Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, sau 3 ngày mở Cổng thông tin tuyển sinh quốc gia, hệ thống hoạt động ổn định. Trong năm nay, số lượng các cuộc gọi và email của thí sinh đề nghị hỗ trợ điều chỉnh nguyện vọng giảm rất nhiều so với năm 2020. Một trong các nguyên nhân là do năm nay, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần trong thời gian từ ngày 29/8 - 17 giờ ngày 5/9.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi văn bản hướng dẫn, đăng tải tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tại Cổng thông tin tuyển sinh, đồng thời gửi clip hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng cho thí sinh và tài liệu hướng dẫn tuyển sinh cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non để phối hợp hướng dẫn thí sinh.
Các điểm tiếp nhận mở phòng máy có kết nối internet để hỗ trợ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, đối với các địa bàn phải giãn cách xã hội do dịch bệnh, các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ thí sinh ở các khu vực khó khăn về công nghệ thông tin và khó khăn do dịch bệnh trong việc sửa sai, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Đối với một số thí sinh tại các khu vực cách ly, giãn cách xã hội có mong muốn tăng thêm số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển hoặc điều chỉnh đối tượng ưu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ thí sinh. Vì vậy, các em có thể liên hệ với người thân ở ngoài vùng cách ly hoặc thầy, cô giáo để có thông tin chính thức phương án của các điểm tiếp nhận.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: Chỉ cần thay đổi 0,01 điểm cũng có thể làm cho thí sinh đỗ/trượt từ nguyện vọng này sang nguyện vọng khác. Vì vậy, nếu không có đủ thông tin, minh chứng chính xác để thay đổi khu vực ưu tiên/đối tượng ưu tiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả tuyển sinh, việc giải quyết các hệ quả sau này là rất phức tạp và khó khăn. Do đó, các điểm tiếp nhận cần linh hoạt giải quyết để không gây khó khăn cho thí sinh tại khu vực cách ly hay giãn cách xã hội nhưng cũng phải đảm bảo tính chính xác của các thông tin cần thay đổi.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý, thời điểm này, thí sinh cần nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và thông tin tuyển sinh của các trường để có thể xét tuyển vào các ngành phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực bản thân và kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng hợp lý, nguyện vọng ngành, trường nào thích nhất thì đặt lên trước (nguyện vọng 1 là nguyện vọng có mức ưu tiên và yêu thích cao nhất của cá nhân mình). Năm nay, các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần, thay vì 1 lần như năm trước, vì vậy, trước lần điều chỉnh thứ 3 (nếu có), thí sinh cần kiểm tra kỹ nguyện vọng điều chỉnh và điều kiện ưu tiên để tránh sai sót đáng tiếc sau này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: Đối với các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác (không dùng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông) đã xác nhận nhập học, nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi Trung học Phổ thông, các trường đã xác định nhập học lên hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh chung. Vì vậy, thí sinh không còn quyền tham gia xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Tuy nhiên, một số thí sinh muốn rút xác nhận nhập học. Có thể thấy, các trường đã thực hiện đúng quy chế và hướng dẫn, việc cho phép thí sinh rút lại Giấy chứng nhận kết quả thi Trung học Phổ thông là quyền tự chủ của các trường dựa trên các điều kiện thực tế.
Để giúp các thí sinh đưa ra quyết định sáng suốt nhất khi điều chỉnh nguyện vọng, Ban tư vấn tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ những “nguyên tắc vàng” khi thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Theo đó, các nguyện vọng xét tuyển đại học có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm nguyện vọng đầu bao gồm các ngành và trường thật sự yêu thích và mong muốn theo học. Nhóm nguyện vọng thứ hai bao gồm các ngành và trường vừa tầm với năng lực cá nhân. Nhóm nguyện vọng thứ ba bao gồm các ngành và trường thấp hơn với năng lực để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
Trên thực tế, nhiều thí sinh rất thích một ngành nhưng vì quá lo sợ mà điền ngành đó vào các nguyện vọng dưới. Đến lúc xét tuyển mới biết điểm của mình có thể đạt được không được xét do đã trúng tuyển các ngành học (dù thấp điểm hơn) phía trên, thí sinh sẽ rất nuối tiếc.
Vì vậy, với cách thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông như hiện nay, thí sinh có thể đặt ngành yêu thích ở nguyện vọng 1, các ngành khác ở nguyện vọng tiếp theo. Thí sinh cần lưu ý, các trường đại học có cùng ngành đào tạo nhưng có điểm chuẩn khác nhau. Vì thế, có thể chọn ngành yêu thích ở các trường khác nhau theo điểm chuẩn từ cao đến thấp. Bởi khi thí sinh đã trúng tuyển vào ngành không thích nhưng trong quá trình học muốn được chuyển sang ngành khác của trường là tương đối khó. Thông thường, ngành chuyển tới cũng phải có điểm chuẩn bằng hoặc cao hơn điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông của thí sinh. Ngoài ra, trường đại học đang học đồng ý và trường mới chuyển đến cần phải đồng ý tiếp nhận nếu thí sinh đạt kết quả học tập cao, không vi phạm kỷ luật.