Đề thi vào lớp 10 tại Nghệ An, Yên Bái vừa sức học sinh

Ngày 6/6, hơn 35.000 thí sinh của Nghệ An chính thức bước vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 với 3 môn thi, Ngữ văn, Toán và tổ hợp ba môn Ngoại ngữ - Sinh học và Giáo dục công dân.

Kỳ thi năm nay là năm đầu tiên tỉnh Nghệ An áp dụng bài thi tổ hợp đối với kỳ thi vào lớp 10.

Thí sinh làm bài thi Ngữ Văn tại hội đồng thi THPT Hà Huy Tập, thành phố Vinh. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Toàn tỉnh Nghệ An có 35.000 thí sinh đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10, song chỉ có 29.000 thí sinh được vào các trường công lập. Số còn lại, buộc phải xét tuyển vào các trường ngoài công lập, Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc lựa chọn hình thức khác.

Đây là năm đầu tiên Nghệ An áp dụng bài thi tổ hợp làm môn thi thứ ba với 3 môn Ngoại ngữ - Sinh học và Giáo dục công dân. Để chuẩn bị cho bài thi tổ hợp, các thí sinh có gần 2 tháng chuẩn bị.

Với tinh thần đổi mới, năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An quyết định không thực hiện phương thức xét tuyển đối với thí sinh các huyện miền núi cao là Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Châu. Điều này, theo ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sẽ hạn chế tâm lý chủ quan của học sinh, giáo viên và nâng cao chất lượng dạy và học trong toàn tỉnh.

Trước đó, nhằm chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc và khách quan, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã thành lập 6 đoàn kiểm tra về công tác tuyên truyền, quán triệt quy chế thi; việc tổ chức ôn tập, đánh giá xếp loại học sinh; công tác làm hồ sơ đăng ký dự thi và công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện khác phục vụ các kỳ thi, bảo đảm trật tự an toàn cho các kỳ thi tại 21 huyện, thành thị.

Sáng 6/6, thí sinh thi môn đầu tiên là Ngữ văn. Ở môn thi này, về phần làm văn, với câu hỏi “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học” được rất nhiều học sinh tỏ ra thích thú. Thí sinh Nguyễn Thị Minh Ngọc (học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Lợi, thành phố Vinh) đánh giá đây là câu hỏi khó, phân loại thí sinh vì đề thi này không có trong sách giáo khoa. Đề thi này phải dựa vào sự hiểu biết và trải nghiệm của học sinh.


Nhận  xét về đề thi môn Ngữ văn, cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh – giáo viên dạy môn Ngữ văn (Trường Trung học cơ sở Lý Nhật Quang - huyện Đô Lương) cho biết: Đề thi năm nay hay, vừa tầm, bám sát cấu trúc Sở đã quy định. Đề vừa lấy được điểm cho học trò, vừa có phần khuyến khích tư duy sáng tạo học sinh, đặc biệt là câu nghị luận xã hội. Câu hỏi “đừng xấu hổ” là một câu ra theo cấu trúc đề mở, sáng tạo, giúp học sinh có cơ hội sáng tạo trong việc phát triển vấn đề, triển khai bài làm. Ngoài ra, đề thi bao quát được chường trình học, cả trung đại, hiện đại (ở phần tập làm văn) tạo lối mở cho học sinh lựa chọn.

Thí sinh hoàn thành môn thi Ngữ văn ở điểm thi trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Để làm tốt đề thi này, học sinh cần nắm vững cấu trúc đề thi để có thời gian làm bài hợp lý, nắm được kỹ năng để làm từng phần và từng dạng bài, nắm vững tác phẩm. Để được điểm cao, học sinh cần biết phát huy tố chất, nhuần nhuyễn kiến thức kỹ năng và lập luận trình bày và có nhiều kiến thức xã hội.

* Trong hai ngày (5 - 6/6), tỉnh Yên Bái tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2018-2019.

Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có hơn 8.500 thí sinh đăng ký dự thi, tại 25 điểm thi, với ba môn thi: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh), riêng thí sinh tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải có thể lựa chọn môn Lịch sử thi thay thế môn Ngoại ngữ. Tại kỳ thi các thí sinh thi môn Ngữ văn theo hình thức tự luận, còn môn Toán và Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, đây là điểm mới trong kì thi năm nay tại Yên Bái.

Theo đánh giá, đề thi được in sao rõ ràng, không bị lỗi, đủ số lượng. Nội dung thi sát với chương trình học, chủ yếu là kiến thức lớp 9. Đối với môn Toán và môn Ngoại ngữ các thí sinh thi theo hình thức trắc nghiệm, kiến thức rộng và bao quát hơn nhưng các câu hỏi đều ngắn gọn, không rườm rà, vừa sức với khả năng của thí sinh.

Riêng các thí sinh ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, với đặc thù là huyện vùng cao, trình độ học sinh còn hạn chế nên lựa chọn cho phép thi môn thay thế là Lịch sử là phù hợp. Theo nhận định của nhiều thí sinh đề thi vừa sức, bám sát kiến thức chương trình Trung học cơ sở.

Trong hai ngày thi, các điểm thi trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đúng quy định, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: Việc phân công giám thị, bảo đảm thời gian giao đề, phát đề, thu đề. Giám thị đến coi thi đúng thời gian, làm đúng nhiệm vụ phân công; hướng dẫn thí sinh cách làm bài thi trắc nghiệm, tránh sai sót; trong thời gian làm bài luôn động viên thí sinh bình tĩnh, đọc kĩ câu hỏi để bài thi đạt kết quả cao.

Để kỳ thi diễn ra an toàn, tại các khu vực thi, lực lượng chức năng luôn bảo đảm an toàn giao thông, tránh xảy ra ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự cũng được bảo đảm, nhất là những điểm thi ở khu vực trung tâm huyện, thành phố như Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành... Tại những địa điểm này, các lực lượng chức năng đã tăng cường bảo vệ, không để xảy ra hiện tượng ồn ào, mất trật tự xung quanh khu vực thi.

Theo thống kê, trong hai ngày thi, toàn tỉnh đã có 51 thí sinh vắng mặt, nhiều nhất là Trường Trung học phổ thông Cẩm Nhân, huyện Yên Bình có 9 trường hợp vắng. Các điểm thi cũng đã siết chặt công tác kiểm tra, không có giám thị hay thí sinh vi phạm quy chế thi.

Bích Huệ - Đinh Thùy (TTXVN)
Sáng nay, học sinh Hà Nội sẽ làm thủ tục thi vào lớp 10 THPT
Sáng nay, học sinh Hà Nội sẽ làm thủ tục thi vào lớp 10 THPT

Sáng ngày 6/6, 95.000 thí sinh ở Hà Nội đã tập trung làm thủ tục cho kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019. Áp lực vào lớp 10 công lập, nhất là khu vực nội thành của Hà Nội thật sự là sức ép không nhỏ đối với các học sinh và phụ huynh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN