Với mức điểm sàn như năm nay, Bộ GD-ĐT đánh giá các trường sẽ có nguồn tuyển phong phú và có thể chọn được sinh viên phù hợp. Tuy nhiên, một số trường ngoài công lập lại lo lắng là khó có thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Nguồn tuyển dồi dào
Nguồn tuyển dồi dào sẽ là cơ hội cho các thí sinh. |
Sáng 8/8, Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy năm 2012 đã kết luận về mức điểm sàn xét tuyển đối với học sinh phổ thông khu vực 3.
32 thành viên. Hội đồng đã xem xét, cân nhắc tất cả các nguyên tắc xây dựng điểm sàn, trong đó, có nội dung quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt; chỉ tiêu tuyển sinh; kết quả thi tuyển của các trường cũng như cơ cấu nhân lực các vùng miền. Với mức điểm sàn được công bố như năm nay thì các trường sẽ có nguồn tuyển dồi dào.
Điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ của các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) với khối A và A1 là 13 điểm; khối B: 14 điểm; khối C: 14,5 điểm và khối D là 13,5 điểm. Mức điểm sàn các khối tương ứng của hệ CĐ thấp hơn điểm sàn ĐH là 3 điểm. Cụ thể, khối A, A1: 10 điểm; khối B: 11 điểm; khối C: 11,5 điểm và khối D: 10,5 điểm. Đây cũng là điểm sàn xét tuyển CĐ của các trường CĐ sử dụng kết quả thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD - ĐT. |
Trước khi điểm sàn chính thức được công bố, nhiều trường ngoài công lập đã bày tỏ sự lo ngại trước nguồn tuyển khó khăn. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Dân lập Hải Phòng lo lắng: Việc có nhiều thí sinh đạt điểm trung bình, cộng với quy định không hạn chế lần xét tuyển nguyện vọng khiến các trường ngoài công lập gặp trở ngại trong tuyển sinh. Các trường công lập sẽ “vợt” hết những thí sinh có điểm cao.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Để đảm bảo khả năng trúng tuyển của thí sinh, Bộ GD - ĐT đã có chủ trương cho các trường xét tuyển nhiều đợt, cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, không quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau phải cao hơn nguyện vọng trước. Quy định này phải hiểu là các trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu trong khi các thí sinh trên điểm sàn sẽ có được chỗ học phù hợp. Phải xem đây là cơ hội cả cho trường cũng như thí sinh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phân tích, mức điểm sàn năm nay là để tạo điều kiện cho các trường có nhiều nguồn tuyển và đảm bảo chất lượng đầu vào. Với khối A và A1 là 13 điểm, theo thống kê của Bộ sẽ có khoảng 125.000/167.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối B điểm sàn là 14, có 29.000/32.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối C, điểm sàn là 14,5, có khoảng 19.000/22.700 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối D, điểm sàn (chưa nhân hệ số) là 13,5 có khoảng 45.000/57.000 thí sinh trúng tuyển NV1. “Vì vậy khi tính toán điểm sàn, Bộ GD - ĐT đã để số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển cao hơn so với chỉ tiêu. Vì vậy, các trường công lập không thể tuyển hết nguồn thí sinh. Ở mỗi khối thi, tỷ lệ thí sinh còn dôi dư so với chỉ tiêu thấp nhất cũng gấp 1,7 lần. Điều quan trọng là các trường phải xem có đủ chất lượng, uy tín để thu hút chất lượng học sinh hay không”, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Thí sinh cần lưu ý
Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, điểm sàn không nhân hệ số và điểm trúng tuyển của các trường không được thấp hơn điểm sàn. Thí sinh nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường.
Thí sinh chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn ĐH trở lên; vào các trường CĐ (hoặc hệ CĐ của trường ĐH hoặc trường cao đẳng thuộc các đại học) khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0).
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cũng lưu ý thí sinh là năm nay hầu hết các vùng miền tỷ lệ giữa thí sinh dư và chỉ tiêu thiếu của các trường thuộc vùng đó có thể tự cân đối với nhau. Những thí sinh thuộc vùng đó mà không trúng tuyển nguyện vọng 1 hoàn toàn có thể lấp đầy các chỉ tiêu còn thiếu của các trường còn lại trong khu vực đó. Nên nếu có sự di chuyển của thí sinh từ vùng khác đến để tham gia xét tuyển, sự cạnh tranh sẽ cao hơn so với trong cùng một vùng miền. Do đó các thí sinh cần phải cân nhắc trước khi nộp đơn vào các trường.
P.V