Hà Nội: Phấn đấu tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 224.000 lượt người năm 2022

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong công tác giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp tập trung phát triển nguồn nhân lực Thủ đô và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Chú thích ảnh
Học sinh sinh viên trong giờ học về điện tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn/TTXVN

Quan điểm của UBND thành phố là việc triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp phải được tiến hành quyết liệt, đồng bộ, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo hiệu quả, gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu của thị trường lao động.

Thành phố Hà Nội đưa ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2022 là tuyển sinh và đào tạo khoảng 224.500 lượt người (cao đẳng 25.000, trung cấp 28.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 171.500 lượt người); phấn đấu lao động qua đào đạt từ 72,2%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 51,2% trở lên.

Thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các chính sách tuyển sinh, đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của giáo dục nghề nghiệp đối với sự nghiệp phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ đó chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Bằng nhiều hình thức, nỗ lực vượt qua khó khăn, thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành chủ động thích ứng linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với diễn biến phúc tạp của dịch COVID-19, đảm bảo hoạt động tuyển sinh, đào tạo không bị gián đoạn. Các cơ sở đào tạo cần ưu tiên đào tạo để cung ứng lao động cho doanh nghiệp, góp phần tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trên thị trường; tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất của đơn vị để tổ chức thực hiện phương án ''giảng dạy, cách ly y tế, ăn ở tại trường"; bố trí chỗ ăn, ở, điều kiện sinh hoạt cho học sinh, sinh viên, học viên thuận lợi, phù hợp và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thành phố đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, xây dựng kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hàng năm; tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên website, fanpage, các kênh liên kết tuyển sinh online dưới nhiều hình thức: tin bài viết, tọa đàm chia sẻ cơ hội nghề nghiệp, livestream trên fanpage giới thiệu các thông tin về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, cơ hội việc làm... Hà Nội tổ chức ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. 

Thành phố nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, đổi mới nội dung chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ lao động có trình độ kỹ năng nghề vững, đủ khả năng tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, thiết bị kỹ thuật hiện đại, có khả năng tham gia cạnh tranh trên thị trường lao động.

Thành phố đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Thời gian vừa qua, đây là vấn đề khá nan giải bởi các doanh nghiệp sử dụng lao động gặp rất nhiều khó khăn trong các phương án sản xuất, dẫn tới việc sử dụng lao động không ổn định, lâu dài và chưa liên tục. Giai đoạn này, thành phố chú trọng hơn việc đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường, của người sử dụng lao động; gắn chất lượng đào tạo nghề ứng dụng công nghệ, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; đào tạo gắn với chương trình phát kinh tế, xã hội của thành phố và từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế tăng cơ hội tìm kiếm việc làm bền vừng cho người lao động.

Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.

UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với sở Tài chính, các sở, ngành liên quan trong việc kêu gọi các dự án đầu tư và cân đối các nguồn lực tài chính, bố trí vốn đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thị xã rà soát điều chỉnh phương án sử dụng các khu cách ly tập trung trên địa bàn, bàn giao lại cơ sở cách ly trưng dụng từ các trường trung cấp, cao đẳng để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhanh chóng ổn định, hoạt động trở lại.

UBND thành phố yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện cho người lao động tham gia các kỳ đánh giá, kỳ thi nâng cao tay nghề quốc gia, nhằm nâng cao trình độ cho người lao động cũng như tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn và vệ sinh lao động; sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở một số ngành nghề theo quy định.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp giúp học sinh, sinh viên ra trường sớm có việc làm
Gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp giúp học sinh, sinh viên ra trường sớm có việc làm

Việc kết nối giữa doanh nghiệp (DN) và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gần đây mang lại hiệu quả, tạo được nhiều vị trí việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV), người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp). Khoảng trên 80% người học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN