Ngày 10/7, các thí sinh khối B, C, D và năng khiếu đã làm bài thi môn cuối cùng. Chiều 10/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã tổ chức họp báo “Thông báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012”. Theo đó, hai đợt thi đại học (ĐH) đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đề thi có tính phân loại tốt và được các chuyên gia cũng như dư luận đánh giá cao. Theo thống kê của Bộ GD - ĐT, kết thúc hai đợt thi ĐH, cả nước có 321 thí sinh bị xử lý kỷ luật, 9 cán bộ tham gia công tác thi tuyển sinh bị xử lý kỷ luật.
Trách nhiệm giám thị được nâng lên
Toàn quốc có 125 trường ĐH tổ chức thi đợt 1 và 121 trường tổ chức thi đợt 2. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi ĐH cả hai đợt: 1.615.979, số thí sinh đến dự thi là 1.265., đạt tỷ lệ 78,30%, giảm 0,8% so với năm 2011. Trong hai đợt thi, các trường ĐH đã huy động 142.956 lượt cán bộ tham gia công tác thi. Trong cả hai đợt thi ĐH năm 2012 cả nước có 321 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 44, cảnh cáo 13, đình chỉ 253, đến muộn không được thi 11. Tổng số cán bộ tham gia công tác thi tuyển sinh bị xử lý kỷ luật là 9, trong đó khiển trách 5, cảnh cáo 1 và đình chỉ 3.
Các thí sinh thi tại Hội đồng thi Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN |
Ghi nhận về kết quả của kỳ thi, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD - ĐT cho rằng, việc bổ sung điểm c, điều 25 về việc mang vật dụng điện tử vào phòng thi thực tế đã nâng cao tính kỷ luật trong trường thi. Thực tế qua hai đợt thi, trách nhiệm của giám thị cũng được nâng lên. Bộ không đặt nặng giám thị phải xác định vật dụng mà cần phải có sự quan sát kỹ. Nếu thấy có hiện tượng bất thường phải kịp thời báo với lãnh đạo điểm thi, Hội đồng tuyển sinh hoặc Ban chỉ đạo tuyển sinh để giải quyết.
Được biết, qua hai đợt thi ĐH, có một vài trường hợp dùng tai nghe không dây đang được PA83 điều tra làm rõ. Bộ GD - ĐT từ chối thông tin vì chưa có kết quả chính thức.
Ông Nguyễn Huy Bằng cũng cho biết, thực tế lực lượng thanh tra trong hai đợt thi ĐH được tăng cường và đông hơn mùa tuyển sinh năm trước. Điểm mới của năm nay là Bộ lập hộp thư nhận phản ánh tiêu cực. Các đoàn thanh tra đột xuất tại các điểm thi đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, kỳ thi năm nay bên cạnh sự giám sát của Nhà nước còn có sự giám sát của xã hội. Điều này giúp tăng tính minh bạch của kỳ thi và tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Bộ GD - ĐT cũng đánh giá việc bổ sung cụm thi Hải Phòng đã giảm bớt 14.750 thí sinh cho các điểm thi tại Hà Nội. Tương tự, việc mở rộng đối tượng dự thi tại cụm thi Vinh đã giảm bớt 9.4 thí sinh cho các điểm thi tại TP Hồ Chí Minh, góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố này. Ở một vài phòng thi tại một số điểm thi, một số cán bộ tham gia công tác thi tuyển sinh còn hạn chế về nghiệp vụ hoặc chủ quan dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Những sai sót nhỏ này đã được phát hiện kịp thời và chấn chỉnh, không làm ảnh hưởng tới công tác tổ chức thi.
Phổ điểm trung bình từ 4 - 6 điểm
Theo báo cáo của Hội đồng tuyển sinh các trường ĐH và đánh giá ban đầu của các chuyên gia, của dư luận xã hội cũng như của thí sinh dự thi, đề thi ĐH của các môn thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, vừa sức với đa số thí sinh, kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi môn Ngữ văn, Địa lí được đánh giá cao về việc ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn.
Đánh giá về mức độ đề thi cũng như xu hướng ra đề của mùa thi tới, PGS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết, đề thi đã đảm bảo tính phân hóa rõ rệt. Thí sinh có học lực trung bình đều có thể làm được bài. Phổ điểm trung bình từ 4 - 6 điểm. Điểm 9, 10 chỉ xuất hiện với những học sinh có học lực rất giỏi. Đây cũng là quan điểm chung về việc ra đề thi ĐH. Đề thi năm nay đã đạt được yêu cầu này.
PGS Trần Văn Nghĩa cũng cho biết, định hướng ra đề mở ở môn Văn sẽ vẫn tiếp tục trong những năm tới. Cách ra đề này khắc phục được khả năng học vẹt của học sinh và gắn với các vấn đề xã hội đang quan tâm. “Tôi khẳng định đề trắc nghiệm còn có thể rải đều trong chương trình học, nhưng đề tự luận thì không thể rải hết được chương trình. Đề ra theo hướng mở thì đáp án chấm thi cũng mở”, PGS Trần Văn Nghĩa khẳng định.
Lê Vân - Đan Phương