hơn là sự kết hợp của các môn “không liên quan” như “Văn, Lý, Địa”, “Văn, Hóa, GDCD”, “Toán, Sử, Địa”…


Việc công bố những phương thức tuyển sinh nói trên làm dư luận, đặc biệt là các thí sinh, hết sức hoang mang khi không hiểu các tổ hợp này được đưa ra dựa trên tiêu chí, yêu cầu nào?

Thậm chí, còn có tình trạng các trường sử dụng tổ hợp "không phù hợp" để xét tuyển như Trường ĐH Hùng Vương TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Thái Bình Dương, Trường ĐH Nam Cần Thơ… sử dụng tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân để tuyển sinh các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng tuyển cả tổ hợp. Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai xét tuyển hàng loạt ngành công nghệ như kỹ thuật ô tô, điện - điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin... bằng tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân. Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng sử dụng tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân cho các ngành kinh tế như kinh doanh quốc tế, marketing và các ngành quản trị, truyền thông đa phương tiện, kể cả ngành tiếng Anh... 

Tường ĐH Đông Đô còn “sốc” hơn khi dùng tổ hợp Văn - Sử - Địa để tuyển sinh các ngành như ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung, điều dưỡng. Trường ĐH Bình Dương (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thay vì tuyển sinh ngành Văn học bằng các tổ hợp khối C như thường thấy, lại xét tuyển bằng tổ hợp Toán, Lý, Hóa.

Trường sai phạm có thể bị dừng tuyển sinh

Trước những thông tin về khả năng “loạn” xét tuyển tổ hợp bộ môn kể trên, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Nguyễn Thị Kim Phụng.

Theo bà Phụng, thực hiện quy định tại Điều 34 của Luật GDDH: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”, Quy chế tuyển sinh đã quy định: các trường được “Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành”.

Như vậy, các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào.

Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Quy trình xác định tổ hợp cho các ngành thường do hội đồng khoa học đào tạo hoặc hội đồng tuyển sinh tham mưu... Và nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo.

“Chúng tôi tin rằng những trường lựa chọn cách trên không nhiều. Nhưng đã có hiện tượng như vậy, chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình. Nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, chúng tôi sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để trước hết, kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung” - Đại diện Bộ GD-ĐT tỏ rõ sự kiên quyết.

Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, nếu trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn, “mất nhiều hơn được”.

- Trước hết là dư luận xã hội nghi ngờ chính sách chất lượng của trường và khối trường đang đào tạo cùng ngành sẽ đánh giá thấp những trường như thế.

- Thí sinh tốt sẽ không chọn trường này, dẫn đến trường chỉ chọn được những thí sinh kém, không có tinh thần thực học thực nghiệp, học chỉ để kiếm bằng...

- Nếu có thí sinh chưa suy nghĩ chín chắn vào trường không phải bằng kiến thức nền tảng vững chắc thì cũng khó tiếp thu kiến thức, không hứng thú trong khi học và sau này, nếu có tốt nghiệp cũng khó xin việc làm, có xin được việc làm thì cũng khó trở thành công việc yêu thích, đam mê, để cống hiến và phát triển... Nhiều thí sinh bỏ học giữa chương trình thường rơi vào những trường hợp này, chấp nhận mất học phí, thời gian, công sức...

- Quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường sẽ bị giảm sút khi thấy trường tuyển sinh bằng cách “vơ bèo vạt tép”, người sử dụng lao động sẽ nghi ngờ chất lượng đào tạo của trường, không muốn nhận sinh viên của trường. Và như vậy, trường lại tiếp tục không thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi... Nếu điều đó cứ tiếp diễn thì đó sẽ là quá trình “tự sát” vì trong điều kiện thông tin minh bạch như hiện nay, khó có thể “vàng thau lẫn lộn”.

Lê Sơn/Báo Tin tức
Tuyển sinh 2018: Các mốc thời gian thí sinh phải ghi nhớ
Tuyển sinh 2018: Các mốc thời gian thí sinh phải ghi nhớ

Thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi và xét tuyển đại học từ ngày 1 - 20/4 tại nơi đang theo học, và thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng cùng một lúc giống như năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN